Mang dao, súng đi trộm chó
Việc đối đầu với nguy cơ bị đánh hội đồng khi bị bắt khiến kẻ trộm chó buộc phải mang theo dao, súng để tự bảo vệ. |
Không chỉ thủ "hàng" khi hoạt động, “cẩu tặc” cũng không ngần ngại chĩa súng vào người đuổi bắt chúng. Trường hợp ba thanh niên tử vong trong lúc truy đuổi nhóm trộm chó vừa qua là một minh chứng.
Nguyên nhân vụ việc thương tâm này đã rõ, song truy nguyên nguồn gốc, nhiều bạn đọc cho rằng phần lớn là do lối hành xử dùng bạo lực chống bạo lực của người dân. “Chính vì có quá nhiều vụ đối tượng trộm chó bị người dân bắt được, đánh chết hay tàn phế nên giờ chúng phải thủ 'hàng' để tự bảo vệ. Bọn trộm biết chắc nếu bị tóm kiểu gì cũng ăn đòn hội đồng đến chết nên không ngại sắm một cây súng hay con dao", một độc giả nhận định.
Nhiều bạn đọc cũng đồng tình rằng đây là hệ quả tất yếu của việc dùng bạo lực chống lại bạo lực! Công thức chung cho việc này là: “Cẩu tặc” trộm chó, người dân bắt được đánh “cẩu tặc” tàn phế hoặc chết, “cẩu tặc” sợ quá hóa liều mua súng bắn lại dân để thoát thân.
Độc giả Dương Văn Çhung cho biết: “Không ai bênh bọn trộm chó nhưng nếu người dân cứ bắt được là đánh thừa sống thiếu chết, thì theo bản năng tự vệ, chúng cũng đáp trả. Làm người mà tuyệt tình quá thì người ta cũng tuyệt tình lại với mình”.
Đừng dùng bạo lực chống lại bạo lực
Nếu không có cầu thì sẽ không có cung, vì thế, tốt nhất nên cấm ăn thịt chó. |
Hãy để pháp luật xử lý, đừng tạo nên những tiền lệ xấu là phân tích của bạn Nguyễn Minh Tuấn: “Chả phải bênh ai nhưng trộm chó mà giết người thì bắt được tụi nó còn bị pháp luật xử lý. Còn cả làng mà đánh chết mấy thằng trộm chó thì bơ như không. Giờ thì càng nhiều người cổ động cho cách giết người ấy. Mai này mở rộng ra cướp hay làm cái gì đó phạm tội cứ đông người lao vào mà đập chết hết. Rồi pháp luật sẽ dần chỉ để ghi văn bản mà không có tác dụng".
Bạn Tran Chirikatoji bày tỏ sự phẫn nộ khi đọc tin 3 người tử vong khi truy đuổi trộm chó. Nhưng theo bạn, là người phải theo luật pháp, và luật pháp sẽ giải quyết một cách công bằng và sáng suốt nhất. Trộm chó thì sẽ có luật pháp trừng trị. Nếu hành xử theo kiểu luật rừng thì người bị hại lại chẳng khác nào giống như những kẻ trộm chó vậy.
Bạn nói thêm: "Trộm chó vì tiền mù quáng, chúng ta vì giận mà mất bình tĩnh. Hãy để pháp luật trừng trị và dẫn dắt họ trở thành con người tốt. Trách nhiệm của người dân là phát giác và thông báo cho cơ quan chức năng, để họ có những biện pháp kịp thời, ngăn chặn. Không nên tự ý đánh người khác, vì như thế mình cũng đang phạm luật. Đó mới là sự cảm hóa giữa con người với con người”.
Giảm trộm chó bằng cách... cấm ăn thịt chó
Không ít bạn đọc cho rằng sở thích ăn thịt chó của người Việt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới vấn nạn này. Khi mức cầu vượt quá cung, một số người sẽ tìm tới nguồn cung bất hợp pháp, điển hình là việc trộm chó, cướp chó giữa ban ngày.
Thậm chí, bạn đọc Phan Phan Tien cho rằng nên có lệnh cấm buôn bán hay ăn thịt chó. “Để tránh xảy ra những sự việc thương tâm như thế này cũng như tính nhân đạo đối với loài vật nuôi thân thiết nhất của con người, tôi thiết nghĩ các nhà làm luật nên đưa ra luật cấm buôn bán, chế biết thịt chó... Đây là nguồn gốc của những sự việc thương tâm mà chúng ta đã biết”.
Cần tăng khung hình phạt với "cẩu tặc"
Ngoài việc phân tích lý do tại sao trộm chó ngày càng manh động, rất nhiều bạn đọc cũng cho rằng nên tăng cường mức án thay vì chỉ phạt hành chính như hiện nay.
Bạn Đăng Khoa cho biết trộm chó có bắt được thì cũng chỉ phạt hành chính. Nên sửa tội từ "trộm" sang "cướp" để có hình thức xử phạt thích đáng hơn.
Không từ tốn như Đăng Khoa, một số bạn đọc khác cho rằng cần dùng biện pháp mạnh để răn đe: “Nên xét xử vụ này giống như vụ cướp chặt tay bên quận 2 để răn đe và để người dân có lòng tin vào hệ thống thực thi pháp luật của Việt Nam”.