Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao trang trí đèn hoa ở Hà Nội gặp ý kiến trái chiều?

Liên tục nhiều hạng mục trang trí đèn, hoa trên các tuyến phố của Hà Nội những ngày gần đây bị tháo dỡ hoặc chỉnh sửa sau khi vấp nhiều ý kiến trái chiều.

Ít ngày sau khi trang trí, nhiều hạng mục ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đường Độc Lập, Thanh Niên... phải tháo dỡ hoặc sửa chữa sau khi vấp nhiều ý kiến trái chiều về tính thẩm mỹ. Zing.vn giới thiệu góc nhìn của thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương (Khoa Kiến trúc – Quy hoạch, Đại học Xây dựng), người nghiên cứu về cảnh quan nghệ thuật công cộng ở thủ đô:

Vừa qua, Hà Nội có rất nhiều thay đổi trong việc bài trí cảnh quan đường phố và các khu công cộng, từ: đèn chiếu sáng, cây cảnh, pano, biểu trưng, biểu ngữ, bảng hình ảnh điện tử… để chào mừng năm mới, các lễ kỷ niệm của đất nước. Tuy nhiên, đông đảo người dân có quan điểm trái chiều khi như quá lòe loẹt, tốn kém….

Việc trang trí phố phường là nỗ lực của Hà Nội nhằm thay đổi hình thức trang trí các không gian công cộng và mang lại cảm quan tươi mới về thủ đô cho người dân và khách tham quan. Tất cả những trang trí kể trên có thể được gọi là "nghệ thuật công cộng" (NTCC). Đôi khi, người ta còn hiểu NTCC như là nghệ thuật môi trường, nghệ thuật cảnh quan bởi mối quan hệ mật thiết của NTCC với hai loại hình nghệ thuật này.

NTCC có tính tích lũy, tiếp thu và tính chất biến đổi theo thời gian và bối cảnh xã hội.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương.

Nó được tạo nên bởi các design công cộng, các điêu khắc không gian, các điểm nhấn kiến trúc và luôn nằm trong quy hoạch đô thị và lấy việc nghệ thuật hóa môi trường làm nòng cốt, là một hình thức nghệ thuật đang được chú trọng ở nhiều quốc gia. Nghệ thuật này là là sản phẩm của sự giao thoa giữa các ngành nghệ thuật học, nhân văn học, tâm lý xã hội học, đô thị học…

Tuy nhiên, nghệ thuật nào cũng cần khẳng định giá trị bằng sức sống trong môi trường mà nó được đặt định và tinh thần nơi chốn của tác phẩm nằm ẩn sâu trong các ý tứ mà tác phẩm hướng đến chứ không phải là cái hình thức phơi ra bên ngoài của tác phẩm.

Việc tham vấn đầy đủ các chuyên gia là cần thiết nhưng rất khó và chắc chắn chưa từng được đưa ra trước khi Hà Nội thực hiện các công trình NTCC. Vì thế, các công trình này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân cũng là dễ hiểu.

Khi đưa ra một kế hoạch và thực thi các trang trí cho những không gian này trong các dịp lễ hội, kỷ niệm, đương nhiên sẽ cần nhiều kinh phí, cần xã hội hóa. Tuy vậy, để những khoản chi phí có hiệu quả, để Hà Nội hấp dẫn, ấn tượng và đẹp đúng với bản sắc của Hà thành lại là một chuyện cần phải suy nghĩ, chứ không phải ném tiền vào đâu cũng được.

Trước quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng trăm dải hoa hồng mô hình lấy ý tưởng từ vườn hồng cũ trên phố Bắc Sơn cũng vừa bị tháo dỡ ngày 17/1. Ảnh: Anh Tuấn.

Ngoài những ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng Hà Nội đang làm tốt, chê bai nhiều sẽ làm khó Hà Nội trong việc chỉnh trang đô thị.

Nhưng NTCC trước tiên là nghệ thuật dành cho đông đảo công chúng. Nó có rất nhiều tính năng mà ngay cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp ở ta cũng chưa thực sự tường tận, chứ đừng nói đến các cơ quan hay cán bộ có thẩm quyền quyết định. Vì thế, cả các tác phẩm được giải thưởng hay các tác phẩm bị phê phán cũng chưa thực sự được nhìn nhận một cách công bằng và đầy đủ. Và, để giáo dục cho công chúng một tư duy thẩm mỹ đủ thưởng thức, đánh giá các tác phẩm NTCC này cũng là một vấn đề cần bàn đến ở Thủ đô.

NTCC Hà Nội sẽ còn nhiều vấn đề bàn luận. NTCC không tự giới hạn mình ở bất cứ một hình thức, phương thức, thể loại hay chất liệu nào. Nó có thể là một tác phẩm điêu khắc, một bức họa, một công trình kiến trúc độc đáo… được làm từ những chất liệu bền vững và được cài đặt ở những địa điểm công cộng cụ thể.

Để Hà Nội có các tác phẩm NTCC với đúng thể loại, ý nghĩa và chức năng của nó, thì những đơn vị xây dựng ý tưởng cũng như thực hiện công trình cần phải có sự tham vấn từ các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị … và tất nhiên không thể thiếu được vai trò của các nghệ sĩ làm nghệ thuật không gian ngoài trời. Bởi, một tác phẩm NTCC luôn cần thỏa mãn rất nhiều yếu tố để có thể tồn tại.

Lạm dụng và lãng phí

Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư cho rằng, Hà Nội đang lạm dụng trang trí một số công trình công cộng. Vị này cho biết, ông đã đi qua một số đoạn đường như dư luận phản ánh và thấy đúng là lòe loẹt và dày đặc. Ông cho rằng, các tuyến đường khu vực nội độ Hà Nội vốn cũng đẹp rồi, chỉ cần tô điểm đẹp thêm hơn thay vì làm dày đặc, thay đổi toàn diện gây choáng ngợp cho người dân.

"Làm công trình xã hội hóa khá lãng phí trong khi tiền của ai cũng là tiền, cần hiệu quả, phù hợp, tiết kiệm hơn. Những công trình công cộng cần lấy ý kiến đông đảo chuyên gia đô thị, kiến trúc, nghệ thuật để làm đẹp hơn, chứ không phải cứ xã hội hóa, có tiền thích làm gì thì làm. Làm xong thấy người dân phản ứng lại tháo dỡ thì quá lãng phí” – tiến sĩ Đức cho hay.

Đường phố Hà Nội trang hoàng đón Tết

Các tuyến phố trung tâm thủ đô rực rỡ với đèn hoa trang trí nhiều màu sắc chờ đón Tết nguyên đán Bính Thân nhiều ngày qua.

Tháo dỡ đài hoa lạ gây tranh cãi ở Hà Nội

Trong khi dân mạng đang tranh cãi về tên của loài hoa đặt cạnh hồ Gươm, chiều 10/1, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã cho tháo dỡ đài hoa để chỉnh sửa lại cả kiểu dáng lẫn màu sắc.



Nguyễn Thị Lan Hương

Thắng Quang ghi

Bạn có thể quan tâm