Trước sự kiện Tràng Tiền Plaza bất ngờ tung ra chương trình khuyến mãi lớn, giảm giá sâu nhiều mặt hàng, đồng thời sẽ đóng cửa tái cơ cấu trong vòng 3 tháng, khá nhiều ý kiến trái chiều về nguyên nhân của quyết định này. Một doanh nhân trẻ cho rằng Tràng Tiền Plaza đóng cửa cắt lỗ do không định vị được thương hiệu rõ ràng, giá đắt nhưng chất lượng còn để ngỏ hay dịch vụ kém. Tuy nhiên, với nhiều người "chơi" hàng hiệu khác, lý do để đóng cửa Tràng Tiền không phải vì lỗ, hay vì định vị sai.
Tự nhận mình không phải là một tay buôn hàng hiệu dù sở hữu trang trại sản xuất một trong những món ăn đắt đỏ nhất thế giới - trứng cá tầm - doanh nhân Lê Anh Đức cho rằng dưới góc nhìn của một người tiêu dùng, kinh doanh hàng hiệu không hẳn đang khó sống ở Việt Nam. Lý do chính: nhóm khách hàng quan trọng nhất là những người giàu có, tiêu dùng thông minh và ít chịu tác động của khủng hoảng.
"Tôi có chơi với nhiều người cung ứng các sản phẩm xa xỉ ở Việt Nam, họ cho biết kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam không hẳn khó sống, thậm chí một số công ty vẫn đạt được kết quả kinh doanh khá tốt. Tuy nhiên, đúng là cuộc khủng hoảng kinh tế trong 2 năm qua có ảnh hưởng đến nguồn khách hàng, như những người thuộc tầng lớp trung lưu. Trước đây, họ có thể cho phép mình mua vài món đồ hàng hiệu đắt tiền, nhưng giờ họ không mua nữa. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các nhãn hiệu xa xỉ tại Việt Nam", anh Đức nói.
Khách hàng của các sản phẩm xa xỉ là tầng lớp thượng lưu, những người chi tiêu đầy tính toán và ít chịu tác động của khủng hoảng. |
Doanh nhân 37 tuổi này cho rằng, trong thực tế thì việc kinh doanh hàng hiệu nói chung và Tràng Tiền Plaza nói riêng là rất khó "chết", bởi phân khúc khách hàng chính của những sản phẩm này không phải là tầng lớp trung lưu, mà là tầng lớp thượng lưu. "Thông thường, khi xảy ra các biến động kinh tế, tầng lớp thượng lưu là nhóm bị ảnh hưởng cuối cùng hoặc rất ít chịu tác động tiêu cực".
Lấy chính kinh nghiệm mua hàng hiệu của bản thân mình, doanh nhân Lê Anh Đức cho rằng, đối với hàng hiệu, việc mua ở Việt Nam hay nước ngoài cũng không có gì khác biệt, từ giá cả hay chất lượng, bởi đó là những giá trị đồng nhất mà các thương hiệu này đã tạo ra.
"Sự khác biệt có thể chỉ đến từ một chi tiết: hàng hiệu không bán tại Việt Nam. Có những tên tuổi lớn trong ngành thời trang, tiêu dùng thế giới nhưng lại không phổ biến với người Việt, không được cung ứng ở Việt Nam nên việc đi mua hàng hiệu ở nước ngoài có thể hứng thú hơn khi khám phá được những thương hiệu mới, lạ. Tuy nhiên, tôi sẽ không mất thời gian để đi ra nước ngoài lựa chọn một món đồ hàng hiệu mà Việt Nam cũng bán", ông chủ trang trại cá tầm triệu đô nhận định.Một doanh nhân tại TP.HCM cho rằng, người có nhu cầu tiêu dùng thực sự tìm đến Tràng Tiền vì ở đây có cái mà họ cần mua, chứ không phải bởi trung tâm này định vị điều gì. "Người tiêu dùng thượng lưu là những người không tiêu tiền linh tinh, họ thường mua đồ theo nguyên tắc của mình. Các thương hiệu xa xỉ cũng có nhiều tính toán riêng khi xuất hiện ở một địa điểm nổi tiếng tại một trong những thị trường tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới", doanh nhân này nhận định.
Ông này bổ sung, phong cách tiêu dùng tại Hà Nội và Sài Gòn rất khác nhau. Người Hà Nội lâu lâu mới mua, mỗi lần mua là bỏ số tiền lớn, ngược lại với TP.HCM, nơi guồng quay tiêu dùng đòi hỏi sự thay đổi liên tục, nhưng lại ưa chuộng những mức giá hợp lý.