Vì sao Trần Thị Thuận mất suất Olympic?
Sự vắng mặt của Thuận trong danh sách đoàn TTVN thực sự không phải do FINA “chê” chuyên môn, cũng chẳng phải do Hiệp hội TTDN buộc phải chọn VĐV sao cho xứng đáng.
Sự vụ này thực chất liên quan đến vấn đề vi phạm kỷ luật của tay bơi trẻ này. Nói cách khác, không phải Thuận không được mời mà chị bị “rút tên” vì kỷ luật.
Một hình thức... kỷ luật
Vào giờ chót trước khi chốt danh sách đoàn TTVN, kình ngư Trần Thị Thuận đã không có mặt, và đến giờ vẫn chưa có những lý giải thực sự rõ ràng. Hiệp hội Thể thao dưới nước (tổ chức quyết định trực tiếp) tránh đề cập trực tiếp đến trường hợp cụ thể của Thuận, mà chỉ giải thích khéo: “chúng tôi chỉ chọn lựa VĐV xứng đáng nhất dự tranh, đồng thời chưa bao giờ đề cử Thuận”. Cùng đó, lại có thông tin rằng chính FINA (Liên đoàn bơi lội quốc tế) đã “gạt” Thuận vì thành tích của chị quá kém...
Rốt cuộc, chỉ có một thực tế là bơi Việt Nam có duy nhất Hữu Việt đến Bắc Kinh, trong khi ai cũng hiểu rằng dù là vé mời nhưng có hai đại diện vẫn tốt hơn nhiều, có tác dụng động viên tốt đến phong trào. Chưa kể rằng lúc này ngành thể thao đang chắt chiu từng suất (mời, đặc cách, biểu diễn đều tốt) cho đoàn TTVN vốn đang bị hao hụt số lượng lớn so với mục tiêu đặt ra.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sự vắng mặt của Thuận trong danh sách đoàn TTVN thực sự không phải do FINA “chê” chuyên môn (dù thông số của chị ở 100m ếch cách chuẩn B đến cả mấy giây), cũng chẳng phải do Hiệp hội TTDN buộc phải chọn VĐV sao cho xứng đáng. Sự vụ này thực chất liên quan đến vấn đề vi phạm kỷ luật của tay bơi trẻ này, nói cách khác, không phải Thuận không được mời mà chị bị “rút tên” vì kỷ luật.
Trước đây, đúng là Hiệp hội TTDNVN cùng Ủy ban Olympic Việt Nam đã đề cử 2 tuyển thủ Nguyễn Hữu Việt và Trần Thị Thuận cho hai suất mời của môn bơi. Thậm chí, Thuận còn được “OK” trước cả Việt, bởi chị là VĐV Việt Nam duy nhất đảm bảo một tiêu chuẩn mà FINA đặt ra là phải dự giải VĐTG 2007.
Chẳng có chuyện gì trong hành trình đến Bắc Kinh của Thuận nếu thời gian vừa rồi chị không “dính” đến những sự cố về sinh hoạt, kỷ luật mà đỉnh điểm là giải bơi trẻ vừa rồi tại Mỹ Đình. Thuận đã trở về đầu quân cho Thừa Thiên Huế mà chưa được sự đồng ý của Trung tâm HLTTQG TP.HCM nơi chị đang tập huấn ĐTQG.
Sở VH-TT-DL TT-Huế cho biết đã có công văn xin cho Thuận về thi đấu, nhưng không hiểu trục trặc ở đâu mà khi giải đã chuẩn bị khởi tranh, Thuận đã ra Hà Nội rồi mà vẫn chưa tới tay lãnh đạo Trung tâm HLQG TP.HCM (trong làng bơi còn có dư luận Thuận đã “lãnh” hậu quả từ sự mâu thuẫn của một số HLV).
Sau đó, Trung tâm HLQG TP.HCM đã có công văn báo cáo sự việc, đồng thời đề nghị ngành thể thao không cử Thuận dự Olympic vì vi phạm kỷ luật, không đủ tư cách. Thường vụ Hiệp hội đã phải họp, thống nhất đưa ra quyết định “loại” tay bơi này khỏi danh sách đoàn.
Tại sao không thay thế?
Nếu vì kỷ luật và tư cách, việc “loại” Thuận dù đoàn TTVN đang “hẻo” vẫn là điều hợp lý, nên làm, thậm chí cần công bố rõ ràng để giáo dục răn đe các tuyển thủ khác. Tuy nhiên, từ vụ việc này lại “lộ” ra một điều đáng tiếc khác: tại sao khi không có Thuận, chúng ta không có người khác thay thế, dù đáng ra hoàn toàn có thể?.
Lý do đơn giản bởi cả Việt Nam chỉ có mỗi Thuận đã từng dự giải VĐTG 2007 (quy định bắt buộc mà FINA đưa ra đối với một VĐV muốn dự Olympic), trong khi chỉ cần có một tay bơi nữ khác đảm bảo tiêu chuẩn này là có thể đăng ký thay ngay.
Gốc rễ ở đây có phần thiếu sót của ngành thể thao, Hiệp hội TTDN khi chỉ cử duy nhất Trần Thị Thuận tham dự, kể cả Nguyễn Hữu Việt cũng không (chẳng thế mà tay bơi này suýt không được chấp nhận, phải xin mãi FINA mới chấp thuận). Do giải quá sát SEA Games 24, lại không hề có “tầm nhìn” Olympic nên đã cho giải VĐTG... qua luôn.
Theo Thể Thao 24