Ngày 9/11, Sina đưa tin Diễn viên mời vào chỗ 2 tiếp tục là chương trình truyền hình được bàn tán nhiều nhất mạng xã hội Weibo.
Sau những phát ngôn gây bão của Triệu Vy, nhà sản xuất Nhĩ Đông Thăng, trong tập phát sóng gần đây Trần Khải Ca trở thành cái tên tiếp theo tạo ra làn sóng tranh cãi. Ông đã giữ lại "thảm họa" diễn xuất Trần Hựu Duy trong sự ngỡ ngàng của các đồng nghiệp và khán giả.
Trần Khải Ca bị chê "mất chất" trong show Diễn viên mời vào chỗ 2. |
Trên mạng xã hội, công chúng nói về sự thỏa hiệp của Trần Khải Ca và phía nhà sản xuất để đảm bảo rating cho chương trình. Việc này khiến danh tiếng của ông bị ảnh hưởng không ít. Đồng thời cũng khiến truyền thông đặt ra vấn đề từ khi nào đi các đạo diễn Trung Quốc lại đánh mất tầm ảnh hưởng trong showbiz?
"Là đạo diễn hàng đầu nhưng tầm ảnh hưởng của những cái tên lớn không thể bằng Ngô Kinh hay Từ Tranh", Sina nhận định.
Đạo diễn Trung Quốc mất đi quyền tự quyết
Cụ thể, đạo diễn danh tiếng Trung Quốc đã cho "thảm họa" diễn xuất Trần Hựu Duy điểm A, bất chấp anh vừa "phá nát" một trích đoạn cảm động trong bộ phim cung đấu kinh điển Chân Hoàn truyện.
Giải thích về quyết định của mình, Trần Khải Ca cho biết cần phải khoan dung và cho các diễn viên có kỹ năng kém cơ hội tích lũy kinh nghiệm để dần dần cải thiện năng lực. Đáng bàn, Trần Hựu Duy là thành viên nằm trong nhóm nghệ sĩ được ông cố vấn diễn xuất.
Vụ việc khiến Trần Khải Ca bị dân mạng chỉ trích hèn nhát, năng lực đào tạo kém khi không dám thẳng tay loại bỏ diễn viên có kỹ năng yếu.
Cảnh chết "thảm họa" được Trần Hựu Duy tái hiện. |
Một số nguồn tin cho biết sở dĩ nam đạo diễn giữ lại một người kém tài như Trần Hựu Duy là vì hiệu ứng của chương trình. Diễn xuất non yếu, phá hư phim kinh điển từ Diên Hi công lược sang đến Chân Hoàn truyện của anh là chủ đề gây tranh cãi trên khắp các diễn đàn mỗi tập phát sóng. Điều này giúp ê-kíp Diễn viên mời vào chỗ 2 dễ dàng tạo sức hút lớn.
"Trần Khải Ca hay bất kỳ một đạo diễn danh tiếng nào hiện tại cũng phải bỏ cái tôi cá nhân xuống để hòa nhập với cơ chế thị trường. Điều này cũng làm sáng rõ một thực trạng đáng buồn rằng đạo diễn Trung Quốc ngày càng mất đi tiếng nói trong giới", TMT Post nhận xét.
Theo TMT Post, những năm 1970-1980, giới giải trí Hoa ngữ sản sinh ra rất nhiều đạo diễn tên tuổi có tài lẫn đức như Lý An, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Quản Hổ, Lâu Diệp... Thế nhưng, ngày nay phần lớn đạo diễn đã biến thành những nhân viên hậu trường thực thụ. Tài năng và quyền lực của họ bị che khuất dưới danh tiếng của nhà đầu tư và diễn viên.
Biên kịch Lô Vỹ của Bá Vương biệt cơ và Phải sống cho biết: "Tôi quả thật là một người may mắn khi có cơ hội làm việc với cả hai đạo diễn tài năng là Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca trong giai đoạn nghệ thuật thuần túy nhất".
"Hiện tại, thế hệ của chúng tôi đã kết thúc. Ngày nay, đạo diễn không có tiếng nói, thay vào đó quyền sinh sát thuộc về nhà đầu tư lắm tiền mạnh quyền. Công việc của đạo diễn trên trường quay chỉ mang tính thỏa hiệp. Đến cả diễn viên chúng tôi còn chả có quyền được lựa chọn", ông nói thêm.
Việc quyền lực bị xé nhỏ dẫn đến tình trạng chỉ có tác phẩm lớn của đạo diễn lớn mới được công chúng chú ý. Với những đạo diễn trẻ, họ phải nỗ lực gấp bội trong không gian chật hẹp vốn ít cơ hội để khẳng định tay nghề.
Hàn Đình bắt đầu sự nghiệp đạo diễn từ năm 2002, nhưng phải đến 10 năm sau tên tuổi của anh mới manh nha trên thị trường. Mãi cho đến năm 2015, nam đạo diễn mới xây dựng được chỗ đứng trong giới với tác phẩm điện ảnh Get Out!.
Ngô Kinh là đạo diễn được đánh giá cao tại thị trường phim ảnh Trung Quốc vài năm trở lại đây. |
Theo Sina, trước thực trạng ngành đạo diễn đang dần "mất giá", ngày càng có nhiều diễn viên chuyển hướng, đứng vào hàng ngũ phía sau ống kính và đạt được thành công như Trần Tư Thành với series Thám tử phố Tàu, Từ Tranh được mệnh danh là "vua hài" mới của điện ảnh Hoa ngữ hay Ngô Kinh với Lưu lạc địa cầu, Chiến lang...
Danh tiếng có được trong thời gian đóng phim của họ làm tác phẩm bật lên, mang về doanh thu phòng vé kỷ lục. Thế nhưng, theo Sina, sự trỗi dậy của thế hệ đạo diễn không chuyên này lại là tín hiệu buồn khi các đạo diễn thực thụ, được đào tạo bài bản không chứng minh được thực lực trên thị trường phim ảnh.
Khó khăn khi làm phim thương mại
"Ngày nay ngành công nghiệp phim ảnh Trung Quốc thắp đèn đi tìm một bộ phim như Cao lương đỏ, Bá Vương biệt cơ hay Hoàng Kim Giáp. Thế hệ đạo diễn tiên phong, trụ cột cũng dần chuyển sang làm phim thương mại. Vài năm qua, tác phẩm điện ảnh Hoa ngữ nổi bật về cả nội dung lẫn nghệ thuật vắng bóng tại các lễ trao giải danh giá", QQ bình luận.
Nguyên nhân của sự thay đổi xuất phát từ việc chính phủ ngừng tài trợ cho các bộ phim điện ảnh. Mất nguồn cung từ Tổng cục cộng với việc phim nghệ thuật làm ra không hợp thị hiếu của đại đa số khán giả, doanh thu bết bát, khiến thế hệ đạo diễn tài năng phải chọn cách thỏa hiệp với thị trường, từ bỏ lợi thế sáng tạo nghệ thuật.
Ngoài ra tuổi tác ngày càng lớn cũng khiến sức sáng tạo của họ dần cạn kiệt và không bắt nhịp kịp xu thế thay đổi với tốc độ chóng mặt của thế giới. Bằng chứng là trong khoảng 10 năm qua, các bộ phim của Trương Nghệ Mưu không còn gây tiếng vang lớn như chuỗi tác phẩm mà ông từng thực hiện hồi thế kỷ XX dù mời được các tên tuổi lớn tham gia dự án.
Trương Nghệ Mưu bị đánh giá ngày càng "xuống tay". |
"Phim đoạt nhiều giải thưởng lớn, nhưng không mang về doanh thu phòng vé cũng trở thành rác phẩm trong mắt nhà đầu tư. Làm phim không hái ra tiền thì khó duy trì trong giới. Thời đại này, người ta dùng tiền để nói chuyện với nhau. Đạo diễn muốn kêu gọi được vốn, phải chứng minh cho giới đầu tư thấy phim mình sản xuất chắc chắn sinh ra lãi", Ifeng cho biết.
Tờ báo Trung Quốc làm phép so sánh, Địa cửu thiên trường của đạo diễn Vương Tiểu Soái giành được vô số giải thưởng lớn nhỏ trong nước lẫn quốc tế, song thất bại thảm hại về doanh thu phòng vé với chỉ 44 triệu NDT. Trong khi đó, tác phẩm phi nghệ thuật Thám tử phố Tàu của Trần Tư Thành chiếu cùng thời điểm lại cán mốc với tổng doanh thu kỷ lục lên đến 154 triệu NDT.
Trần Khải Ca thời gian qua cũng đã có xu hướng chuyển sang làm phim thương mại. Theo Sina, nam đạo diễn mới đây đã nhận lời gia nhập đội ngũ sản xuất của Trường Tân Hồ. Tác phẩm có sự góp mặt của Ngô Kinh, Trịnh Khải, Dịch Dương Thiên Tỉ, Trần Phi Vũ... Ông tham gia nhiều show truyền hình thực tế để khán giả nhớ mặt gọi tên. Việc làm hiếm đạo diễn gạo cội nào trước đây từng chấp nhận.
Chính vì vậy, theo Tân Hoa Xã, trong môi trường phim ảnh ngày càng thiếu hụt trầm trọng diễn viên có kỹ năng diễn xuất tốt, những người như Trần Khải Ca hay Trương Nghệ Mưu cần mạnh dạn đưa ra những lời phê bình để nâng tầm không gian nghệ thuật.
Việc những cây đa cây đề lên tiếng hoặc đưa ra nhận định sẽ cho thấy họ là người có chính kiến, không e dè trước bất kỳ thế lực nào và tạo động lực cho lớp đàn em đi sau. "Showbiz Hoa ngữ đang chờ một đạo diễn bước ra khỏi lằn ranh an toàn", Tân Hoa Xã cho biết.