Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao TP.HCM vẫn ngập nặng sau mưa?

Quá trình đô thị hóa, lấn chiếm kênh rạch chưa được giải quyết dứt điểm khiến nhiều công trình, dự án chống ngập tại TP.HCM chưa phát huy hiệu quả.

Ngày 9/6, tại buổi cung cấp thông tin về tình hình chống ngập trên địa bàn, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, cho hay sau 12 năm, TP.HCM đã giảm từ 126 điểm ngập xuống còn 22 điểm.

Con số trên chỉ liệt kê những điểm ngập trọng yếu trên địa bàn thành phố sau đợt mưa vừa qua, chưa bao gồm điểm ngập thuộc khu dân cư, những điểm ngập cục bộ tại vùng trũng, thấp.

"Ngoài vấn đề về hạ tầng, công tác phòng, chống ngập lụt của TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn bởi hiện tượng lấn chiếm kênh, rạch, đường thoát nước", ông Điệp chia sẻ với Zing.

Ngập lụt là một phần của đô thị hóa

Ông Điệp nhìn nhận với việc bê tông hóa, mật độ công trình cao tầng dày đặc tại khu vực trung tâm TP.HCM, hệ thống thoát nước hiện hữu khó phát huy hết hiệu quả.

Ngoài sự quá tải về hạ tầng thoát nước, thành phố đang phải đối mặt với vấn nạn lấn chiếm kênh, rạch, khiến dòng chảy bị thu hẹp. Rác thải từ các khu dân cư, khu đô thị xuất hiện dày đặc, cản trở khả năng hoạt động của hàng loạt van, cống thoát nước trên địa bàn.

HCM ngap o dau anh 1

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Quang Huy.

Ông Vũ Văn Điệp cho biết nhiều trường hợp lấn chiếm vị trí thoát nước xung yếu trái phép, tuy nhiên, nhiều nơi đã được hợp thức hóa chủ quyền theo quy hoạch cũ. Tiến độ giải tỏa lấn chiếm của các quận, huyện còn gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ.

"Tại vị trí thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều công trình, nhà dân lấn chiếm khiến dòng chảy thoát nước thu hẹp. Trung tâm phải bố trí nhân viên túc trực để thường xuyên vớt rác tại cửa cống", ông Vũ Văn Điệp cho hay.

Ông Điệp thông tin thêm việc lấn chiếm dòng chảy cũng là nguyên nhân khiến một số điểm ngập tồn tại trong thời gian dài như đường Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân.

"Ngập lụt của TP.HCM là biểu hiện rõ nét nhất của quá trình đô thị hóa. Lượng nước sử dụng tăng, mặt đất không còn khả năng tiếp nhận nguồn nước thẩm thấu đòi hỏi TP.HCM cần thêm phương án cho đầu tư hạ tầng", Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đánh giá.

Bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất, đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập

"Đường Nguyễn Hữu Cảnh vừa qua vẫn ngập sau mưa bởi vũ lượng lớn vượt tần suất thiết kế, hệ thống thoát nước đã sụt lún, xuống cấp nhiều", ông Điệp cho biết.

Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị cho rằng sau khi việc nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh hoàn tất, tình trạng ngập úng cơ bản sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, khu vực lân cận vẫn giữ nguyên hiện trạng, đặc biệt những con hẻm, khu dân cư 2 bên đường có khả năng vẫn phải duy trì việc bơm thoát nước.

HCM ngap o dau anh 2

Đường Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên bị ngập úng sau mưa lớn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đối với điểm ngập sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Xây dựng đã có báo cáo gửi UBND quận Tân Bình đề nghị tập trung giải quyết vấn đề lấn chiếm, trả lại nguyên trạng cho kênh A41, trục thoát nước chính của sân bay. Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM khẳng định khi chấm dứt được hiện tượng lấn chiếm con kênh, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không còn hiện tượng ngập nặng như những ngày qua.

Ngoài ra, ông Vũ Văn Điệp cho hay người dân thành phố có thể kỳ vọng vào dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu với tổng đầu tư gần 10.000 tỷ đang được triển khai.

"Dự án sau khi hoạt động sẽ kiểm soát được triều cường từ kênh rạch qua các van ngăn. Nhà đầu tư cam kết khi mức nước vượt quá kiểm soát, hệ thống bơm sẽ bổ trợ và đảm bảo tuyệt đối giảm ngập khu vực nội đô", Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM thông tin.

Từ đầu năm 2020 đến nay, TP.HCM ghi nhận 22 tuyến đường còn hiện tượng ngập, lụt do mưa, do triều gồm đường Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Ngọc Lãm, Song Hành, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Ràn, Nguyễn Văn Quá.

Nhiều nơi ở TP.HCM ngập sâu, xe chết máy la liệt Cơn mưa lớn chiều 4/6 khiến nhiều khu vực ở TP.HCM ngập nước. Đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức), hàng loạt xe máy, ôtô bị chết máy phải dắt bộ.

Dự án ngăn triều 10.000 tỷ tại TP.HCM sắp về đích

Sau 4 năm thi công, dự án chống ngập gồm 7 hạng mục với 6 cống ngăn triều và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn đã thi công được 77%. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Quang Huy

Bạn có thể quan tâm