Hai ngày qua, TP.HCM liên tiếp có mưa trái mùa vào chiều và tối. Đặc biệt, cơn mưa tối 10/12 kéo dài đến đêm khiến trời se lạnh sáng 11/12.
Theo ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tính đến 23h ngày 10/12, lượng mưa tại quận 1 là 29 mm, các quận trung tâm cũng khoảng 25-35 mm. Mưa kéo dài, nhưng lượng mưa không lớn.
Lý giải hiện tượng TP.HCM có mưa trái mùa liên tục, bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết miền Nam đang chịu ảnh hưởng nhẹ bởi không khí lạnh, kết hợp với một rãnh thấp từ phía dưới xích đạo (vĩ tuyến 0 độ) dịch chuyển lên phía bắc, tiến gần Nam Bộ (vĩ tuyến 8 độ).
"Rãnh xích đạo này tích tụ nhiều khối mây dông nên khi chúng ta nghe rãnh thấp là biết thời tiết xấu", bà Lan cho hay và giải thích trong rãnh thấp này có nhiều áp thấp nhỏ xâu chuỗi với nhau. Những áp thấp nhỏ này ở ngoài biển, kết hợp với gió Đông Bắc đẩy áp thấp này vào đất liền gây nhiễu động đới phía đông.
Do đó, mưa trái mùa sẽ tiếp diễn trong nhiều ngày tới, trời sẽ khá âm u, nhiều mây. Mưa lúc to, lúc nhỏ và thường tập trung vào chiều tối, thậm chí mưa đêm. Hình thái thời tiết này kéo dài đến đầu tuần sau.
Mưa trái mùa kéo dài tại TP.HCM trong nhiều ngày tới. Ảnh: Chí Hùng. |
Bà Lan dự báo đến tuần sau, phía đông Philippines xuất hiện thêm một áp thấp nhiệt đới, vượt qua miền Trung Philippines vào Biển Đông khoảng 19-20/12. Áp thấp này hoạt động ở phía đông quần đảo Trường Sa rồi di chuyển ngang.
Do đó, khoảng 24/12, Nam Bộ và Nam Trung Bộ - từ Phú Yên, Khánh Hòa đến Cà Mau - sẽ đón một đợt mưa trái mùa lớn hơn cả đợt mưa hiện tại.
Áp thấp này đi qua Nam Bộ rồi tiếp tục qua vùng biển Kiên Giang, Vịnh Thái Lan. Do vùng biển này êm nên người dân thường ít để ý đến các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Bà Lan cảnh báo người dân, đặc biệt là các tàu bè, cần lưu ý đề phòng thời tiết nguy hiểm. Đợt mưa này dự kiến kéo dài qua 24-25/12.
"Áp thấp đó có thể không mạnh lên thành bão. Nó duy trì cường độ áp thấp nhiệt đới và sẽ yếu đi khi có không khí lạnh. Tuy nhiên, duy trì đợt mưa trái mùa như vậy là rất dị thường", bà Lan đánh giá.
Theo chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng thời tiết dị thường này là do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên năm nay có mưa nhiều, mưa trái mùa. Thông thường, vào tháng 12, rãnh áp thấp kể trên sẽ dịch chuyển xuống phía nam của bán cầu. Tuy nhiên, hiện tượng La Nina giữ rãnh áp thấp này ở phía bắc mà không di chuyển xuống, gây nên mưa nhiều cho khu vực Nam Bộ.
Chất lượng không khí TP.HCM lúc 22h đêm 10/12 và 7h30 sáng 11/2. ứng dụng PAMAir. |
Lý giải hiện tượng đêm qua trời mưa nhưng chất lượng không khí vẫn ở mức xấu. Bà Lan cho rằng những ngày cận Tết, lượng xe cộ di chuyển, công trình xây dựng đều tăng lên khiến không khí xấu dần đi. Tuy nhiên, sau cơn mưa đêm qua, chất lượng không khí tại TP đã được cải thiện.
Cụ thể, lúc 8h15 sáng 11/12, chất lượng không khí tại điểm quan trắc Nguyễn Công Trứ (quận 1) là 28 đơn vị - ngưỡng trong lành. Tại Thảo Điền (quận 2), chỉ số AQI là 82 đơn vị - ngưỡng trung bình.
Tuy nhiên, một số nơi, chất lượng không khí vẫn ở ngưỡng xấu như Đỗ Xuân Hợp (quận 9) - 167 đơn vị, Học Lạc (quận 5) - 164 đơn vị, Cao Lỗ (quận 8) - 153 đơn vị...