“TP.HCM không có chủ trương gom các cơ sở kinh doanh nhạy cảm trên địa bàn lại để thành lập phố đèn đỏ”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận khẳng định tại hội nghị tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong dịp Tết Nguyên đán 2014 vừa diễn ra.
Không phải đến bây giờ mà trước hội nghị này, vấn đề quản lý mại dâm đã được đưa ra bàn thảo. Ở TP.HCM có nên thành lập “phố đèn đỏ” hay không? Thành lập nó thì có lợi hay hại? Đó là những câu hỏi còn nhiều ý kiến trái chiều.
PGS. TS Chung Á, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS Việt Nam, đã từng đề xuất Việt Nam nên thành lập "phố đèn đỏ" để kiểm soát mại dâm. Sở dĩ đưa ra đề xuất này vì ông cho rằng, tệ nạn mại dâm gia tăng, khó kiểm soát, diễn biến phức tạp… là do hoạt động này không được công nhận.
"Nhưng ngược lại, hàng loạt các dịch vụ nhạy cảm, có thể là mầm mống của mại dâm như karaoke, massage, hớt tóc thanh nữ… lại được cấp phép và phát triển rộng rãi", ông Á nói.
Vấn đề lập hay không lập "phố đèn đỏ" ở Sài Gòn vẫn còn nhiều tranh cãi. |
Còn về phía UBND TP.HCM cũng đã có kiến nghị Chính phủ cho phép "quy hoạch vùng" các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm để quản lý chặt chẽ người bán dâm. Chính kiến nghị này đã nảy sinh nhiều lo ngại từ phía lãnh đạo ngành công an và các quận, huyện.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM - cho biết khi trao đổi về việc "quy hoạch vùng" thì các địa phương chưa thống nhất. “Các quận, huyện muốn tiếp tục thực hiện chỉ thị không cho đăng ký mới chứ không muốn quy hoạch khu vực kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Họ rất sợ vì khi cho đăng ký, các "phố đèn đỏ" thi nhau nở rộ trên địa bàn thì... chết”, ông Minh nói.
Do đó, Thiếu tướng Phan Anh Minh đề nghị UBND TP nói rõ hơn về vấn đề "quy hoạch vùng" ngành nghề nhạy cảm.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 30.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Trong đó, 19.705 cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, phòng cho thuê…); 750 cơ sở karaoke, phòng thu âm; 25 quán bar, vũ trường; 943 nhà hàng, quán ăn có tiếp viên nữ; 134 cơ sở massage, tẩm quất, spa; 805 điểm hớt tóc thanh nữ và hơn 7.600 quán cà phê, giải khát.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận khẳng định không có chủ trương gom các cơ sở kinh doanh nhạy cảm trên địa bàn lại để thành lập "phố đèn đỏ". Ông Thuận cho hay, thay vào đó, TP có đề án quy hoạch lại các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm để quản lý chặt hơn, nhằm ngăn chặn tệ nạn xã hội phát sinh.
UBND đã giao Sở VH-TT-DL rà soát xây dựng đề án quy hoạch ngành nghề nhạy cảm trên địa bàn. Đề án này đã được lấy ý kiến 24 lãnh đạo quận, huyện. Hiện nay, Sở VH-TT-DL tiếp tục hoàn thiện đề án, sớm trình lên thường trực UBND TP, cuối tháng 4/2014 sẽ thông qua.
“Sẽ giao cho Chủ tịch UBND quận, huyện cấp phép đối với ngành nghề nhạy cảm, phải có trách nhiệm quản lý chứ không phải do Sở VH-TT-DL”, ông Hứa Ngọc Thuận khẳng định.
Công an TP.HCM cũng xác định được các tụ điểm, tuyến đường trọng điểm về tệ nạn trên địa bàn như Ngô Văn Năm, Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Nguyễn Phi Khanh, Đông Du (quận 1); đường Nguyễn Trãi, Lê Hồng Phong (quận 5); đường D2, D5 (quận Bình Thạnh)... Đây là các địa bàn tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn hoạt động dưới hình thức bia ôm hay quán bar, bi da.
Các tuyến đường trọng điểm về mại dâm nơi công cộng gồm Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Sa (quận 1), Tú Xương, Nguyễn Thông, Hai Bà Trưng (quận 3), Nguyễn Chí Thanh, Châu Văn Liêm, Đào Duy Từ, Ngô Quyền (quận 5, 10).