Thành Long là ngôi sao phim hài - hành động, “vua Kung Fu” nổi tiếng thế giới. Các bộ phim có ông tham gia dù với tư cách diễn viên hay đạo diễn đều nhận được sự chú ý đặc biệt từ công chúng. Với vị thế là một ngôi sao võ thuật hạng A được khán giả mọi lứa tuổi yêu thích, Thành Long hiển nhiên trở thành tên tuổi được các thương hiệu hàng đầu tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”.
Nếu như trong điện ảnh ông được xem là cái tên bảo chứng phòng vé, thì khi trở thành gương mặt đại diện cho các nhãn hàng, Thành Long lại bị cho là hung thần.
Hàng loạt công ty bị phá sản sau khi mời Thành Long
Năm 1995, sau khi bộ phim Đại náo phố Bronx gây tiếng vang trên khắp nước Mỹ, đồng thời giúp Thành Long được vinh danh tại Đại lộ Ngôi sao Hong Kong và Đại lộ Danh vọng Hollywood, ông trở thành cái tên được nhiều nhãn hiệu săn đón từ thực phẩm, dầu gội đầu, nước giải khát cho đến xe hơi, các thiết bị điện tử, gia dụng...
Tuy nhiên, các thương hiệu này không tồn tại lâu trên thị trường. Nhiều công ty mời Thành Long làm gương mặt đại diện sau đó đều làm ăn thua lỗ và dẫn tới phá sản.
Thành Long từng nhận được nhiều lời mời đóng quảng cáo trong quá khứ. |
Năm 1996, Aiduo VCD - một thương hiệu lớn trong ngành công nghiệp gia dụng Trung Quốc lúc bấy giờ - đã bỏ ra số tiền gần 600.000 USD để mời Thành Long và đạo diễn Trương Nghệ Mưu quay video quảng cáo cho nhãn hàng của mình. Chiến dịch quảng cáo với sự góp mặt của hai tên tuổi lớn giúp Aiduo VCD nổi tiếng trên khắp cả nước.
Thế nhưng, sau đó công việc làm ăn của thương hiệu này gặp khó khăn và phá sản chỉ trong vòng 4 năm ngắn ngủi. Đến đầu năm 2000, Aiduo VCD được đem ra bán đấu giá.
Thương hiệu Fenhuang Cola từng chi số tiền lớn mời Thành Long làm người đại diện. Công ty này sau đó rơi vào cảnh phá sản |
Fenhuang Cola là một trong 3 thương hiệu đồ uống lớn tại Trung Quốc vào những năm 1990. Trong giai đoạn phát triển, công ty này đã thuê Thành Long là người phát ngôn và đại diện thương hiệu. Tuy nhiên, đến năm 2000, họ tuyên bố phá sản.
Không riêng gì các thương hiệu nội địa Trung Quốc, một số công ty nước ngoài sau khi mời Thành Long đóng quảng cáo cũng rơi vào tình cảnh oái ăm. Dù không bị phá sản nhưng họ cũng buộc phải ngừng sản xuất và rút khỏi thị trường nước này vì không bán được hàng, tiêu biểu là hãng xe Caddy.
Sau những vụ việc kể trên, giới thương nghiệp Trung Quốc gọi Thành Long với cái tên là "hung thần quảng cáo" vì khiến một loạt các thương hiệu bị khai tử.
Thành Long "ham tiền" bỏ qua chất lượng?
Theo tờ Kknews, Thành Long không phải là người đi gieo rắc vận xui khiến hàng loạt thương hiệu bị phá sản. Các công ty này trước khi làm ăn thua lỗ cũng đã hưởng lợi không ít từ tên tuổi của tài tử võ thuật.
Tờ báo Trung Quốc cho biết các nhãn hiệu do Thành Long chọn làm đại diện phần lớn đều có vấn đề từ khâu điều hành đến chất lượng sản phẩm. Và việc các công ty này bị phá sản chỉ là vấn đề thời gian. Còn ngôi sao võ thuật thì lại trùng hợp nhận quảng cáo cho các thương hiệu này nên khiến ông trở thành kẻ xui xẻo trong mắt giới doanh nhân.
Kknews chỉ ra việc Fenhuang Cola phá sản là do trong giai đoạn phát triển, công ty này đã cố mở rộng thị trường một cách nhanh chóng. Dẫn đến tình trạng khủng hoảng và mất kiểm soát hệ thống bán hàng.
Sau đó, vì muốn cứu vãn tình thế, họ đã chi ra hơn 21 triệu USD mời các minh tinh nổi tiếng tuyên truyền. Tuy nhiên, lại không đạt được hiệu quả như mong muốn khiến việc sản xuất bị đình trệ vì cung nhiều hơn cầu.
Năm 2010, Thành Long cũng trở thành đối tượng bị công chúng chỉ trích và ném đá dữ dội vì nhận lời quảng cáo cho một loại dầu gội chứa chất gây ung thư. Quảng cáo cho biết đây là dầu gội đầu thảo dược giúp tóc đen và óng mượt hơn. Tuy nhiên, sau đó một tờ báo ở Hong Kong đã phát hiện sản phẩm này chứa thành phần gây ung thư.
Thành Long từng bị gán mác là kẻ tham tiền vì nhận lời quảng cáo sản phẩm kém chất lượng. |
Vụ việc này khiến thương hiệu dầu gội bị công chúng tẩy chay và phải thu hồi toàn bộ sản phẩm trên thị trường. Còn Thành Long thì chịu vết nhơ tham tiền, vì cát-xê cao mà bỏ quên chất lượng sản phẩm.
"Thành Long gặp vấn đề trong việc lựa chọn thương hiệu để hợp tác. Trong tương lai nếu không muốn danh tiếng bị ảnh hưởng, Thành Long nên tìm hiểu kỹ hơn về các nhãn hàng trước khi ký hợp đồng. Là người của công chúng, nếu quảng cáo phải sản phẩm kém chất lượng thì người đại diện cũng phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình", Sina bình luận.