HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, giai đoạn 2022-2025.
Bác sĩ có học hàm giáo sư được hỗ trợ 1,3 tỷ
Đối tượng thu hút là bác sĩ được phong học hàm giáo sư, phó giáo sư, có học vị tiến sĩ còn đủ 5 năm công tác so với tuổi nghỉ hưu.
Bác sĩ chuyên khoa cấp II, nội trú, thạc sĩ y khoa, chuyên khoa cấp I; bác sĩ đa khoa, chuyên khoa tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc tại các trường: Học viện Quân y, Y Hà Nội, Y Dược TP.HCM, Y Dược Thái Bình, Y Dược Hải Phòng và Y Dược Huế. Nhóm này phải còn đủ 10 năm công tác so với tuổi nghỉ hưu.
Những trường hợp trên sẽ về làm việc tại đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện phụ sản và bệnh viện nhi chỉ thực hiện thu hút đối với bác sĩ được phong học hàm giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ có học vị tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II và nội trú.
Các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương trong ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Hoàng Đông. |
Cũng theo nghị quyết, Thanh Hóa sẽ có mức hỗ trợ một lần theo mức như sau: bác sĩ có học hàm giáo sư 1,3 tỷ đồng; phó giáo sư 800 triệu đồng; bác sĩ có học vị tiến sĩ, chuyên khoa cấp II 400 triệu đồng; nội trú 300 triệu đồng; thạc sĩ y khoa, chuyên khoa cấp I 200 triệu đồng và bác sĩ loại xuất sắc, giỏi 180 triệu đồng.
Nhóm bác sĩ đa khoa, chuyên khoa làm việc tại trung tâm pháp y, bệnh viện tâm thần, phổi, phục hồi chức năng, đa khoa tuyến huyện, trung tâm y tế huyện đồng bằng, ven biển nhận mức hỗ trợ một lần 200 triệu đồng.
Nhóm bác sĩ đa khoa, chuyên khoa làm việc tại trung tâm y tế tuyến huyện khu vực miền núi nhận 250 triệu đồng; về làm việc tại trạm y tế xã phường, thị trấn tùy khu vực nhận mức 300-450 triệu đồng.
Ngoài ra, các bác sĩ sẽ nhận mức hỗ trợ hàng tháng bằng một tháng lương cơ sở trong 24 tháng.
Người hưởng chính sách thu hút phải chịu trách nhiệm bồi hoàn gấp 2 lần kinh phí đã nhận nếu không thực hiện đúng cam kết, 2 năm liên tiếp bị xếp loại chất lượng ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật xử lý bằng hình thức buộc thôi việc.
Trường hợp có lý do mắc bệnh hiểm nghèo, mất khả năng lao động có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền sẽ được Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định miễn hoặc có trách nhiệm bồi hoàn kinh phí với mức tương ứng theo tỷ lệ thời gian chưa thực hiện cam kết.
Thanh Hóa không áp dụng chính sách thu hút này với bác sĩ tốt nghiệp hệ cử tuyển, chuyên tu, đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường hợp hưởng chế độ từ nguồn ngân sách tỉnh.
Vì sao cần tuyển bác sĩ trong giai đoạn 2022-2025?
Tỉnh Thanh Hóa đưa ra chính sách nêu trên nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đưa y tế trở thành một trong 5 trụ cột chiến lược phát triển của tỉnh, phấn đấu trở thành trung tâm y tế chất lượng cao khu vực Bắc Trung Bộ.
Trao đổi với Zing tối 13/1, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa Trịnh Hữu Hùng cho biết trước khi đưa ra cách thức này, ngành chức năng đã phải nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng từ thực trạng và khó khăn trong tuyển dụng bác sĩ của các đơn vị y tế.
Đặc biệt, cơ sở y tế tuyến xã, các bệnh viện tâm thần, lao phổi, phục hồi chức năng, trung tâm pháp y. "Những cơ sở này tuyển dụng rất khó, gần như không có người về. Các huyện vùng cao như Quan Hóa, Quan Sơn cũng thiếu bác sĩ, nhất là y tế tuyến xã vùng sâu vùng xa năng lực càng hạn chế", ông Hùng nói.
Để giải quyết nhu cầu, tỉnh Thanh Hóa đã khảo sát nhu cầu tìm kiếm công việc của bác sĩ mới ra trường, xem nhu cầu lớn của họ muốn về đâu, muốn có công việc tạm thời hay lương cao.
Ngành chức năng Thanh Hóa cũng tìm hiểu, khảo sát việc thu hút nhân lực của các đơn vị y tế của tỉnh, thành bạn.
"Với những chính sách đó, họ đã thu hút nhiều người hay chưa. Chúng tôi cũng so sánh cách đây 5-7 năm, việc thu hút bác sĩ bằng số tiền thời điểm đó thế nào. Ví dụ, cách đây 5 năm là 100 triệu đồng, nếu bây giờ vẫn đưa ra mức hỗ trợ như vậy thì không có nhiều giá trị nên phải gấp nhiều lên mới phù hợp", ông Hùng phân tích.
Và để đưa ra chính sách như hiện nay, nhiều sở, ngành của tỉnh Thanh Hóa đã phải vào cuộc, phân tích, góp ý để đưa ra quyết sách nhằm phù hợp với thực tế.
Theo Cục Thống kê Thanh Hóa, hiện tỉnh này có hơn 3,7 triệu dân, cơ sở y tế cả công lập và dân lập có hơn 13.000 giường bệnh, đạt tỷ lệ 11 bác sĩ/10.000 dân và 36 giường bệnh/10.000 dân. Đến năm 2025, ngành y tế Thanh Hóa có nhu cầu cần khoảng 5.000 bác sĩ.