Việt Nam và nhiều nước đã chấp nhận việc sử dụng kết quả test nhanh làm căn cứ công nhận F0 khỏi bệnh thay vì xét nghiệm rRT-PCR như trước.
Tuy nhiên, hiện này, nhiều người test nhanh âm tính, khi xét nghiệm rRT-PCR lại cho kết quả dương tính. Sự khác biệt này đến từ đặc điểm di truyền mà hai loại xét nghiệm lấy làm căn cứ để phát hiện virus.
Phân biệt hai loại xét nghiệm Covid-19
Hiện nay, hai loại xét nghiệm thường được sử dụng để xác định người mắc Covid-19 là test nhanh kháng nguyên và rRT-PCR (gọi tắt là PCR).
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) còn được gọi là xét nghiệm phân tử. Kết quả của xét nghiệm PCR là nhờ khuếch đại các phân tử dù lượng virus rất nhỏ trong mẫu bệnh phẩm.
Bởi vậy, PCR được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán người mắc Covid-19. Nó có thể phát hiện vật liệu di truyền của nCoV từ một lượng nhỏ, độ chính xác và đặc hiệu rất cao. Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém và mất nhiều thời gian để cho ra kết quả.
Xét nghiệm PCR có độ chính xác và đặc hiệu cao nhưng không thể tự thực hiện tại nhà. Ảnh: Nature. |
Phương pháp thứ 2 là sử dụng kit test nhanh kháng nguyên. Đây là biện pháp giúp phát hiện các protein trên bề mặt của SARS-CoV-2. Ưu điểm của loại này là độ nhạy khá cao, dương tính 72% ở người có triệu chứng và 58% ở người không triệu chứng. Giá thành rẻ và dễ thực hiện nên nó cũng được sử dụng cho các F0 khi tự xét nghiệm tại nhà. Kết quả test nhanh có sau 15-30 phút, song, độ đặc hiệu không cao.
Xét nghiệm PCR vẫn có thể dương tính ngay cả khi F0 không còn khả năng lây nhiễm
Trường hợp F0 có test nhanh một vạch nhưng khi xét nghiệm PCR vẫn cho kết quả dương tính đã được các chuyên gia giải thích là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo CNN, ngày 28/12/2021, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) lưu ý các xét nghiệm kháng nguyên có thể kém nhạy với biến chủng Omicron. Một tuần sau, nghiên cứu sơ bộ khác phát hiện test nhanh không phát hiện được virus vào ngày 0 và ngày đầu tiên sau khi lây nhiễm ở 30 người tại New York, San Francisco, Mỹ. Trong đó, xét nghiệm PCR của 28 trường hợp có nồng độ (tải lượng) virus đủ cao để lây truyền cho người khác.
Một nghiên cứu khác từ nhóm chuyên gia California khi xem xét 731 mẫu bệnh phẩm nhận thấy 10% trường hợp dương tính không thể phát hiện được bằng test nhanh.
Các chuyên gia cho rằng Omicron khiến các xét nghiệm Covid-19 kém nhạy hơn, song vẫn hiệu quả để phát hiện người đã nhiễm virus.
Nhiều người vẫn có thể dương tính khi xét nghiệm PCR dù test nhanh trước đó là một vạch. Ảnh: Freepik. |
Ngoài ra, vấn đề thứ hai chúng ta cần lưu ý khi kết quả test nhanh, PCR khác nhau đó là thuật ngữ "bị nhiễm" và "truyền nhiễm". "Bị nhiễm" là khi cơ thể người nào đó có virus trong người. "Truyền nhiễm" có nghĩa F0 đang thải virus ra ngoài với lượng đủ để lây cho người khác. Quá trình truyền nhiễm chỉ mang tính thời điểm, đi theo đồ thị hình sin và nguy cơ cao nhất khi tải lượng virus đạt đỉnh.
Tải lượng virus sẽ tăng lên và giảm xuống theo 3 giai đoạn phát triển của Covid-19. Trong đó, tải lượng virus sẽ đạt đỉnh vào ngày thứ 5 sau khi F0 có triệu chứng hoặc tiếp xúc nguồn lây nhiễm.
Độ nhạy cao giúp xét nghiệm PCR phát hiện tốt người mắc Covid-19. Song, kết quả có thể vẫn còn dương tính ngay cả sau khi người bệnh không thể lây nhiễm. Lúc này, các mảnh virus vẫn có thể tồn tại trong cổ họng vài tuần sau khi nhiễm bệnh.
CNN dẫn lời bác sĩ Leana Wen, chuyên gia tại Đại học George Washington, Mỹ, ngay cả sau 3-4 tuần hồi phục, các mảnh nhỏ của virus vẫn còn sót lại và kết quả PCR vẫn cho ra là dương tính.
Trong khi đó, các xét nghiệm nhanh kháng nguyên phát hiện protein của virus và cho kết quả dương tính khi người bệnh đang ở giai đoạn có khả năng lây nhiễm.
Vì vậy, khi xét nghiệm PCR, các quy định hiện nay mới tính đến chỉ số Ct - chu kỳ tìm virus.
Ct | Ý nghĩa |
Ct = 23 | Tải lượng virus ở mức trung bình, F0 có thể đang trong giai đoạn giữa của căn bệnh, cần cách ly nghiêm túc để không lây cho người khác. |
Ct > 30 | - Khả năng lây nhiễm của F0 thấp - Các kit test khác nhau có thể cho kết quả không đồng nhất (âm tính giả hoặc dương không rõ ràng), do lúc này tải lượng virus thấp nên giá trị Ct thay đổi phụ thuộc hóa chất và máy móc xét nghiệm. - Bộ Y tế cũng quy định người có nồng độ Ct > 30 có thể được xuất viện. |
Ct > 33 | F0 được xem là hầu như khó có nguy cơ lây nhiễm cho người khác. |
Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia Anh được công bố tháng 12/2021 cho thấy sau 5 ngày mắc Covid-19, 31% F0 còn khả năng lây nhiễm. Vào ngày thứ 8, con số này giảm xuống còn 11% và tiếp tục giảm trong vài ngày tiếp theo.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.