Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) hiện sở hữu 347,7 triệu cổ phiếu tương đương giá trị 4.381 tỷ đồng. Tài sản của bầu Đức giảm tới 3.194 tỷ đồng (42%) so với mức 7.575 tỷ đồng của năm 2014. Điều này do giá cổ phiếu HAG giảm tới 43%, từ mức 22.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 31/12/2014 xuống còn 12.600 vào ngày 27/11.
Bầu Đức trên sân bóng rất hào hứng, trái ngược với việc tài sản bị bốc hơi hàng nghìn tỷ trên sàn chứng khoán. Ảnh minh họa: Nguyễn Quang. |
Trong hơn 1 năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai có kết quả kinh doanh ổn định: năm 2014 lãi ròng 1.475 tỷ đồng và 1.131 tỷ đồng cho 9 tháng đầu năm 2015. Tập đoàn này đang dịch chuyển cơ cấu kinh doanh sang lĩnh vực nông nghiệp thay vì chỉ tập trung vào bất động sản như trước.
Tại đại hội đồng cổ đông tháng 4/2015, bầu Đức cho biết “đáng lẽ chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10% nhưng phát sinh việc nuôi bò nên cần phải tính toán lại vì cần nguồn vốn lên tới 7.000 – 8.000 tỷ đồng”.
Mặc dù mua thêm 5 triệu cổ phiếu HAG trong tháng 5/2015 nhưng giá chứng khoán đi xuống quá mạnh khiến tài sản của bầu Đức tuột dốc. Mức giá đóng cửa ngày 30/11 của HAG là 12.200 đồng/cổ phiếu - thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Nhận định về mức giảm cực mạnh và liên tục của giá cổ phiếu HAG, chuyên viên tư vấn của Công ty chứng khoán Bảo Việt đưa ra 3 lý do. Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài bán rất mạnh HAG những tháng gần đây - Credit Suisse (Hong Kong) Limited, với số lượng gần 30 triệu cổ phiếu.
Thứ hai, nhà đầu tư vẫn có lo lắng về các khoản nợ ngắn hạn của công ty này (13.000 tỷ đồng - tính đến hết quý III). Tổng nợ phải trả (cả ngắn hạn và dài hạn) tăng 10.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Thứ ba, Hoàng Anh Gia Lai không trả cổ tức bằng tiền mà chia cổ phiếu khiến cho tỷ lệ pha loãng lớn, làm nhà đầu tư lớn không hứng thú.
Đầu tư vào bò, bầu Đức hoãn việc chia cổ tức bằng tiền mặt. |
Tuy nhiên, chuyên viên tư vấn của BVSC cũng nhận định: "Nếu đối chiếu kết quả kinh doanh với lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tốt với chuyển dịch tích cực khỏi ngành rủi ro cao thì HAG không thể giảm mạnh đến như vậy. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại có góc nhìn khác".
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại Hà Nội cho biết, HAG giảm mạnh bởi nhà đầu tư nhỏ không thấy cơ hội tăng trong thời gian dài. Với nhiều nhà đầu tư lớn, họ cũng mất kiên nhẫn khi quỹ nước ngoài như Credit Suisse (Hong Kong) Limited liên tục bán ra với khối lượng hàng chục triệu cổ phiếu.
"Thực ra, quỹ nước ngoài bán ra không hẳn vì công ty đó kinh doanh không tốt mà đơn giản là họ chuyển đổi danh mục hoặc một lý do nào đó. Thế nhưng, điều này vẫn làm cho các nhà đầu tư khác bất an, khiến cổ phiếu lao dốc", chuyên gia này bình luận.
Trả lời Zing.vn về việc hoạt động kinh doanh năm 2015 vẫn có triển vọng tốt nhưng giá cổ phiếu liên tục giảm, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai nói: "Giá cổ phiếu biến động là do thị trường, tôi cũng không giải thích được".
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng có biến động tương tự HAG khi giảm giá 41% từ 53.000 đồng/cổ phiếu ở phiên cuối năm 2014 xuống 31.300 đồng. Tuy nhiên, tổng tài sản của ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát) chỉ giảm nhẹ xuống 5.769 tỷ đồng so với 6.159 tỷ đồng cuối năm 2014.
So với ông Đoàn Nguyên Đức, tài sản của Chủ tịch Hòa Phát vượt lên 1.388 tỷ đồng và xếp thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2015.
Trong năm 2015, ông Trần Đình Long nhận được 58,1 triệu cổ phiếu từ cổ tức và cổ phiếu thưởng của Hòa Phát. Ngoài ra, ngay sau khi nhận 116 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% vào tháng 5/2015, ông Long mua thêm 10 triệu cổ phiếu HPG vào tháng 6/2015 nâng số lượng sở hữu lên 184 triệu.
Năm 2014, Tập đoàn Hòa Phát có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt với lãi ròng 3.144 tỷ đồng, kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, HPG đạt mức lãi sau thuế 3.000 tỷ đồng.