Trận động đất mạnh 5,3 độ xảy tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trưa 27/7 đã khiến nhiều nhà cửa, công trình bị nứt tường, vỡ ngói và sập trần. Đây được đánh giá là trận động đất mạnh nhất từ đầu năm 2020 và đã gây ra thêm nhiều đợt dư chấn khác vào chiều cùng ngày.
Nhiều người đặt câu hỏi về nguyên nhân của trận động đất này và diễn biến của loại hình thiên tai như động đất trong thời gian tới.
Sơn La nằm trên nhiều đới đứt gãy
Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Ánh Dương, Trưởng phòng Địa chấn (Viện Vật lý địa cầu), cho biết với mức 5,3 độ, cường độ chấn động của mặt đất tác động tới nhà cửa và con người có thể lên tới cấp 7 và cấp 8 tại vùng tâm chấn.
Tuy nhiên, cường độ này có thể mạnh hơn nữa ở những khu vực có nền đất yếu. Khi đó, tác động của trận động đất và mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn bởi ở những nơi nền đất yếu, tín hiệu động đất sẽ bị khuếch đại khiến nhà cửa rung mạnh hơn.
Trận động đất ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, khiến tường cột ở bưu điện xã Nà Mường nứt toác. Ảnh: PCTT tỉnh Sơn La. |
Lý giải về nguyên nhân của trận động đất ở Sơn La, ông Dương cho biết khu vực Mộc Châu nằm trên đới đứt gãy sông Đà và nhiều đới đứt gãy khác nên có hoạt động địa chất khá mạnh. Do động đất lên đến 5,3 độ nên khu vực phải hứng chịu thêm nhiều dư chấn khác vào chiều cùng ngày.
"Ở Việt Nam, động đất mức độ này là khá mạnh. Đây không chỉ là trận động đất mạnh nhất từ đầu năm nay mà rất lâu rồi, chúng tôi mới ghi nhận động đất mạnh đến 5,3 độ", ông Dương nói.
Chuyên gia cũng cho biết trận động đất này có mức độ ảnh hưởng trong phạm vi bán kính trên 120 km từ tâm chấn. Do đó, người dân Hà Nội và một số nơi khác cũng có thể cảm nhận được rung lắc.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào vị trí đang đứng, người dân có thể cảm nhận được mức độ dư chấn khác nhau theo nguyên tắc càng lên cao càng cảm nhận rõ. Với dư chấn khoảng 3 độ, những người đang đi đường hoặc ở tầng 1 sẽ khó cảm nhận được rung lắc.
Điều này được lý giải theo nguyên lý dư chấn là một chu kỳ dài truyền từ xa đến gần. Vì vậy, càng lên cao thì mức độ rung chấn càng rõ, những người đang ở trên tòa nhà cao tầng sẽ cảm nhận được tín hiệu rung lắc sớm và mạnh hơn.
Tây Bắc có thể hứng chịu động đất cấp 8-9
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các tâm chấn động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Những trận động đất mạnh nhất với độ lớn đạt 6,7-6,8 độ đã được ghi nhận trong lịch sử.
Trên cơ sở các kết quả phân tích không gian và thời gian về hoạt động động đất khu vực miền Bắc, ông Xuân Anh khẳng định Tây Bắc là nơi có khả năng động đất cao. Số liệu về những trận động đất được ghi nhận trong quá khứ cũng cho thấy hoạt động động đất mạnh ở khu vực này.
"Chúng tôi đánh giá khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,… có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8-9 trong tương lai", Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết.
Với độ lớn này, người dân hoàn toàn cảm nhận được sự rung lắc mạnh mẽ và cảm thấy sợ hãi. Những trận động đất mạnh cấp 9 có thể phá hủy toàn bộ nhà cửa của người dân.
Trưa 27/7, trận động đất mạnh 5,3 độ đã xảy ra tại Sơn La. Độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 ở vùng tâm chấn. Sau đó, khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, ghi nhận thêm 4 trận động đất mạnh từ 3 đến 3,8 độ đều là dư chấn của trận động đất trên.
Động đất mạnh đã làm nhà văn hóa, trạm y tế, trường mầm non và 127 nhà dân ở huyện Mộc Châu bị lún, nứt tường, vỡ ngói, sập trần nhựa. Đá rơi do động đất cũng làm bẹp đầu ôtô. Rất may không có thiệt hại về người.
Cùng ngày, Viện Vật lý địa cầu đã cử cán bộ lên địa bàn để khảo sát và đánh giá chi tiết về cường độ cũng như các thiệt hại khác của trận động đất.