Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng những ngày qua?

Phó giám đốc CDC Hà Nội nhận định các ổ dịch tại Hà Nội còn nhiều, cùng với lượng F0 chưa được phát hiện khiến số ca mắc mới chưa thể giảm sau một tuần giãn cách.

Đến trưa 1/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 57 ca nhiễm nCoV (tính từ 6h cùng ngày), nâng tổng số F0 ở thủ đô lên 1.231 trường hợp trong đợt dịch thứ 4. Diễn biến dịch có dấu hiệu phức tạp thêm khi ngày 30 và 31/7 ghi nhận số ca mắc cao là 119 và 74 ca.

F0 được dự báo tiếp tục tăng nhanh

Trao đổi với Zing, Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng lượng người mắc mới có thể chia thành 2 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất là ca mắc tại ổ dịch hiện hữu (Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai...). Đây là F1 của trường hợp dương tính trước đó, hoặc được phát hiện thông qua sàng lọc tại khu vực có nguy cơ cao, quanh nơi có ca bệnh. Nhóm thứ hai là trường hợp dương tính được xác định qua sàng lọc cộng đồng, sàng lọc theo yếu tố dịch tễ (ho, sốt, mất vị giác...).

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 1

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội. Ảnh: H.T.

Lý giải về số lượng ca mắc những ngày qua tăng, ông Tuấn cho rằng số ổ dịch tại Hà Nội còn tương đối nhiều và thường phải mất 21-28 ngày mới có thể ổn định. Ngoài ra, F0 trong cộng đồng chưa được phát hiện còn khá nhiều, cần có thời gian để bóc tách hết.

Lãnh đạo CDC Hà Nội nhìn nhận sau 7 đến 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội, TP mới có thể tìm được gần hết F0 tản mát ở cộng đồng. Vì vậy, nhiều khả năng những ngày tới số ca ghi nhận tiếp tục tăng nhanh.

"Phát hiện thêm F0 là chúng ta đang đi đúng hướng. Rà soát có trọng tâm, hiệu quả cao, phát hiện càng sớm khả năng dập dịch càng cao", ông Tuấn nói.

PGS. TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) cho rằng diễn biến dịch ở Hà Nội vẫn khá phức tạp những ngày qua và sắp tới. Số ca mắc trong cộng đồng tương đối nhiều, với các chùm ca bệnh phức tạp.

Ông Phu cho rằng điều đáng lo ngại nhất thời điểm này là đặc tính của chủng Delta có khả năng lây nhiễm rất mạnh, khiến cho đợt dịch này phức tạp hơn các đợt trước rất nhiều. Bên cạnh đó, số ca mắc trong cộng đồng đông chứng tỏ còn khá nhiều F0 chưa được phát hiện.

"Điểm tích cực của Hà Nội là thực hiện rất tốt việc xét nghiệm sàng lọc, có vai trò rất quan trọng lúc này. Thông qua xét nghiệm người ho, sốt, ta khoanh vùng được rất nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây. Nếu không được phát hiện sớm, thì nguy cơ từ những F0 này đối với Hà Nội rất lớn", ông Phu nói.

Tăng cường khả năng truy vết, sàng lọc

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong những ngày giãn cách còn lại. Dựa vào kết quả chống dịch trong 15 ngày để quyết định có cần kéo dài thời gian giãn cách.

"Hà Nội tránh được vết xe đổ của TP.HCM khi vẫn nắm được thế chủ động trong cuộc chiến chống dịch. Nhưng những ngày tới cần tăng cường khả năng truy vết, sàng lọc, xét nghiệm diện rộng để không phải chạy theo diễn biến của dịch bệnh", ông Phu đánh giá.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 2

Hà Nội khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến tại quận Hoàng Mai. Ảnh: Hồng Quang.

Còn Phó giám đốc CDC Hà Nội cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của TP trong những ngày giãn cách còn lại là rà soát, bóc tách hết F0 lẩn khuất, từng bước ổn định và làm sạch ổ dịch còn lại trong cộng đồng.

"Đến nay có thể đánh giá tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát, chúng tôi sẽ thu thập, phân tích thêm số liệu và có báo cáo lên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP để triển khai biện pháp tiếp theo", ông Tuấn nói.

Trao đổi với báo chí ngày 31/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. "Trước mắt, thời gian giãn cách là 15 ngày, tùy mức độ kiểm soát dịch, thành phố sẽ quyết định có gia hạn hay không", ông Dũng nói.

Bí thư Hà Nội cho rằng đây là giải pháp mạnh phù hợp với tình hình thực tế, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bí thư Thành ủy đề nghị đơn vị toàn TP tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch; bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc giãn cách xã hội ở mọi lúc, mọi nơi.

Trước việc số ca mắc Covid-19 tăng nhanh tại Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang gấp rút thi công bệnh viện dã chiến tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, để điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện có quy mô 500-700 giường bệnh và có thể mở rộng nếu cần thiết.

Đây là một trong 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 Quốc gia được Bộ Y tế phê duyệt nhằm đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch.

Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.231 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, ngoài ra có hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Riêng chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến trưa 1/8 đã có 962 trường hợp dương tính với virus.


Vì sao Thủ tướng yêu cầu người dân không ồ ạt về quê tránh dịch?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc người dân ồ ạt về quê nếu không kiểm soát tốt sẽ tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh. Với tình hình hiện nay, mục tiêu chống dịch cần được ưu tiên.

99% người từ 18 tuổi ở Hà Nội, TP.HCM sẽ được phân bổ vaccine

Dự kiến trong năm nay, Bộ Y tế phân bổ vaccine cho 90% người từ 18 tuổi trở lên. Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương được phân bổ với tỷ lệ cao nhất.

Bí thư Hà Nội: Tùy mức độ để quyết có giãn cách tiếp hay không

Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu người dân, đơn vị toàn TP thực hiện nghiêm cách ly xã hội đến hết ngày 7/8, rồi xem xét tình hình dịch để quyết định có giãn cách tiếp hay không.

Hàng nghìn người xuyên qua Bình Phước để lên Tây Nguyên

UBND tỉnh Bình Phước cho phép hàng nghìn người đang dồn ứ ở 2 chốt giáp ranh tỉnh Bình Dương được đi qua địa bàn để về các tỉnh Tây Nguyên.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm