Ngày 23/3, công văn số 87/VPF-TCTĐ của Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) khẳng định nếu SLNA và Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An không sớm nâng cấp sân Vinh, đội bóng xứ Nghệ sẽ phải tìm một sân thi đấu khác cho mùa giải 2020.
Sân Vinh xuống cấp là câu chuyện rất cũ của bóng đá Việt Nam, nhưng tại sao suốt bao năm qua, SLNA vẫn không thể xử lý vấn đề này?
Một góc mặt cỏ sân Vinh nham nhở, trơ cả đất, gây nguy hiểm, tăng nguy cơ chấn thương cho các VĐV. Ảnh: T.W. |
Sân Vinh xuống cấp như thế nào?
Sân vận động Vinh được xây dựng từ thế kỷ trước. Đầu những năm 2000, sân bóng này được đầu tư lớn. Bốn phía khán đài được mở rộng, hệ thống thoát nước, mặt cỏ, các phòng chức năng đều được đầu tư mạnh trong giai đoạn này để sân Vinh có được diện mạo gần giống hôm nay.
Tuy nhiên, sau 20 năm liên tục sử dụng, sân Vinh đã xuống cấp nghiêm trọng ở nhiều mặt quan trọng.
Thứ nhất, mặt cỏ sân Vinh vốn là cỏ tự nhiên, thuần nhất. Sau nhiều năm không được chăm sóc cẩn thận, mặt cỏ trên sân đã trở thành cỏ lai tạp, nhiều chỗ có cỏ dại hoặc không còn cỏ mọc, trơ ra mặt đất cứng. Cộng thêm khắc nghiệt của thời tiết, việc tưới nước thủ công và sự hư hỏng của hệ thống thoát nước khiến mặt sân dần trở nên cứng, không đồng nhất, gây khó khăn, tăng nguy cơ chấn thương trong thi đấu thể thao.
Thứ hai, sân Vinh hiện có 4 cột đèn, mỗi cột có 25 bóng. Tuy nhiên, do không được bảo dưỡng thường xuyên, mỗi cột đèn chỉ sáng khoảng 10 bóng. Ánh sáng sân Vinh hiện chỉ đạt 382 lux, cách rất xa tiêu chuẩn 900 lux trong Quy chế Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam.
Vấn đề thứ ba là sự xuống cấp của hệ thống phòng chức năng. Các phòng thay đồ, phòng chuyên môn, phòng trọng tài, cabin truyền hình, hệ thống cổng vào, ghế ngồi... trên sân Vinh đều rất cũ, đã xuống cấp hoặc không còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Nhiều cầu thủ, CĐV thường kể lại trải nghiệm tìm nhà vệ sinh trong dãy hành lang dài, tối hun hút, ẩm mốc và bốc mùi tại SVĐ này.
Năm 2016, sân Vinh được cải tạo nhằm phục vụ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2016. Tuy nhiên, việc cải tạo chỉ xử lý một số phần bề mặt như sửa sang các khán đài, thay mới, thêm các ghế hỏng, sơn lại một số công trình... 2016 cũng là năm VPF đề nghị sân Vinh cải tạo, nâng cấp dàn đèn. Đến nay, việc nâng cấp vẫn chưa được thực hiện. Năm ngoái, SLNA là một trong 6 CLB không đạt đủ điều kiện cơ sở vật chất cho việc thi đấu.
Công văn VPF gửi CLB SLNA và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An hôm 23/3. |
Tại sao không cải tạo?
Câu chuyện của sân Vinh không mới, lãnh đạo SLNA cũng biết rõ vấn đề của mình. Tuy nhiên, họ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực cải tạo sân bóng này, vốn là mái nhà của đội bóng xứ Nghệ suốt hàng thập kỷ qua.
Thứ nhất, CLB SLNA không sở hữu nguồn lực tài chính đủ dồi dào. Họ thuộc diện đội bóng “nhà nghèo” ở V.League. SLNA lo đủ kinh phí để tồn tại đã là thành công. Họ không còn đủ nguồn lực để tiến hành những nâng cấp mạnh tay cho sân Vinh.
Thứ hai, SLNA cũng không được tự tiện sửa chữa sân Vinh. Phó GĐĐH SLNA Hoàng Minh Tâm giải thích: “Thực hiện quyết định của Ủy ban Nhân dân Tỉnh Nghệ An khi bàn giao CLB SLNA cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á năm 2009, sân Vinh thuộc quyền sở hữu của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An. SLNA được quyền quản lý và sử dụng. Sở cũng yêu cầu SLNA phải giao lại sân khi tỉnh cần tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, giải trí...”.
“Nhiều người ngoài nhìn nhận, họ nghĩ sân Vinh thuộc quyền quản lý của SLNA và nhà tài trợ thì sao không cố gắng tu sửa, nhưng thực chất mà nói, việc sở hữu là của tỉnh, sân này là sân của tỉnh. Trong quá trình dùng sân, SLNA cùng nhà tài trợ đã bỏ ra một số kinh phí hàng năm để sửa chữa nhỏ, đảm bảo các trận đấu trên sân Vinh. Tuy nhiên, việc sửa chữa, nâng cấp những tài sản lớn như dàn đèn và mặt sân thì mất tới hàng tỷ đồng. Những việc lớn phải đề nghị tỉnh và sở hỗ trợ để sửa chữa”, ông Tâm nói.
Sân Vinh có 4 cột đèn, mỗi cột 25 bóng. Tuy nhiên, do không được bảo trì thường xuyên, mỗi dàn đèn hiện còn 10 bóng sáng. Ảnh minh họa: Minh Chiến. |
Do chưa có sự hỗ trợ, những người lãnh đạo SLNA không thể tự xử lý việc này. Và sân Vinh tiếp tục xuống cấp theo thời gian.
Nhiều năm qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF đã nhiều lần phải nhân nhượng cho các CLB chưa đạt tiêu chuẩn Quy chế Bóng đá Chuyên nghiệp. Tuy nhiên, dưới sự tác động của AFC và mong muốn đưa bóng đá Việt Nam tiến lên, họ dần đã có những hành động mạnh tay. Việc CLB Hà Nội không được dự các cúp châu Á mùa này là một trong những dấu hiệu cho thấy sự quyết liệt từ AFC và VPF.
Ông Tâm khẳng định: “Mong muốn của SLNA là Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của bóng đá Nghệ An, cho sửa chữa và nâng cấp sân để phục vụ cho bóng đá Nghệ An, cho SLNA được thi đấu trên sân nhà để phục vụ khán giả và đông đảo người hâm mộ xứ Nghệ”.
Đó cũng là mong mỏi của HLV Ngô Quang Trường và đông đảo cầu thủ SLNA. Ông Trường nói: “Chúng tôi muốn cải thiện sân để tốt hơn cho cầu thủ. Được tập luyện và thi đấu trên mặt sân tốt thì sự hưng phấn và sáng tạo của họ cao hơn nhiều”.
SLNA sẵn sàng cho tình huống xấu
Do thời gian từ nay tới khi V.League dự kiến trở lại trong tháng 4 là rất ngắn, khả năng SLNA phải mượn một sân thi đấu khác là rất cao. Ông Tâm cho biết CLB đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là SLNA không được thi đấu tại sân Vinh. Họ không thể thuê sân Hà Tĩnh vì chất lượng sân này hiện chỉ đủ phục vụ một CLB, còn sân Thanh Hóa cũng đang trong quá trình nâng cấp dàn đèn.
Giải pháp khả thi nhất với SLNA là sân Hà Nam, cách thành phố Vinh hơn 200 km về phía Bắc. Nếu phương án này thành hiện thực, người hâm mộ xứ Nghệ sẽ khó lòng theo dõi trực tiếp các trận đấu của đội bóng đồng thời đặt SLNA trước nhiều khó khăn trong công tác tổ chức thi đấu.