Thực tế, show The Bachelor là một trong những chương trình truyền hình hẹn hò gây sốt, nhận nhiều tranh cãi và đả kích nhất trên thế giới. Nhưng vì sao khi đến Việt Nam, The Bachelor không còn tạo được nhiều sức hút, thậm chí còn bị khán giả ngó lơ?
Mỗi tập của chương trình chỉ dao dộng trong khoảng từ 300.000-500.000 lượt xem trên YouTube. Mỗi bài đăng trên fanpage chính thức của chương trình cũng không nhận được nhiều sự tương tác như kỳ vọng. Mức độ viral (truyền miệng) của Anh chàng độc thân cũng rất yếu ớt và gần như không đạt hiệu quả như thành công của bản gốc.
Một phiên bản chương trình truyền hình thực tế ba không: không kịch bản, không dung tục và không kém văn hóa đã được nhà sản xuất giữ đúng lời hứa với khán giả trước khi chương trình lên sóng. Nhưng điều này có đồng nghĩa với một chương trình an toàn, mờ nhạt và thiếu điểm nhấn?
Chương trình The Bachelor - Anh chàng độc thân Việt Nam không tạo được sức hút như kỳ vọng |
Không kịch tính, hấp dẫn như kỳ vọng
Trải qua 12 tập phát sóng, khác với lời hứa hẹn của nhà sản xuất và đạo diễn, The Bachelor Việt Nam không những không kịch tính, hấp dẫn mà còn có phần dài dòng, thiếu sức sống.
Với format mới lạ khi 24 cô gái cùng bước vào nhà chung chinh phục trái tim của chàng trai duy nhất cùng với sự nổi tiếng của bản gốc, khi được Việt hoá, show The Bachelor không nhận được sự đón nhận như kỳ vọng. Bởi điều đầu tiên phải thừa nhận, bản thân chương trình không đủ kịch tính, không tạo được hấp dẫn..
Đến nay, điểm nhấn sáng nhất của chương trình chính là màn tỏ tình đồng tính giữa hai cô gái Trúc Như và Minh Thư ngay tại buổi lễ hoa hồng. Sự việc này đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của công chúng trong nước lẫn quốc tế.
“Trước khi chúng tôi tung clip của Trúc Như và Minh Thư, tôi đã nói chuyện với cả hai thí sinh để xác nhận với họ rằng chúng tôi sẽ đưa lên đoạn phim chân thật nhất và sớm nhất có thể sau khi lên sóng tập đó.
Chuyện tình đồng tính giữa Minh Thư và Trúc Như là điểm nổi bật và gây chú ý nhất của chương trình. |
Việc clip viral thì không nằm trong kế hoạch. Chúng tôi tôn trọng hai thí sinh và để họ tiếp nhận chuyện này theo cách của họ”, nhà sản xuất Anh Trần chia sẻ.
Theo Anh Trần, đội ngũ nhà sản xuất luôn làm việc từ xa để cho phép cảm xúc của thí sinh được thể hiện rõ nhất ra bên ngoài. Chương trìnhh Anh chàng độc thân có 60% là được dàn dựng trước, gồm tình huống, địa điểm và đạo cụ, 40% còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào cách ứng xử của người tham gia.
Chắc chắn, việc tạo kịch tính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong một chương trình truyền hình thực tế. Nhưng có lẽ đó không phải là sự lựa chọn của ê-kíp của The Bachelor Việt. Và điều này có thể lý giải phần nào chương trình hẹn hò khá nhạy cảm này đến nay vẫn “sạch sẽ” và không bị bất kỳ scandal không hay ho nào.
“Dàn dựng kịch bản cho người tham gia (vốn không phải là diễn viên) đôi khi còn gây ra tác dụng ngược. Vì thế, chúng tôi chỉ là người song hành cùng các nhân vật để họ tìm ra cái kết đẹp cho chính mình mà thôi”, đạo diễn Danny Do nhấn mạnh.
Đạo diễn và nhà sản xuất cam kết không can thiệp vào bất kỳ nội dung hay cảm xúc nào của các cô gái. |
Chàng trai và những cô gái quá an toàn
Sự điềm tĩnh có thể xem là sự lựa chọn an toàn của các cô gái, không gây gổ và không có xung đột. Nhưng nếu tập nào cũng như tập nào suốt gần 1 tháng, từ khái niệm “an toàn” sẽ đi đến sự “nhàm chán, rập khuôn”.
Việc các cô gái với tính cách khác nhau, ở chung một căn nhà, cùng tranh giành tình yêu từ người đàn ông duy nhất là những yếu tố dễ gây xung đột.
Nhưng, không thể phủ nhận, so với phiên bản các nước khác, thậm chí là các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, chương trình Anh chàng độc thân bản Việt quá nhạt nhẽo.
Với một số khán giả, họ đồng tình với cách cư xử của các cô gái trong show hẹn hò cũng như cách nhà sản xuất thiết lập, cắt dựng chương trình. Bởi ở Việt Nam, sự ý nhị khiêm nhường của người phụ nữ được đề cao hơn cả nên chương trình gần như loại bỏ những cảnh cãi vã của các thí sinh nữ với nhau là điều dễ hiểu.
Nhà sản xuất Anh Trần từng chia sẻ khi The Bachelor mới phát sóng rằng: “Chúng tôi chọn ra các thí sinh phù hợp với Anh chàng độc thân Quốc Trung.
Tất cả cảm xúc được tạo ra giữa các cô gái đều chân thực khi mà mọi kết nối của thí sinh với thế giới bên ngoài đều bị cắt và cấm. Chúng tôi không bao giờ kích động bất kỳ cảm xúc nào để tạo nên sự tranh cãi”.
Cả Quốc Trung và 24 cô gái đều khá an toàn không bứt phá, cởi mở cá tính bản thân trong chương trình. |
Vậy, nếu nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà sản xuất, The Bachelor thiếu cao trào có thể bởi chính cá tính nhạt nhoà và an toàn của những người tham gia, của chính anh chàng độc thân Quốc Trung và 24 cô gái.
Phần lớn họ chọn hình ảnh an toàn khi tham gia show hẹn hò này. Chỉ vài cá nhân dám bứt phá khỏi khuôn khổ an toàn, đưa ra những phát biểu thẳng thắn như Karma, Phương Thảo, Gia Hân hay Vân Nhi.
Trong tập 6, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Karma từ chối ngồi chung với Phương Thảo. Karma bày tỏ quan điểm rằng Phương Thảo "bị thần kinh". Trước đó, Kim Ngân và Quỳnh Như cũng lên tiếng chỉ trích Phương Thảo sống giả tạo.
Tất nhiên, không thể đòi hỏi các thí sinh tham gia The Bachelor bản Việt lúc nào cũng phải “hùng hổ”, mạnh mẽ thể hiện cái tôi, phải thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình vì có thể nó không phù hợp với tính cách người Việt.
Càng về những tập gần cuối, cá tính của các cô gái được thể hiện rõ nét và đậm đà hơn. Nhưng có lẽ nó đến quá muộn khi chương trình đã sắp đi đến hồi kết mà vẫn chưa để lại được quá nhiều dấu ấn.
Karma mâu thuẫn với Phương Thảo trong buổi hẹn hò ngắm pháo hoa. |
Tiệc cocktail không rượu và những “chiếc váy ù lì”
Ở các phiên bản The Bachelor quốc tế, các thí sinh được uống không giới hạn rượu vang, rượu sâm banh, bia... trong suốt thời gian ghi hình. Nhà sản xuất cho rằng việc này giúp các thí sinh quên đi ống kính để cởi mở hơn, đồng thời cũng đem lại nhiều câu chuyện kịch tính hơn.
Còn ở phiên bản Việt Nam, điều này hoàn toàn không xảy ra. Bản Việt Nam tuyệt đối không có chuyện được uống rượu bia thả ga, thí sinh chỉ được uống một chút sâm-panh trong tiệc cocktail. Còn lại, không có đồ uống có cồn tại nhà chung.
Các cô gái chỉ được sử dụng một ly cooktail nhẹ và được đề nghị uống chừng mực. Trong các buổi tiệc ở xuyên suốt 12 tập, các cô gái hầu hết đều có cách cư xử khá nhẹ nhàng.
Hơn nữa, trong hầu hết bữa tối, các thí sinh đều chỉ diện những bộ váy dạ hội thật lộng lẫy, ngồi tại chỗ trò chuyện với nhau một cách từ tốn và chờ đợi anh chàng độc thân đến để mời ra nói chuyện riêng.
Trong những bữa tiệc cocktail, các cô gái chỉ việc mặc đẹp và ngồi đợi "cơ hội". |
Thay vì vậy, các cô gái có thể đứng lên nhún nhảy theo điệu nhạc hoặc kể cho nhau nghe những câu chuyện bên lề thú vị về cuộc sống của mỗi người. Những câu chuyện bên lề của họ là yếu tố thu hút, giúp khán giả hiểu hơn về mỗi người. Nhưng đáng tiếc, 24 cô gái của The Bachelor không tận dụng được điều này.
Chính sự ù lì trong mỗi tập trôi qua khiến khán giả dễ dàng cảm thấy chán. Không có câu chuyện mới mẻ, không có hành động nào ấn tượng, cảm xúc cứ thế trôi tuột đi từ tập này qua tập khác.
So sánh với chương trình Love Bus (Chuyến xe tình yêu) cách đây vài năm, The Bachelor kém xa về độ chân thật, sự năng động, đa dạng trong các hoạt động. Tại Love Bus, các thí sinh cùng phiêu lưu trên chuyến hành trình, cùng thực hiện những hoạt động thiện nguyện dài ngày khắp các tỉnh thành và từ đó tự nhiên nảy sinh tình cảm dành cho nhau. Còn ở The Bachelor, nhiều khán giả không thể hiểu được các thí sinh có thể yêu nhau kiểu nào khi chỉ có những cuộc trò chuyện hay cuộc hẹn ngắn ngủi.
Hơn nữa, vì lề lối của thuần phong mỹ tục, chương trình gần như không có sự thân mật nào đáng kể giữa chàng trai và các cô gái. Kể cả trong những tình huống lãng mạn. Anh chàng độc thân không có bất kỳ cảnh hôn môi táo bạo nào.
Giới hạn cao nhất của họ chỉ là ôm eo và thơm má.
Chương trình không có nhiều cảnh thân mật quá đà giữa chàng trai và các cô gái. |
Khán giả đã ngán ngẩm show hẹn hò
Một nguyên nhân khách quan khác dẫn đến sự lạnh nhạt dành cho The Bachelor bản Việt chính là nằm ở thị hiếu khán giả đã thay đổi. Sau “cơn bão” ồ ạt của các show hẹn hò kém chất lượng, khán giả phần nào đã cảm thấy ngán ngẩm.
Các game show kết đôi, hẹn hò bùng nổ, tràn lan với đủ thể loại, chất lượng và quy mô lần lượt thay nhau phủ sóng trên truyền hình từ đầu năm tới nay như Bạn muốn hẹn hò, tiếp đến là các show mới ra mắt trong năm nay như Vì yêu mà đến (dựa trên format Phi thường hoàn mỹ của Trung Quốc), Lựa chọn của trái tim (format từ chương trình Sexy Beasts của Anh), Yêu là chọn, Khúc hát se duyên, Mảnh ghép tình yêu, Ngôi nhà chung, Yêu là cưới, Đúng là một đôi…
Món ngon đến mấy mà thưởng thức nhiều cũng chán, huống chi bàn tiệc game show truyền hình lại có quá nhiều món tương tự. Hàng loạt chương trình hẹn hò phát sóng cùng thời điểm dễ khiến người xem “bội thực”.
Chương trình đã đi đến chặng cuối cùng khi chỉ còn lại hai cô gái Kiều Trang và Thuỳ Dương. |
Chính điều này khiến The Bachelor dù nỗ lực đến đâu cũng không thể thoát khỏi định kiến sắp đặt của khán giả. Nhiều người nhất mực từ chối xem chương trình này từ đầu.
The Bachelor – show hẹn hò đình đám nhất thế giới đã để lại nhiều bài học đáng nhớ cho các nhà sản xuất Việt Nam. Với một format hấp dẫn, danh tiếng từ bản gốc, Anh chàng độc thân hội tụ nhiều yếu tố để thành công.
Nhưng cuối cùng, chương trình này gần như mất hút khỏi diễn đàn tranh luận trên báo chí, mạng xã hội. Thực tế không có nhiều điều để khán giả tranh luận hay bàn tán về show hẹn hò này.
Và tuần tới, The Bachelor Việt Nam sẽ khép lại mùa đầu tiên trong im ắng và kết thúc chặng đường những tưởng là sẽ “gây sóng gió” nhưng lại “bình yên đến bất ngờ”.