Số người ủng hộ và phản đối Scotland độc lập khỏi Anh sít sao nhau và dư luận khó dự đoán kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 18/9. Ảnh: Getty/EPA |
Trải qua ba thế kỷ êm đềm, người Scotland hôm nay sẽ bỏ phiếu về việc tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Theo New York Times, Scotland phải đánh cược khá lớn trong sự lựa chọn này và độ rủi ro cũng rất cao cho phần còn lại của nước Anh. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về độc lập của Scotland cũng trả lời cho cuộc tranh luận về khái niệm nhà nước trong thế giới hiện đại ngày nay. Định nghĩa nhà nước ngày nay đã khác thời các triết gia Anh là Thomas Hobbes và John Locke đặt nền móng từ thế kỷ 17.
Cuộc thăm dò ý kiến trước ngày bỏ phiếu chính thức 18/9 cho thấy một kết quả sít sao, nghiêng về phía những người muốn độc lập khỏi nhà nước mà họ là thành viên từ năm 1707 và có một nhà nước mới của riêng mình. Các cuộc thăm dò trước đó thì ngược lại, nghiêng về phía những người muốn duy trì Scotland là một phần của Anh.
Độc lập về văn hóa
Các lãnh đạo ủng hộ độc lập hứa sẽ cải thiện phúc lợi xã hội, ví dụ như cải thiện chính sách y tế công cộng cho trẻ em. Tuy nhiên, điều này không thật sự phù hợp bởi Scotland vốn đã là nơi nhận được nhiều lợi ích từ kho thuế chung của toàn nước Anh trong nhiều thế hệ qua. Họ đã nhận được nhiều hơn mức độ họ phải đóng thuế. Và dù đạt được thỏa thuận dài hạn về các vấn đề nhạy cảm như khai thác dầu mỏ, lợi nhuận nợ công và các thỏa thuận về tiền tệ, giữa một Scotland độc lập và phần còn lại của nước Anh như các chính trị gia đã hứa hẹn trước ngày bỏ phiếu, thì cái giá phải trả cho sự thay đổi và cho nền kinh tế, thương mại trong tương lai gần như chắc chắn cũng là rất lớn.
Tuy nhiên, nhiều người Scotland dường như vẫn hứng thú với việc sẽ có một chính phủ được thành lập từ những người có hình thức và tâm hồn giống họ hơn là cảm thấy buồn cũng như tổn thất vì việc không còn là một phần của một cường quốc.
Đoạn video của chiến dịch ủng hộ độc lập nói lên điều này. Trên nền những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của Scotland và những cô gái Scotland xinh đẹp, một người phụ nữ cầm một bó hoa và nói: "Độc lập. Đó là điều tất cả chúng ta đều muốn có được trong cuộc đời mình. Vậy tại sao đất nước của chúng ta lại không nên độc lập?".
Những người ủng hộ Scotland độc lập khỏi Anh tập trung tại quảng trường ở Glasgow hôm qua. Ảnh: Getty |
Người ta có thể nói rằng nước Anh luôn là một hình mẫu về tự do dân chủ từ khi thành lập đến nay, cũng như các đại biểu Scotland luôn xuất hiện trong Quốc hội và họ có quyền tự trị rất lớn. Chính phủ Anh cũng đã đề xuất mở rộng các quyền tự quyết về thuế và các chính sách công nếu Scotland đồng ý ở lại Anh. Tuy nhiên, những điều đó dường như là chưa đủ, bởi những đòi hỏi lớn hơn cho một nhà nước hiện đại vẫn tồn tại.
Lý thuyết của Thomas Hobbe trước kia cho rằng đổi sự tự do cá nhân lấy một lợi ích chung lớn hơn, với hy vọng bằng sức mạnh của luật pháp sẽ đạt được hòa bình, sẽ có một xã hội thịnh vượng hơn. Từ bỏ một số quyền tự chủ nhưng thu được sự giàu có và tuổi thọ, đó không phải là một sự lựa chọn tồi. Nhưng dường như giao quyền quyết định vào tay những người có ngoại hình và cách nói, cách nghĩ giống mình thì sẽ dễ dàng hơn.
Ý tưởng hình thành nhà nước bắt đầu từ đó, ban đầu chỉ nhỏ như quy mô một gia đình, nhưng sau đó mở rộng ra là người hùng cai trị một địa phương, rồi qua thời gian nhà nước ngày càng lớn hơn và mở rộng hơn. Thế kỷ 18, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland được thành lập bao gồm Anh, Scotland và xứ Wales, (ngày nay thêm Bắc Ireland). Đến thế kỷ 19, Mỹ được mở rộng và bao gồm các bang như một quốc gia nhỏ. Thế kỷ 20, Liên minh châu Âu được thành lập, sau đó hình thành nên khu vực thị trường chung và đồng tiền chung.
Những cuộc tuần hành phản đối quy mô để đòi ly khai từng xảy ra ở vùng Quebec của Canada, đến những đảng chống EU ở Pháp hay đòi ly khai trong nước Mỹ. Tuy nhiên, chưa có phong trào nào đi đến được gần đích như ở Scotland. Mọi việc sẽ được quyết định trong ngày 18/9.
Độc lập về kinh tế
Một giàn khoan dầu của công ty BP, Anh, ở Biển Bắc, cách Aberdeen, Scotland 160 km về phía đông. Dầu mỏ và các vấn đề kinh tế là một trong những tranh cãi xung quanh việc Scotland bỏ phiếu độc lập. Ảnh: AFP |
Những lợi ích về kinh tế và địa chính trị khi là một phần của nước lớn là điều mà một nước nhỏ không thể có được. Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ là quốc gia giàu nhất thế giới, cái nôi của nhiều tiến bộ công nghệ thiết thực trong thế kỷ trước. Cũng không phải vô cớ mà các nước châu Âu có ngôn ngữ và văn hóa khác nhau lại cố gắng để hòa hợp trong EU.
Với các nước lớn, ngành thương mại thu được nhiều lợi nhuận, được bán hàng trong một thị trường sử dụng đồng tiền chung, có hệ thống pháp lý chung. Về địa chính trị, nước lớn có thể thoải mái mặc cả để tiến vào một thị trường khác trong khi các nước nhỏ phải chật vật trên bàn đàm phán.
Ngoài ra, các nước lớn có xu hướng linh hoạt hơn trước các biến động. Thứ tưởng tượng bang Louisiana của Mỹ nếu trở thành Cộng hòa Louisiana, sẽ ứng phó thế nào sau cơn bão lịch sử Katrina hoặc nhà nước độc lập New York sẽ xử lý thế nào sau vụ khủng bố 11/9. Nếu Scotland lựa chọn độc lập, họ đánh đổi lợi thế là thành viên của cường quốc toàn cầu lấy cơ hội được điều hành bởi những người có mối quan hệ văn hóa gần gũi hơn.
Tuy nhiên, một số người Scotland ủng hộ tách khỏi Anh lại tranh luận rằng họ sẽ lấy lại được vị thế bằng cách gia nhập EU. Họ chỉ chuyển giao quyền lực từ tay các quan chức ở London sang các quan chức ở Brussels. Khi đó, họ có thể bán hàng cho Đức mà không phải chịu thuế hoặc đi du lịch đến Italy mà không phải kiểm tra hộ chiếu. Nhưng địa vị một nước nhỏ trong EU dường như có ít lợi thế về kinh tế hơn là một phần của Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland không chỉ là chuyện của vài triệu dân của xứ sở này muốn thành lập nhà nước của chính mình. Đó là một cuộc chiến đấu giữa những người chống lại thế giới hiện đại, đa văn hóa làm nên nền kinh tế toàn cầu ngày nay và những người muốn xóa bỏ chủ nghĩa dân tộc.