Chuyên gia
Nhà hoạt động truyền thông, biên tập viên của tòa soạn Hankook Ilbo, Đỗ Hiền Thảo, gửi đến Zing bài viết chia sẻ góc nhìn, kinh nghiệm về câu chuyện xoay quanh truyền thông và giới người nổi tiếng tại Hàn Quốc.
Ngày 14/9, dư luận Hàn Quốc rúng động trước thông tin Oh In Hye qua đời. Theo nhận định ban đầu từ phía cơ quan điều tra, nữ diễn viên The Plan có thể đã cố tự tử. Tới nay, vụ việc vẫn còn nhiều uẩn khúc chưa được làm rõ.
Những ngày gần đây, tôi có theo dõi phản ứng của công chúng tại xứ sở kim chi về vụ việc trên. Không có tranh luận trái chiều. Hầu hết khán giả bày tỏ tiếc nuối khi phải chứng kiến sự ra đi của On In Hye.
Oh In Hye được biết đến nhiều nhất sau ồn ào mặc trang phục gợi cảm quá mức khi tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan năm 2011. Trên truyền thông trước đây, nữ diễn viên tâm sự cô bị nhiều người chỉ trích sau sự kiện trên, dẫn đến sự nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực.
Hàn Quốc - một xã hội giận dữ
Trước Oh In Hye, số lượng người nổi tiếng bị khán giả Hàn Quốc chỉ trích, chê bai nhiều vô số. Các vụ việc đỉnh cao cực đoan, gây ra hệ quả tiêu cực có thể kể đến như cái chết của Sulli hay Goo Hara. Đây là một vấn nạn, nảy sinh từ chính đời sống xã hội nhiều áp lực của người dân xứ sở kim chi.
Oh In Hye bị cư dân mạng chỉ trích vì ăn mặc "thiếu vải" tại LHP Busan 2011. Ảnh: Naver. |
Trải qua thời gian học tập, sinh sống và làm việc tại Hàn, tôi phần nào thấm nhuần nhịp sống và phép tắc của một đất nước phát triển - nơi giải trí được coi như ngành công nghiệp không khói. Ở Hàn, ai cũng có áp lực cuộc sống rất nặng nề. Khác với quốc gia khác, tại đây, những điều tưởng chừng vụn vặt cũng có thể khiến bạn gặp stress.
Trong môi trường học đường, học sinh sớm bị căng thẳng "rượt đuổi" vì những áp lực điểm số. Kỳ thi đại học được coi như trận chiến khốc liệt nhất cuộc đời mỗi người. Mỗi cá thể trong cộng đồng đều miệt mài học tập để ôm vọng ước được xã hội công nhận. Nhiều gia đình thậm chí còn chủ đích sinh một con để tập trung đầu tư. Áp lực học tập từng cướp đi sinh mạng của nhiều thanh, thiếu niên.
Hoàn thành việc học, con người tiếp tục đối mặt với nỗi lo mang tên tìm việc. Hiện tại, với tác động của dịch bệnh, số người thất nghiệp đang tìm kiếm việc làm ở nước này đã lên tới 735.000 người trong tháng 5, tăng từ mức 107.000 người của cùng kỳ năm trước (số liệu của Tổng cục Thống kê Hàn Quốc).
Người Hàn có công ăn việc làm cũng không thoải mái đầu óc hơn là bao vì những áp lực công việc và những phép tắc, quy định hà khắc nơi công sở.
Ở Hàn, ai cũng có áp lực. Cuộc sống nặng gánh lo khiến người dân xứ sở kim chi thường xuyên bị stress.
Boys Over Flower là bộ phim truyền hình Hàn Quốc được đông đảo khán giả mến mộ. Tác phẩm khai thác mối tình nhiều trắc trở giữa Gu Jun Pyo (Lee Min Ho) và hậu bối Geum Jan Di (Goo Hye Sun) trong một ngôi trường cấp ba của giới thượng lưu.
Thực tế, quan hệ tiền bối - hậu bối ở Hàn lại là một phép tắc có phần khô cứng. Thoạt tiên, khi tiếp xúc, người ngoài khó mà cảm nhận hệ quả của nét văn hóa này. Song, tiền bối đôi khi chính là nguồn cơn tạo ra những sự bất mãn cho hậu bối. Bởi lẽ, ở Hàn Quốc, nếu bạn là phận nhỏ tuổi hơn, bạn cần phải tôn trọng và một mực lắng nghe chỉ dạy của thế hệ đi trước.
Văn hóa tiền bối - hậu bối tạo ra nhiều bức bách trong đời sống Hàn Quốc, giữa học sinh với học sinh, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp và giữa người với người.
Bởi cuộc sống nhiều căng thẳng, người Hàn cần một nơi để giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Không gian mạng lại là địa điểm lý tưởng vì độ tiếp cận dễ dàng và tính bảo mật thông tin cao. Tại đó, bê bối, đời tư của giới showbiz là chủ đề hấp dẫn nhất.
Hara và Sulli là những nạn nhân của vấn nạn bắt nạt trên không gian mạng. Ảnh: Naver. |
Các tài khoản mạng xã hội tại Hàn Quốc được đăng ký từ số điện thoại chính chủ. Song, người dùng có thể cài đặt để bình luận dưới dạng ẩn danh.
Khi một sự kiện xảy ra, cơn giận dữ từ đời sống thường ngày kết hợp với cảm xúc tức thời khiến cộng đồng mạng Hàn Quốc dễ dàng buông ra những ngôn từ cực đoan và ác ý dưới phần bình luận của các bài báo. Họ vô tư và chẳng ngờ rằng đó lại là những "mũi dao" bức tử những nghệ sĩ.
Khi bước ra khỏi không gian mạng, những tài khoản ẩn danh kia lại tỏ vẻ thờ ơ, vô tội và không dính líu. Năm 2017, Onew - thành viên nhóm nhạc SHINee - vướng vào tin đồn sàm sỡ phụ nữ. Tuy vụ việc đã được minh chứng là hiểu lầm, một bộ phận dư luận vẫn yêu cầu Onew rời nhóm và giải nghệ.
Thời điểm bê bối diễn ra, nhiều người hâm mộ SHINee quay lưng với Onew. Trên các forum, website chính thức của cộng đồng fan, đông đảo khán giả sử dụng ngôn từ tục tĩu để đả kích nam ca sĩ. Tuy nhiên, tại các buổi gặp gỡ, giao lưu trực tiếp, không người hâm mộ nào đả động tới vụ việc, thậm chí, họ còn tỏ vẻ muốn tránh nhắc tới.
Khi đã vướng vào scandal, người nổi tiếng ở Hàn có thể bị cả xã hội giận dữ ấy tẩy chay, bức tử.
Bài toán truyền thông là con dao hai lưỡi
Về Oh In Hye, cô từng than thở việc bị cư dân mạng chỉ trích sau sự cố trang phục tại LHP Busan. Tuy nhiên, trên kênh YouTube cá nhân, nữ diễn viên lại sử dụng tư liệu từ sự kiện lần đó làm ảnh bìa.
Trên thực tế, Hàn Quốc không thiếu người nổi tiếng. Trung bình mỗi năm có khoảng 60 nhóm nhạc thần tượng mới được ra mắt, trong đó, tỷ lệ nhóm được công chúng biết đến chỉ khoảng 15%.
Vì vậy, để nổi bật, nghệ sĩ buộc phải tạo ra sự khác biệt. Nhiều người bất chấp phản cảm chỉ để được khán giả nhớ mặt. Những năm gần đây, nhiều nhóm nhạc nữ gặt hái thành công khi theo đuổi con đường sexy. Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc cứ quyến rũ là nổi tiếng. Để trở thành tâm điểm dư luận, cá nhân nghệ sĩ cần phải có chất riêng, sự may mắn và chiến thuật truyền thông tinh tế.
EXID gặt hái được thành công khi theo đuổi phong cách quyến rũ. Ảnh: Mnet. |
Điển hình, Seolhyun (thành viên AOA) được biết đến là ca sĩ có tỉ lệ cơ thể chuẩn và gương mặt sáng. Tuy nhiên, Seolhyun sẽ khó nổi danh nếu như không có những bài báo so sánh cô với Suzy trong những năm tháng đầu sự nghiệp.
Hani của EXID lại là một ví dụ của sự may mắn. Cô, cùng nhóm nhạc, vụt sáng sau khi video do người hâm mộ quay Hani bất ngờ đạt mốc 10 triệu lượt xem trên YouTube. Thế nhưng, để có thể tận dụng cơ hội dẫu nhân tạo hay trời cho, Seolhyun và Hani vẫn là hai nghệ sĩ có tố chất và khả năng đem tới những giá trị nghệ thuật.
Các công ty giải trí luôn có những cách thức khôn ngoan tận dụng báo chí để lăng xê nghệ sĩ và thu về những món hời kinh tế.
Lại nói về các bài toán truyền thông, các công ty giải trí luôn tỏ ra khôn lỏi trong việc sử dụng báo chí lăng xê cho nghệ sĩ và thu về những món hời kinh tế. Mua bài báo, tạo scandal, dùng mối quan hệ là những cách thức phổ biến.
Thậm chí, những bình luận mang tính đả kích từ cư dân mạng nhiều khi cũng được tận dụng như thỏi "nam châm" thu hút hiệu quả dư luận cho nghệ sĩ.
Hơn nữa, lịch trình của các ngôi sao thường bận rộn trong khi theo đuổi kiện tụng, nếu xảy ra, sẽ tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, chi phí thực hiện các thủ tục pháp lý không phải con số nhỏ tiền mặt. Vì vậy, công ty chủ quản thường chỉ khởi tố các bình luận ác ý trên không gian mạng khi nghệ sĩ trực tiếp yêu cầu.
Tuy nhiên, chơi đùa với truyền thông cũng giống như con dao hai lưỡi. Bằng chứng thực tế cho thấy nhiều tên tuổi tuột dốc sự nghiệp sau khi dính scandal dù vô tình hay cố ý. Một khi bị công chúng quay lưng, người nổi tiếng tại Hàn khó có thể tìm lại được danh vọng. Nhiều người trong số họ chỉ biết luẩn quẩn trong những ám ảnh về hào quang đã có.
Giới giải trí Hàn Quốc liên tục chào đón các ca sĩ, người mẫu, diễn viên thế hệ mới. Với số lượng người nổi tiếng đông đảo, sự độc chiếm vị thế rất khó xảy ra trong showbiz Hàn. Scandal dìm một tên tuổi xuống, chỗ trống để lại sẽ sớm được khỏa lấp bởi một tài năng hay một cái tên may mắn khác.
Suy cho cùng làm ngôi sao tại Hàn Quốc có thực sự sung sướng? Khi còn là thực tập sinh, ai cũng thường trực nỗi bất an về cơ hội ra mắt khán giả. Với những người đã đạt được danh vọng, họ lại phải liên tục suy xét bản thân để sinh tồn trong sự soi mói, dò xét đến khắc nghiệt của công chúng. Đời sống của những người nổi tiếng cũng phần nào phản ảnh được bức tranh xã hội Hàn Quốc - luôn cạnh tranh và bất an.
Đỗ Hiền Thảo có sáu năm học tập và làm việc tại Hàn Quốc trong lĩnh vực truyền thông. Hiện, cô đang làm biên tập viên tại tờ báo Hankook Ilbo (lượng phát hành hơn 200.000 bản/ngày). Hiền Thảo trực tiếp đảm nhận nhóm sản xuất mang tên K-Trend, phát hành các nội dung mang định hướng gắn kết văn hóa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.