Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Saudi Arabia thách thức Nga, mở cuộc chiến giá dầu toàn cầu?

Giá dầu lao dốc tới 30% - mức sụt giảm sâu nhất trong một ngày kể từ đầu thập niên 1990 - sau khi Saudi Arabia nã "phát súng" đầu tiên của cuộc chiến giá toàn cầu.

Việc chính quyền Riyadh đe dọa giảm giá dầu thô nước này và tăng sản lượng đã đẩy giá dầu Brent (Anh) xuống mức 31,02 USD/thùng. Dầu WTI (Mỹ) cũng sụt xuống 27,71 USD/thùng.

Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu đang sụt giảm vì nền kinh tế thế giới lao đao với dịch virus corona chủng mới (Covid-19). Tại sao Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - lại hành động quyết liệt như vậy?

Theo Financial Times, Saudi Arabia từng muốn buộc OPEC và Nga cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu để đẩy giá lên cao khi dịch Covid-19 làm gián đoạn các hoạt động kinh tế toàn cầu. Nhưng khi Nga bác bỏ kế hoạch này, Saudi Arabia quyết định quay lưng với đối tác.

Cuoc chien gia dau anh 1

Giá dầu lao dốc khiến thị trường chấn động. Ảnh: AP.

Trừng phạt Nga, củng cố vị thế

Riyadh phản ứng bằng cách tăng sản lượng khai thác và bán dầu thô với mức chiết khấu cao. Giới phân tích coi đây là đòn trừng phạt Nga vì đã từ bỏ liên minh OPEC+.

Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng Saudi Arabia còn muốn củng cố vị thế nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Động thái này cho thấy Riyadh sẵn sàng thách thức Nga và các nhà sản xuất dầu thô với chi phí cao khác.

“Các nước OPEC đồng thuận cắt giảm sản lượng. Nhưng Nga phản đối và nói rằng từ ngày 1/4, các nước có thể khai thác ở bất cứ mức nào. Vì vậy Saudi Arabia thực thi quyền lợi của mình”, Financial Times dẫn lời một nguồn tin thân cận với chính sách dầu khí của Saudi Arabia khẳng định.

Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu đây có phải là bước đi thiếu khôn ngoan của Saudi Arabia. Nền kinh tế của quốc gia này không miễn nhiễm với những cú sụt giá gây sốc kể cả khi Saudi Arabia giành được thị phần từ tay các đối thủ.

Tuy vậy, dưới thời Thái tử Mohammed bin Salman, chính quyền Saudi Arabia có tiếng là sẵn sàng mạo hiểm và thực hiện các động thái quyết liệt khi muốn khẳng định vị thế.

Cuoc chien gia dau anh 2

Động thái của Saudi Arabia khiến giá dầu sụt giảm mạnh. Ảnh: FT.

Nhưng tại sao Nga không muốn giảm sản lượng? Theo Financial Times, Nga tuyên bố muốn đánh giá tác động toàn diện của dịch Covid-19 đối với nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu trước khi hành động.

Nhưng Moscow cũng muốn "nắn gân" ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Chính quyền Nga lo ngại rằng cắt giảm sản lượng sẽ chỉ có lợi cho ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ. Chính ngành này giúp Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, cướp nhiều khách hàng của Nga.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với nhiều công ty năng lượng Nga - bao gồm đại gia Rosneft - và chiến dịch chặn đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sang Đức khiến điện Kremlin nổi giận.

Cơ hội tấn công ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ

Ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc sinh lời dù đã tăng trưởng dữ dội trong suốt một thập kỷ qua. Vì vậy Nga tin rằng đây là cơ hội để làm tổn thương ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ.

Khi đàm phán với Nga, Saudi Arabia ép nước này tham gia vào việc cắt giảm tổng cộng 3,6 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 4% nguồn cung toàn cầu. Financial Times nhận định động thái này khiến Nga nổi giận bởi nước này chưa bao giờ chấp nhận mình là đối tác vai vế thấp hơn.

Giá dầu sụp đổ vào đúng thời điểm ngành công nghiệp đá phiến Mỹ đang gặp khó khăn. Sản xuất tại Mỹ tăng vọt trong thập kỷ qua, vượt mặt Nga và Saudi Arabia, nhưng đốt quá nhiều tiền, khiến giới đầu tư lo ngại.

Ngành công nghiệp trở nên dễ tổn thương, giá giảm chắc chắn sẽ gây nhiều tổn thất và khiến nhiều kế hoạch mở rộng sản xuất bị trì hoãn. Tuy nhiên, ảnh hưởng tới sản xuất cũng sẽ không quá lớn do nhiều nhà sản xuất nhỏ độc lập đã lường trước diễn biến này. Vậy nên nguồn cung khó bị giảm đột ngột.

“Theo quan điểm của chúng tôi, sản lượng dầu đá phiến Mỹ sẽ không giảm đủ nhanh để chứng minh quan điểm của Nga”, Financial Times dẫn lời chuyên gia Ayham Kamel thuộc Eurasia Group bình luận.

Cuoc chien gia dau anh 3

Giá dầu sụp đổ vào đúng thời điểm ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ đang gặp khó khăn. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ khó có thể tìm thấy nguồn đầu tư mới. Với Tổng thống Mỹ Donald Trump, giá sụp đổ đã đặt ra một bài toán hóc búa.

Các cử tri của ông Trump thường xuyên kêu gọi hạ giá dầu, nhưng việc giá giảm kéo dài có thể giáng đòn lên các khu vực sản xuất năng lượng như Texas và North Dakota.

Giới quan sát cho rằng giá dầu có hồi phục trong tương lai gần hay không còn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19. Nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2020 có thể giảm lần đầu sau một thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tương lai giá dầu

Tiêu thụ dầu toàn cầu có thể giảm ít nhất 1-2% trong năm nay so với dự đoán của giới phân tích hồi đầu năm. Nhu cầu bị ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế đối với ngành hàng không và đường bộ nhằm ngăn chặn virus corona chủng mới lây lan.

Triển vọng ngắn hạn của dầu thô còn ảm đạm hơn trước viễn cảnh dịch virus corona chủng mới lan rộng thành đại dịch toàn cầu. Tương lai của ngành công nghiệp dầu toàn cầu phụ thuộc vào cách Saudi Arabia gia tăng sản lượng.

Nước này có thể tăng sản lượng nhanh chóng hoặc sử dụng dầu tồn kho để tăng xuất khẩu. Trong khi đó, khả năng gia tăng sản lượng của Nga hạn chế hơn. Giá dầu thấp có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng và chi tiêu xã hội của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Dường như, Saudi Arabia hy vọng sự sụt giá có thể buộc Nga quay trở lại bàn đàm phán, nhưng điều đó khó có thể xảy ra. “Bước đi mới của Saudi Arabia chỉ khiến lập trường của Nga càng trở nên cứng rắn mà thôi”, nhà phân tích Amrita Sen tại Energy Aspects nhận định.

Nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp, các hãng sản xuất dầu cuối cùng sẽ phải thu hẹp kế hoạch mở rộng hoặc giảm sản lượng (vì thiếu đầu tư). Quá trình đó mất một thời gian dài, tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ chậm lại. “Rất khó để đặt cược vào khả năng giá dầu phục hồi”, Financial Times nhận định.

Cuoc chien gia dau anh 4

Khả năng giá dầu phục hồi còn phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Sau khi giá dầu sụp đổ vào năm 2014, các đại gia như Royal Dutch Shell, BP và ExxonMobil phải cắt giảm chi phí, bán hết tài sản và sắp xếp lại hoạt động để duy trì khả năng sinh lời với giá dầu thấp, đồng thời bảo vệ doanh nghiệp trước sự trượt dốc của thị trường.

Nhưng giờ, khi giá dầu trung bình là 65 USD/thùng trong suốt 2 năm qua, các công ty phải đối mặt với nhiều áp lực khác.

Các hãng dầu chật vật duy trì mức cổ tức để chi trả cho các cổ đông, đồng thời cần giảm nợ và tìm đến những nguồn năng lượng mới như năng lượng tái tạo. Với giá dầu dưới 40 USD/thùng, nhiều nhà đầu tư nghi ngờ khả năng thực hiện chiến lược này.

“Những công ty nợ lớn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dầu thô sụt giá”, chuyên gia Neil Beverdge tại Bernstein bình luận.

Thị trường chứng khoán chấn động vì dịch Covid-19, giá dầu lao dốc

Trong phiên giao dịch đầu tuần 9/3, thị trường tài chính lao đao khi chứng khoán lao dốc thảm hại vì tác động của dịch Covid-19. Giá dầu cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm