Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao phụ nữ Ấn Độ dễ bị cưỡng hiếp?

Những vụ cưỡng hiếp bùng nổ khiến phụ nữ Ấn Độ rơi vào nỗi sợ hãi bị tấn công tình dục bất cứ khi nào bước chân ra khỏi nhà. Trong khi đó, pháp luật nước này chứng tỏ sự thất bại trong việc kiểm soát và ngăn chặn vấn nạn này. 

Vì sao phụ nữ Ấn Độ dễ bị cưỡng hiếp?

Những vụ cưỡng hiếp bùng nổ khiến phụ nữ Ấn Độ rơi vào nỗi sợ hãi bị tấn công tình dục bất cứ khi nào bước chân ra khỏi nhà. Trong khi đó, pháp luật nước này chứng tỏ sự thất bại trong việc kiểm soát và ngăn chặn vấn nạn này. 

Cưỡng hiếp - vấn nạn quốc gia

Theo kết quả của một cuộc khảo sát hồi cuối tháng 12/2012 của Phòng Hợp tác Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM), 92% phụ nữ đi làm cho biết, họ cảm thấy không an toàn, đặc biệt là vào ban đêm tại tất cả các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước. Trong số những khu vực đô thị, New Delhi đứng đầu danh sách với 92% số phụ nữ được hỏi tiết lộ, họ cảm thấy không an toàn, tiếp theo là ở Bangalore với tỷ lệ 85% và ở Kolkata với tỷ lệ 82%.

Phụ nữ Ấn Độ nơm nớp sợ hãi bị tấn công tình dục.

Ngoài ra, phụ nữ Ấn Độ cũng cho biết, họ không cảm thấy an toàn khi làm việc trong các ngành công nghiệp chủ chốt như thông tin, khách sạn, hàng không dân sự, y tế và ngành công nghiệp may mặc.

Một nghiên cứu của Quỹ Phát triển Xã hội ASSOCHAM (ASDF) dựa trên những phản hồi của cả phụ nữ đi làm lẫn không đi làm cho kết quả, 100% người được hỏi cho rằng, nỗi bất an của phụ nữ cả nước chính là thách thức trong nước lớn nhất mà Ấn Độ đang phải đối mặt. Nghiên cứu được tiến hành thông qua một cuộc khảo sát trên phụ nữ sống ở các thành phố lớn và phồn hoa nhất Ấn Độ như Thủ đô New Delhi, Mumbai, Kolkata, Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Pune và Dehradun.

“Lao động nữ Ấn Độ lo ngại về sự an toàn của chính họ ở ngay cả những nơi như là bệnh viện”, Tổng thư ký của ASSOCHAM, D. S. Rawat nhấn mạnh.

Tại quốc gia 1,2 tỷ người, theo số liệu thống kê tội phạm chính thức của Cục Hồ sơ Tội phạm quốc gia, cứ mỗi 22 phút, lại xảy ra một vụ cưỡng hiếp ở Ấn Độ. Trước làn sóng các vụ cưỡng hiếp nghiêm trọng diễn ra liên tục thời gian qua, tòa án tối cao Ấn Độ tuần trước buộc phải đưa ra cảnh báo, Delhi là nơi hoàn toàn "không an toàn" cho phụ nữ.

Ở Delhi năm ngoái, hơn 600 phụ nữ bị hãm hiếp đã được báo cáo. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, con số thực tế còn cao hơn nhiều bởi nhiều nạn nhân bị cưỡng hiếp chọn cách im lặng, giữ kín chuyện mình bị làm nhục. Lý do chính là bởi họ không vượt qua được mặc cảm, sự xấu hổ, sợ làm mất danh dự của bản thân và gia đình hoặc thậm chí, sợ mình không được bảo vệ khi nhiều trường hợp người thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân cũng biến thành yêu râu xanh. Một minh chứng là, đầu tháng này, một cô gái bị 4 người đàn ông hãm hiếp sau đó lại tiếp tục bị làm nhục bởi một sĩ quan cảnh sát có nhiệm vụ thụ lý vụ việc này.

Còn theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia năm 2011, bang Tây Bengal của Ấn Độ để xảy ra 29.133 vụ cưỡng hiếp, chiếm 12,7% trong tổng số 228.650 vụ được báo cáo trên khắp Ấn Độ.

Các bé gái Ấn Độ viết thông điệp phản đối cưỡng hiếp sau vụ một nhóm thanh niên ngang nhiên hiếp một nữ sinh 23 tuổi trên xe bus ở Thủ đô Delhi đến chết.

Lỗ hổng lớn trong hệ thống luật pháp

Sau hàng loạt những vụ cưỡng hiếp nghiêm trọng xảy ra gần đây ở khắp Ấn Độ, các nhà hoạt động nhân quyền nhấn mạnh, tình trạng trên là do đất nước không có một hệ thống pháp luật đủ mạnh mẽ để ngăn chặn các "yêu râu xanh", khiến chúng lộng hành.

Đồng tình với quan điểm đó, các nhóm bảo vệ quyền lợi phụ nữ khác cáo buộc, các biện pháp truy tố "yêu râu xanh” có quá nhiều hạn chế nên mới dẫn đến việc Chính phủ không thể ngăn chặn được các vụ cưỡng hiếp xảy ra trên khắp đất nước.

“Đất nước này không thể triển khai các cuộc điều tra đầy đủ lẫn những phiên xét xử nhanh chóng để bảo vệ phụ nữ, nạn nhân của một cưỡng hiếp hoặc trừng phạt những kẻ tấn công. 6 thập kỷ sau khi độc lập, chúng ta không nên phải chịu đựng những nỗi lo sợ vấn nạn ấy thêm nữa. Một chuỗi những nỗi sợ hãi như vậy cần phải bị xóa bỏ”, bà Sukanya Gupta, điều phối viên của một tổ chức bảo vệ quyền lợi của phụ nữ tên là Swayam có trụ sở tại Kolkata nhấn mạnh.

“Gần Kolkata, một thị trấn ngoại ô tên là Barasat mang tai tiếng rất nặng nề khi để xảy ra hàng loạt các vụ cưỡng hiếp. Trong đó, có nhiều khu vực ở đây, các tai nạn như vậy xảy ra theo định kỳ, lặp đi lặp lại. Thế nhưng cảnh sát địa phương không hề có bất cứ động tĩnh gì, cũng không có bất cứ sự triển khai nào để giúp đỡ và hỗ trợ các cô gái về nhà an toàn”, bà Gupta tuyên bố.

Cảnh sát Ấn Độ chứng tỏ sự bất lực trong việc ngăn chặn nạn cưỡng hiếp sau khi hàng loạt thiếu nữ liên tiếp trở thành nạn nhân của yêu râu xanh trong thời gian qua.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội (CSR) có trụ sở tại New Delhi là Ranjana Kumari nhấn mạnh, Ấn Độ cần phải ngay lập tức xem xét và thảo luận về luật hiếp dâm và định nghĩa về một vụ cưỡng hiếp.

Nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ này cho biết: "Các điều luật về tấn công tình dục của chúng ta không xác định cụ thể và đầy đủ về một vụ cưỡng hiếp. Luật pháp mới chỉ đề cập đến trường hợp, một phụ nữ bị yêu râu xanh cưỡng đoạt thành công. Còn hàng loạt trường hợp, tình huống khác cần phải được xem xét, cấu thành tội danh. Cũng nhất thiết, cần phải có các biện pháp trừng phạt gia tăng và việc hỗ trợ về tài chính cho nạn nhân trong một vụ cưỡng hiếp không nên bị gọi là “sự đền bù" nữa. Ngoài ra, chúng tôi cũng chống lại bất cứ thỏa thuận hòa giải nào giữa yêu râu xanh và các nạn nhân".

Theo một ước tính chính thức của Chính phủ Ấn Độ, hiện nước này có khoảng 100.000 trường hợp hiếp dâm vẫn chưa được giải quyết ở các cấp tòa án khác nhau.

Những nguyên nhân quan trọng khác

Ngoài lỗ hổng trong hệ thống pháp luật khiến vấn nạn cưỡng hiếp tăng mạnh ở Ấn Độ, nhiều người cho rằng, chính sự mở cửa của xã hội, hay nói đúng hơn là làn sóng Tây hóa và sự phát triển thần tốc gần đây của đất nước đã làm cho vấn nạn trên trở nên trầm trọng.

“Ở Ấn Độ, đang có một cuộc xung đột, tranh cãi về vấn đề phụ nữ nên và không nên làm gì. Những người bảo thủ cho rằng, chủ nghĩa tư bản, tiêu thụ hay chủ nghĩa cá nhân càng phát triển mạnh ở Ấn Độ thì xã hội càng trở nên suy đồi hơn. Nhiều người đổ lỗi cho sự Âu hóa trong xã hội tạo ra các vấn nạn trong đó có nạn cưỡng hiếp”, biên tập viên của tạp chí tin tức Tehelka, Shoma Chaudhury cho biết.

Chưa bàn đến vấn đề đúng sai, điều này đã phơi bày phần nào xung đột trong văn hóa và các giá trị đạo đức ở Ấn Độ, kết quả của sự phát triển kinh tế với tốc độ chóng mặt của nước này trong những thập kỷ gần đây.

Một quan chức cấp cao của Ấn Độ tên là Mamata Yadav kêu gọi: "Chúng ta phải cứu nền văn hóa của chúng ta. Những kiểu vấn nạn như vậy đã không hề xảy ra ở Ấn Độ cách đây 200 đến 300 năm trước. Đang có một sự suy đồi trong các giá trị đạo đức của đất nước và điều này dẫn đến sự gia tăng của các tệ nạn xã hội trong đó có nạn cưỡng hiếp. Cần phải khôi phục lòng tự hào về văn hóa và truyền thống của đất nước chúng ta. Có rất nhiều người cũng có cùng quan điểm như vậy”.

Ngược lại, các nhóm khác lại tranh luận rằng, sự phát triển theo hướng cấp tiến của Ấn Độ mới chính là cách để giúp xóa bỏ vấn nạn trên khi tình trạng cưỡng hiếp xảy ra nghiêm trọng và phức tạp nhất ở các vùng nông thôn. Họ lập luận, có một lỗ hổng trong chính sách và quản lý ở nhiều vùng nông thôn Ấn Độ, nơi 70% dân số sinh sống. 6 kẻ bị xét xử trong vụ cưỡng hiếp một nữ sinh Ấn Độ ngay trên xe buýt ở Delhi đều xuất thân từ những khu vực nghèo khỏ, bảo thủ sâu sắc trước khi di cư lên thành phố.

Các tổ chức nhân quyền cánh hữu chẳng hạn, Rashtriya Swayamsevak nhấn mạnh, thủ phạm của các vụ cưỡng hiếp thường là thanh niên trẻ, nghèo khổ, lao động phổ thông, thường ít học và sống trong các khu ổ chuột hoặc các khu tồi tàn của những thành phố lớn, đang phát triển của Ấn Độ.

Theo một thống kê của Phó giáo sư Mrinal Satish của ĐH Luật Quốc gia Delhi và Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, 75% các vụ án hiếp dâm ở Ấn Độ có thủ phạm xuất thân từ vùng nông thôn.

Cụ thể, thành phố Madhya Pradesh, nơi dân cư xuất thân từ nông thôn chiếm số lượng áp đảo (3/4 dân số ở đây sống ở các vùng ngoại vi thành phố), năm nào trong 2 thập kỷ qua, thành phố cũng dẫn đầu cả nước về số lượng các vụ cưỡng hiếp. Theo thống kê, năm 2011, có 3.406 vụ cưỡng hiếp được báo cáo ở Madhya Pradesh. Tính trung bình, mỗi ngày ở đây có 9 phụ nữ trở thành nạn nhân của các vụ tấn công tình dục.

Phụ nữ ở bang Madhya Pradesh đối mặt với nguy cơ bị cưỡng hiếp cao nhất Ấn Độ.

Ngoài ra,nạn cưỡng hiếp ở Ấn Độ cũng được cho là hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính xuất phát từ tình trạng phá bỏ thai nhi và giết hại trẻ sơ sinh mang giới tính nữ ở Ấn Độ có nguồn gốc từ đặc trưng của xã hội nước này.

Theo quan niệm bảo thủ truyền thống trong xã hội Ấn Độ, đàn ông được coi trọng hơn phụ nữ. Các cặp vợ chồng Ấn Độ do vậy bằng mọi giá sinh cho được con trai. Nhiều gia đình nhẫn tâm bỏ thai nhi hoặc trẻ sơ sinh là con gái dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trở nên ngày càng trầm trọng. Thực tế, ở các bang miền Bắc Ấn Độ như Delhi, Haryana, nơi chênh lệch giới tính nghiêm trọng nhất là những khu vực có tỷ lệ cưỡng hiếp cao nhất cả nước.

Ngoài ra, cưỡng bức trở thành vấn nạn trong xã hội Ấn Độ còn xuất phát từ quan niệm sai lầm của nhiều người rằng, mọi lỗi lầm bắt nguồn từ phụ nữ chứ không phải do lỗi của đàn ông. Hàng triệu người Ấn Độ vẫn duy trì quan niệm, phụ nữ tự mang rắc rối tới cho bản thân họ bằng sự bất cẩn hoặc bằng lối ăn mặc khiêu khích, gợi cảm.

Do đó, nhiều người lo ngại, nạn cưỡng hiếp có thể dẫn đến hậu quả, phụ nữ Ấn Độ phải đối mặt với các hạn chế nhiều hơn, chặt chẽ hơn chứ không phải sẽ được giải phóng theo xu hướng chung của thế giới.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm