Ngày 1/5, Chân Tam Quốc vô song (Dynasty Warriors) chính thức ra rạp, phục vụ khán giả Trung Quốc vào dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động.
Theo thống kê của Maoyan, sau gần một tuần công chiếu, Chân Tam Quốc vô song có doanh thu phòng vé chỉ 14,5 triệu NDT (2,2 triệu USD). Trên trang Douban, phim nhận điểm đánh giá thấp với 4,5/10 điểm. Tác phẩm có nguy cơ lỗ tới 30,8 triệu USD vì gần như bị các rạp chiếu "bỏ quên", bình quân mỗi rạp chỉ một, hai suất chiếu mỗi ngày.
Chân Tam Quốc vô song có thành tích ảm đạm khi ra rạp. |
Trong quá khứ, dòng phim về đề tài Tam Quốc từng được coi là "ngựa chiến" của màn ảnh xứ Cảng thơm. Thế nhưng 10 năm trở lại đây, nhiều dự án thuộc thể loại này phải "ngậm trái đắng" khi trình chiếu tại Trung Quốc đại lục. Câu hỏi được đặt ra là lý do nào khiến chúng không còn được lòng khán giả?
Diễn xuất bị chê cười, lạm dụng kỹ xảo
Chân Tam Quốc vô song được chuyển thể từ tựa game cùng tên ăn khách suốt 20 năm qua của Nhật Bản, kể về những sự kiện dẫn đến cục diện Tam Quốc phân tranh. Bộ phim mất 4 năm để hoàn thiện công tác ghi hình và hậu kỳ, với kinh phí đầu tư lên tới 38 triệu USD.
Chân Tam Quốc vô song quy tụ loạt diễn viên tên tuổi của showbiz Hoa ngữ như: Cổ Thiên Lạc (vào vai Lã Bố), Vương Khải (vào vai Tào Tháo), Hàn Canh (vào vai Quan Vũ), Dương Hựu Ninh (vào vai Lưu Bị) và Cổ Lực Na Trát (vào vai Điêu Thuyền).
Dưới sự nhào nặn đầy tâm huyết của ê-kíp dày dặn kinh nghiệm, bộ phim được kỳ vọng sẽ trở thành bom tấn hấp dẫn và thành công. Thế nhưng câu chuyện về dự án chuyển thể đắt đỏ và dài hơi nhất từ trước đến nay của điện ảnh Hong Kong lại rẽ sang chiều hướng khác.
Diễn xuất và ngoại hình của Hàn Canh là "lỗ hổng" trong bộ phim. |
Ifeng chỉ ra "lỗ hổng" đầu tiên của Chân Tam Quốc vô song nằm ở vai diễn Quan Vũ do Hàn Canh đảm nhận. Ngoại hình gầy gò của nam diễn viên khác xa hình ảnh trước nay của vị Võ Thánh. Chưa kể diễn xuất yếu ớt của anh không những phá nát sự hùng dũng của Quan Vũ, mà còn tạo cảm giác khập khiễng khi đứng ngang với các danh tướng khác trong phim.
Kỹ xảo bộ phim cũng không được lòng khán giả. Một bộ phận cư dân mạng cho rằng hình ảnh trong Chân Tam Quốc vô song phô trương, lạm dụng hiệu ứng quá đà. Hậu quả là tác phẩm làm giảm sự oai hùng của các dũng tướng, tỏ ra thiếu chân thực khi đặt trong tổng quan bối cảnh lịch sử.
Song, lỗ hổng lớn về cách xây dựng nhân vật, tình tiết câu chuyện được cho là mắt xích chính khiến Chân Tam Quốc vô song thất bại trên đấu trường doanh thu. Ba nhân vật Lã Bố, Lưu Bị và Tào Tháo chiếm nhiều thời lượng trên phim. Thế nhưng cách xây dựng nhân vật thiếu điểm nhấn khiến khán giả khó xác định đâu là nhân vật nam chính. Điêu Thuyền - nhân vật nữ chính chỉ xuất hiện khi phim sắp kết thúc.
Điêu Thuyền - nhân vật nữ chính do Cổ Lực Na Trát đảm nhận chỉ xuất hiện khi phim sắp kết thúc. |
Trước Chân Tam Quốc vô song, nhiều bộ phim về đề tài Tam Quốc cũng mắc lỗi tương tự.
Cải biên phá nát hình tượng
Công chiếu năm 2011, Quan Vân Trường với sự tham gia của Chân Tử Đan, Khương Văn và Tôn Lệ kể về quá trình Quan Vũ đi tìm Lưu Bị, đã phải qua năm ải chém sáu tướng của Tào Tháo. Câu chuyện trong nguyên tác được xây dựng nhằm làm nổi bật lòng trung thành của Quan Vũ. Thế nhưng Quan Vân Trường khắc họa Quan Vũ có tình cảm với Khởi Lan - vợ lẽ của Lưu Bị. Cả hai giữ tình cảm trong lòng, tạo nên mối quan hệ mập mờ từ đầu đến cuối phim.
Những hư cấu về mặt nội dung khiến Quan Vân Trường trở thành tâm điểm tranh cãi. Cùng năm, phim bị xướng tên tại hạng mục Bộ phim gây thất vọng nhất trong Lễ trao giải Cây chổi vàng. Trả lời phỏng vấn, Chân Tử Đan thừa nhận anh không nên nhận vai diễn này, và Quan Vũ không nên phải lòng chị dâu.
Ra mắt sau đó 1 năm, Đồng Tước Đài quy tụ nhiều sao hạng A như Châu Nhuận Phát, Lưu Diệc Phi, Tô Hữu Bằng... Trong phim, Lưu Diệc Phi vào vai Linh Thư, người con gái sở hữu gương mặt, giọng nói giống Điêu Thuyền được giao nhiệm vụ tiếp cận, lấy lòng và ám sát Tào Tháo. Trước khi vào cung, Linh Thư yêu một sát thủ tên Mục Thuận.
Được Tào Tháo đối xử ân cần, Linh Thư dần nảy sinh tình cảm. Cô một mặt muốn kết liễu Tào Tháo để hoàn thành nhiệm vụ, chạy trốn cùng Mục Thuận, một mặt không muốn phụ tấm lòng của Tào Tháo. Tiến thoái lưỡng nan, cô cưỡi ngựa nhảy xuống vách núi kết liễu mạng sống.
Nhiều bộ phim về đề tài Tam Quốc từng khiến khán giả thất vọng vì mắc sai lầm trong nội dung, cách xây dựng nhân vật. Bản phim của Lưu Diệc Phi, Châu Nhuận Phát hay Chân Tử Đan đều thất bại khi ra mắt. |
Cốt truyện lộn xộn, vô lý khiến Đồng Tước Đài bị khán giả quay lưng. Dự án do Châu Nhuận Phát, Lưu Diệc Phi diễn chính chỉ được chấm 5,1/10 điểm chất lượng. Số liệu của Maoyan cho thấy phim lỗ hơn 3 triệu USD.
Tam Quốc trùng sinh: Ám sát Trương Giác (2016) và Tam Quốc chiến kỷ (2021) cũng bị đánh giá là "phiên bản lỗi" với những biến hóa vượt giới hạn cho phép về mặt nội dung, cách xây dựng nhân vật.
"Tam Quốc vốn là đề tài nhận nhiều quan tâm của khán giả. Thế nhưng những thiếu sót đến từ vị trí của nhà làm phim, đặc biệt là việc cải biên quá đà trong tổng quan bối cảnh lịch sử đã khiến một canh bạc đang ở thế thắng trở nên đầy rủi ro", cây viết Lý Gia Nhã bình luận trên Tân Hoa Xã.
Cái bóng của bản Tam Quốc kinh điển
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, những bộ phim mới về đề tài Tam quốc gặp khó khăn trong việc được khán giả công nhận do cái bóng quá lớn của những phiên bản Tam Quốc kinh điển.
Phan Bác Văn của Toutiao cho hay sức hút đầu tiên của các phiên bản cũ nằm ở việc kịch bản gần như bám sát hoàn toàn nguyên tác. Khán giả hài lòng với sự chân thật thay vì cách nhiều dòng phim khác "xào nấu" quá đà tình tiết, cốt truyện trong tác phẩm gốc.
Cùng với đó, sự xuất sắc của thế hệ nghệ sĩ gạo cội khiến hình tượng nhân vật trong Tam Quốc do họ thủ vai in sâu vào lòng công chúng. Nhắc đến Tào Tháo, khán giả xứ tỷ dân chắc chắn không quên sự sắc bén mà tài tử Bảo Quốc An từng tái hiện một cách thành công. Hay nói về Gia Cát Lượng, người yêu phim Tam Quốc sẽ nghĩ ngay về diễn xuất tài hoa của nam diễn viên Đường Quốc Cường khi hóa thân thành vị công thần nổi tiếng.
Bối cảnh, đạo cụ, trang phục và lời thoại trong những bộ phim Tam Quốc cũ mang đậm tính lịch sử, phù hợp với triều đại xưa. Đây là điều mà nhiều dự án mới cùng đề tài thường xuyên mắc lỗi.
Những phiên bản Tam Quốc cũ có ảnh hưởng sâu sắc trong lòng khán giả. |
"Xem phim Tam Quốc phiên bản cũ là một loại thưởng thức đẹp đẽ. Còn ở thời điểm hiện tại, xét về mặt bằng chung, phim Tam Quốc không đủ sức cạnh tranh với những thể loại khác.
Những phiên bản cũ từng ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người Trung Quốc. Vì thế việc vượt qua cái bóng quá lớn của 'đàn anh' không dễ, nhưng không phải không thể. Thời đại thay đổi, chúng ta cần nhìn về phía trước, thay vì cứ ngoảnh đầu lại. Thực tế, các nhà làm phim bây giờ có nhiều ưu thế hơn về kinh phí, kỹ xảo và truyền thông. Nền điện ảnh vẫn còn hy vọng về một ngày dòng phim lấy đề tài Tam Quốc hồi sinh, lần nữa chạm đỉnh vinh quang", nhà phê bình phim Lý Tinh Văn nhận định.