Trong chiến lược chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, một trong những biện pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch là xét nghiệm thần tốc để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Chia sẻ lý do phải thực hiện điều này, ngày 13/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đợt dịch thứ 4 này với biến thể Delta có khả năng lây lan rất nhanh và nhiều điểm khác biệt.
Thứ nhất, nồng độ virus trên dịch hầu họng cao gấp 1.000 lần so với biến thể trước. Thứ 2, biến thể Delta cũng có ái tính cao hơn với tế bào niêm mạc của đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới.
Ngoài ra, chỉ số tấn công - tỷ lệ lây nhiễm cho người khác - ở mức độ rất cao (một người có thể lây lên tới 9-10 người).
Thứ 4, khi phân lập virus trong phòng thí nghiệm để đánh giá chu kỳ lây nhiễm, sau 48 giờ có thể thấy lượng virus phát triển rất nhanh. Trên thực tiễn, với virus lần này, bệnh nhân có thể lây cho người khác mà không có xuất hiện triệu chứng.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã chỉ đạo với tất cả đơn vị triển khai xét nghiệm thần tốc để phát hiện ca nhiễm COVID-19 để từ đó cách ly, khoanh vùng, dập dịch, tránh để tình trạng phong toả hay giãn cách kéo dài trên diện rộng, kết hợp chăm sóc, điều trị, hỗ trợ ca nhiễm phù hợp.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Hà Nội. Ảnh: Đức Anh. |
Trước đó, tại cuộc làm việc với Hà Nội hôm 10/9, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh để giảm thời gian giãn cách thì phải sớm phát hiện các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách triệt để. Từ đó, địa phương mới nới lỏng dần dần việc giãn cách để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
"Bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng và bài học kinh nghiệm chống dịch của nước ta tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, quận 7, huyện Củ Chi của TP.HCM hay Khánh Hòa… Phải tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây lan", Bộ trưởng Y tế nói.
Trước một số ý kiến cho rằng Hà Nội thực hiện xét nghiệm 100% toàn dân sẽ lãng phí, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh muốn biết tất cả nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, bắt buộc phải thông qua xét nghiệm. Không có cách nào khác để chúng ta ngăn chặn phát hiện sớm nếu không xét nghiệm.
Trong đợt dịch thứ 4, Việt Nam đã thực hiện hơn 15,2 triệu mẫu xét nghiệm cho 44,2 triệu lượt người. Riêng ngày 13/9, cả nước thực hiện hơn 240.000 xét nghiệm cho hơn 770.000 lượt.