Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao ông Trump bỗng dưng nói tới 'weave'

Trước nhiều ý kiến cho rằng các bài phát biểu của cựu Tổng thống Donald Trump thường lạc đề và lan man, ông khẳng định luôn có một nghệ thuật kết nối những câu chuyện ông kể.

Cựu Tổng thống Donald Trump bảo vệ cách diễn thuyết của mình trong sự kiện ngày 30/8 ở Pennsylvania. Ảnh: New York Times.

Trong nhiều tuần, các cố vấn của cựu Tổng thống Donald J. Trump đã đề nghị ông cần kỷ luật hơn trong các bài phát biểu và ngừng lạc khỏi thông điệp chính. Tuy nhiên, khi phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Johnstown (Pennsylvania) vào ngày 30/8, ông Trump khẳng định cách diễn thuyết của bản thân không hề lan man hay lạc đề, đó là nghệ thuật hùng biện.

“Tôi nói chuyện theo phương pháp ‘weave’ (dệt)”, ông nói.

“Mọi người biết 'weave' là gì không? Điều đó có nghĩa là tôi sẽ nói về khoảng 9 điều khác nhau, nhưng tất cả những câu chuyện này đều có sự kết nối sâu sắc. Những người bạn là giáo sư tiếng Anh của tôi đã thừa nhận rằng đây là phương pháp ‘thông minh nhất’ họ từng thấy”, ông giải thích.

Nghệ thuật?

Khi được hỏi về những ví dụ của phương pháp hùng biện này, chiến dịch của ông Trump đã chia sẻ một đoạn video mà họ gọi là “lớp học bậc thầy về phương pháp weave”.

Đoạn video dài khoảng 4 phút ghi lại bài phát biểu của ông Trump tại một cuộc mít tinh ở Asheville vào tháng 8, trong đó ông nói về hóa đơn năng lượng, laptop của ông Hunter Biden (con trai Tổng thống Joe Biden), nhựa đường ở Venezuela, các viện tâm thần ở Caracas, tội phạm nhập cư, “trò lừa đảo xanh mới”, rồi đến Phó tổng thống Kamala Harris.

Bằng một cách nào đó, có lẽ mọi câu chuyện ông Trump đề cập đều quay về lý do ông nghĩ bản thân nên trở thành tổng thống một lần nữa.

“Không giống như bà Kamala Harris, người không thể kể nổi một câu hoàn chỉnh nếu không có máy nhắc chữ, Tổng thống Trump nói chuyện hàng giờ liền, kể nhiều câu chuyện ấn tượng cùng lúc”, bà Karoline Leavitt, phát ngôn viên của ông Trump, nói.

“Bà Harris không bao giờ có thể làm được như vậy”, bà Leavitt nói thêm.

cach dien thuyet cua trump anh 1

Nhiều ý kiến cho rằng các bài phát biểu của ông Trump thường lan man và lạc đề. Ảnh: New York Times.

Song chiến dịch của ông Trump không đề cập chính xác những giáo sư tiếng Anh nào đã khen ngợi phong cách diễn thuyết của cựu tổng thống.

“Tôi rất nghi ngờ việc ông Donald Trump có bất kỳ người bạn nào là giáo sư tiếng Anh”, ông Timothy O’Brien, người viết tiểu sử về ông Trump, cho biết.

“Điều này thực sự cho thấy rõ ông (Trump) nhận thức được những lời chỉ trích về việc ông luôn nói một mớ từ ngữ rời rạc, phi logic trước công chúng, và ông ấy đang cố vờ như có một chiến lược hay logic nào đó đằng sau lối diễn thuyết này, dù thực chất không hề có”, vị chuyên gia nói thêm.

Theo New York Times, chắc hẳn trong lịch sử có những nhà văn được ca ngợi vì khả năng kể chuyện lạc đề một cách khéo léo như William Shakespeare, Charles Dickens hay Larry David. Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Trump, thật khó để tìm ra cách giải thích nào có thể phân tích những bài phát biểu lan man của cựu tổng thống, từ cá mập bị điện giật, Hannibal Lecter ăn thịt người, đến cối xay gió và diễn viên hài Rosie O’Donnell.

“Hỗn loạn và phi lý”

Ông James Shapiro, giáo sư tiếng Anh tại Đại học Columbia và là học giả nổi tiếng về Shakespeare, đã suy ngẫm về việc ông Trump sử dụng từ “weave” như một khái niệm mới.

“Tôi đọc được bình luận của ông Trump rằng ông ấy đang áp dụng phương pháp ‘weave’. Tôi tin lời ông ấy, vì một trong những định nghĩa của từ 'weave' trong Từ điển tiếng Anh Oxford là ‘đi quanh co’”, ông Shapiro châm biếm.

Tác giả William Faulkner là một trong những người đầu tiên sử dụng phương pháp weave, chẳng hạn kiểu kể chuyện vòng vo như trong tác phẩm “Absalom, Absalom!”. Những tác giả áp dụng phương pháp này thường nhằm mục đích mô tả tâm lý bất ổn của nhân vật.

Ông Drew Lichtenberg, giảng viên Đại học Công giáo Mỹ và là nhà sản xuất tại Nhà hát Shakespeare ở Washington, cũng nhận định nếu phải so sánh giữa phong cách kể chuyện rời rạc của cựu Tổng thống Trump với những tác phẩm của nhà văn Shakespeare, chắc hẳn nó giống "cảnh điên loạn của Vua Lear ở thị trấn Dover”.

cach dien thuyet cua trump anh 2

Ông Trump không phải tổng thống đầu tiên bị chỉ trích vì phong cách hùng biện. Ảnh: New York Times.

Trong thế giới của những bài phát biểu chính trị được chuẩn bị kỹ càng, phong cách của ông Trump được người ủng hộ yêu mến. Họ thích thú với những khoảnh khắc vô thức của ông. Tuy nhiên, ông Trump dường như hơi nhạy cảm về phong cách nói chuyện của mình trong sự kiện ngày 30/8.

“Các bạn biết họ nói gì không? - ‘Ông ấy lảm nhảm’. Đó không phải là lảm nhảm”, ông Trump gay gắt đáp trả.

Ông Trump không phải tổng thống đầu tiên bị chỉ trích về phong cách hùng biện. Vào năm 1921, nhà báo H.L. Mencken từng chế giễu cách nói chuyện của cựu Tổng thống Warren G. Harding.

“Thật tồi tệ”, ông Mencken viết. “(Phong cách nói chuyện đó) như bò ra từ vực sâu của những ngôn từ vô nghĩa và điên cuồng trèo lên đỉnh cao nhất của sự tráng lệ. Đó là sự hỗn loạn và phi lý, là bịa đặt và vô nghĩa”.

Trong khi đó, ông Trump, người từng là tổng thống thứ 45 và đang tranh cử để trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, đã cố gắng giải thích thêm về kỹ thuật hùng biện của mình trong sự kiện ngày 30/8.

“Những gì bạn cần làm là dừng nói về chủ đề (chính), đề cập đến một chi tiết nhỏ khác. Sau đó, bạn quay lại với chủ đề chính, tiếp tục như vậy trong hai giờ và không phát âm sai một từ nào”, ông nói.

Video hiện trường vụ tiêu diệt nghi phạm ám sát hụt ông Trump Video từ camera bodycam mới được công bố hôm 23/7 cho thấy cảnh sát địa phương và nhân viên mật vụ Mỹ đứng trên mái nhà, hiện trường vụ tiêu diệt tay súng ám sát hụt ông Trump.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Tri Thức - Znews giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Hy vọng chót của ông Trump?

Khi chiến dịch của ông Trump không thể công kích bà Harris, các cố vấn dường như chỉ có thể hy vọng cựu tổng thống sẽ tận dụng được cuộc tranh luận vào ngày 10/9 để thay đổi tình thế.

Swifties 'đáp trả' ông Trump sau bức ảnh AI gây phản ứng dữ dội

Sau đăng tải sai sự thật của công Trump, hàng nghìn người hâm mộ Taylor Swift đang nỗ lực vận động bỏ phiếu và quyên góp cho chiến dịch của Phó tổng thống Kamala Harris.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm