Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt” ngày 26/8, ông Nguyễn Hoàng Anh, thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ, cho biết hiện Trung Quốc là một trong 5 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng áp đảo lên đến 76%.
Tuy nhiên, ông Hoàng Anh cho rằng tình hình sản xuất nông sản trong nước còn manh mún, tự phát dẫn đến có rất nhiều sản phẩm nhưng lại không chuyên môn hóa. Trong khi đó, hiện nhu cầu của thị trường Trung Quốc tập trung vào nông sản chất lượng cao sẽ khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.
Người Trung Quốc ăn khỏe nhưng không phải nông sản nào cũng mua
“Ẩm thực với người Trung Quốc rất quan trọng. Chúng tôi rất thích ăn, biết ăn và ăn rất khỏe. Tuy nhiên, người Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn của nông sản. Không phải vì đông dân nhất thế giới, nhu cầu nông sản, ẩm thực nhiều mà cái gì cũng có thể bán được cho Trung Quốc”, ông Vĩ Tích Thành - Tham tán Thương mại và kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, cho biết.
Nông sản xuất khẩu qua đường tiểu ngạch gặp nhiều rủi ro. |
Ông Thành cho rằng Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên nên nông sản có rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu. Thực tế, nhiều nông sản Việt như chuối, nhãn, sầu riêng, đặc biệt là thanh long, cá basa, tôm rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, đại diện Tổng Lãnh sự Trung Quốc cho rằng hiện nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch (biên mậu) là chính. Ngược lại, xuất khẩu chính ngạch còn rất ít.
“Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường áp dụng con đường tiểu ngạch. Các thương lái Trung Quốc khi đi thu mua cũng thường áp dụng hình thức này. Tiểu ngạch quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao. Hiện Trung Quốc rất quan trọng yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản”, ông nói.
Đồng tình ý kiến này, đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước cho hay yếu tố rủi ro bởi con đường xuất khẩu biên mậu sang Trung Quốc rất thường xảy ra.
Đơn cử, do không dự báo trước nhu cầu nông sản, nông dân sản xuất ồ ạt nhưng cuối cùng thương lái lại không thu mua. Hoặc khi có vấn đề về đơn hàng, chất lượng sản phẩm, gọi điện khiếu nại lại trong tình trạng “không liên lạc được”.
Các doanh nghiệp cho rằng, đây là một phần nguyên nhân của điệp khúc “được mùa mất giá” dẫn đến hàng loạt chiến dịch giải cứu nông sản gần đây tại nhiều địa phương.
Người Việt chưa hiểu thị trường Trung Quốc
Ngoài việc xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch, theo Tham tán Thương mại và Kinh tế của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, có nhiều nguyên nhân khiến nông sản Việt “gặp khó” ở thị trường nước này.
Đại diện Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN cho rằng nông sản Việt Nam hiện vẫn chưa đồng bộ về chất lượng, trong khi đó, Trung Quốc ngày càng yêu cầu cao về chất lượng nông sản nhập khẩu. |
Ông nói chất lượng nông sản không đồng đều khiến sức cạnh tranh không cao là một ví dụ. Điều này xuất phát từ việc có quá nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh khiến quy trình trồng trọt, chế biến, bảo quản không đồng bộ. Trong khi đó, “cuộc chơi lớn” về xuất nhập khẩu nông sản ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe khiến nông sản Việt “mất điểm” ở khoản này.
“Người Việt chưa hiểu về thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp chưa chủ động xem thị hiếu, nhu cầu của người dân Trung Quốc là gì để từ đó tập trung sản xuất. Ngược lại, chính các thương lái Trung Quốc đã đi tìm gặp nông dân để thu mua”, ông Thành nói.
Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN, ông Rocky Sun, bổ sung thêm, điểm yếu của nông sản Việt còn nằm ở ý thức thương hiệu và quảng bá cho thương hiệu, vì vậy, nông sản vẫn chưa gây được ấn tượng.
Ông Rocky Sun dẫn chứng quả kiwi từ New Zealand, cam Nam Phi và jerry Chile hiện là các mặt hàng nhập khẩu nông sản chất lượng cao tốt nhất tại Trung Quốc. Ông nói những quốc gia trên có quy trình nhập khẩu chính ngạch từng loại trái cây vào Trung Quốc rất bài bản với các ủy ban tiêu thụ, công ty xuất nhập khẩu quốc để thống nhất thương hiệu cho hàng nghìn nhà sản xuất khác nhau.
“Hiện nay, 99% thanh long tại Trung Quốc đều được nhập khẩu từ Việt Nam. Thế nhưng khâu truyền thông về thế mạnh của thanh long Việt Nam gần như không có. Gần đây, thanh long vào Trung Quốc mới có bao bì bắt mắt, tuy nhiên vẫn còn ít”, ông Rocky Sun nói.
Liên kết để làm lớn
Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn của nông sản Việt Nam và tìm đường xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nông nghiệp Việt Nam phải có sự thống nhất trong quy trình chọn giống, gieo trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ và quảng bá.
Phần lớn nông sản Việt Nam đều xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường biên mậu. |
Ông Rocky Sun nói thay vì việc sản xuất và thu mua nhỏ lẻ nên có vài thương nhân lớn đứng ra làm đầu mối để các quy trình này được thống nhất.
Đồng thời, nông nghiệp hiện nay phải là nông nghiệp số và công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn nông sản.
Trước tình hình xuất khẩu nông sản trong nước và các yêu cầu mới từ thị trường Trung Quốc, ông Ưng Thế Lãm, trưởng nhóm liên kết doanh nghiệp xuất khẩu củ quả DAA Việt Nam kiến nghị cần có chuỗi cung ứng các mô hình sản xuất trong nước.
Theo ông Lãm, chuỗi cung ứng này quản lý chặt chẽ quy trình đầu vào sản phẩm, xử lý đóng gói với các đối tượng chính là nông dân, hợp tác xã, công ty và đầu ra ở các cửa hàng, chợ truyền thống hay siêu thị. Trong đó, ông Lãm nhấn mạnh các khâu phải đồng bộ, phải được nhập số liệu truy nguyên và các chỉ số đánh giá chất lượng.
“Doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được nhưng cần phải có chuỗi liên kết này. Muốn làm lớn thì phải liên kết lớn. Mạnh ai nấy làm thì sẽ không thể nào mạnh được. Tuy nhiên, phải có sự phối hợp và hỗ trợ của tất cả cơ quan, ban ngành thì quy trình mới thực hiện được”, ông Lãm nhấn mạnh.
Đại diện Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ nhấn mạnh nông nghiệp trong nước không thể bỏ qua thị trường lớn mạnh gần kề là Trung Quốc. Ông cho rằng các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý các tiêu chuẩn của Trung Quốc về hồ sơ, thông tin nguồn gốc, quy trình sản xuất và sơ chế để không vi phạm.
“Nông sản vào Trung Quốc theo con đường biên mậu, tiểu ngạch khiến bị ép giá, đến khi có sự cố gọi không ai nghe sẽ là chuyện của quá khứ. Nông sản Việt cần tập trung vào con đường chính ngạch, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài”, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.