Hiện tại, mít tại Đồng Nai đã bước vào cuối vụ, số lượng quả trên cây không còn nhiều. Nông dân Nguyễn Văn Dữ (52 tuổi, ngụ ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), cho biết, vườn mít 1,4 ha của ông đã thu hoạch gần hết, chỉ còn khoảng 20 gốc có quả.
“Tôi bán cho các thương lái quen. Mít cuối vụ, lại gặp mưa nhiều nên chất lượng quả kém, không ngọt, người mua chọn lựa rất kỹ. Riêng những quả nhỏ, dị tật, ít múi được các hộ chăn nuôi trong vùng gom với giá 600-1.000 đồng/kg mang về làm thức ăn cho bò, dê”, ông Dữ cho biết.
Nông dân Nguyễn Văn Dữ chăm sóc mít. Ảnh: Ngọc An. |
Cũng theo ông Dữ, đối với quả đẹp, chất lượng cao thì giá thu mua 6.000-7.000 đồng/kg. Mức giá này bằng một nửa so với thời điểm đầu vụ.
Nông dân này cũng khẳng định, do chất lượng quả kém nên thương lái ép giá, không có chuyện người mua tẩy chay mít vì tin đồn tiêm hóa chất. "Khi thương lái đến mua, họ vào thẳng vườn kiểm tra và chọn những quả già, chín để hái. Mít chín ồ ạt, bán không hết thì nông dân tiêm hóa chất để làm gì?”, ông Dữ bức xúc.
Ông Nguyễn Duy Hiệp (ngụ ấp 1, xã Phú Ngọc) cho biết, mọi năm thời tiết thuận lợi, mít chất lượng tốt nên giá bán luôn ổn định ở mức trên 10.000 đồng/kg, cuối vụ luôn khan hàng, giá cao hơn. Nhưng năm nay, những vườn nào thu hoạch muộn thì coi như thất bại, vì mưa quá nhiều, chất lượng quả thấp, rất khó bán. Vụ này vườn mít 1,6 ha của nhà ông Hiệp cho thu hoạch gần 2 tấn quả nhưng bán chưa được 20 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư trên 30 triệu.
Theo chị Trần Thị Thanh, một thương lái chuyên thu mua mít tại huyện Định Quán, trước khi hái quả, chị luôn đến gặp và thương lượng giá cả, cách thu hoạch trực tiếp với chủ vườn. “Không hề có chuyện nhà vườn tiêm thuốc hay ủ thuốc kích thích quả nhanh chín. Trong vùng cũng không có tin người tiêu dùng tẩy chay mít vì hóa chất.
Mít già, hái mang về để vài ngày là chín đồng loạt, chúng tôi bán không hết thì sao phải tiêm hóa chất. Hơn nữa, mít non, dù có dùng cách nào ép chín múi mít cũng không thể ngọt, cơm dày, mềm và thơm được. Mít năm nay quá rẻ là do chất lượng. Loại quả đẹp đầu vụ giá bán vẫn tương đương các năm", chị Thanh cho biết.
Hiện tại, mít đang bước vào thời kì sinh trưởng thân và ra hoa cho vụ mới. Do giá cuối vụ rẻ nên những cây còn trái nhà vườn vẫn lặt bỏ, để chăm sóc, đầu tư vụ kế tiếp.
Ông Dương Hữu Nhạc, Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Ngọc, khẳng định, thông tin thương lái viện lý do nông dân tiêm hóa chất vào mít để ép giá là không đúng sự thật. “Giá mít ở mức 600-1.000 đồng/kg là loại mua cho gia súc ăn, chứ không phải loại đang bán trên thị trường", ông Nhạc khẳng định.
Cũng theo ông Nhạc, xã Phú Ngọc có 17 ha đất chuyên canh mít, trong đó có 12 ha đang cho thu hoạch.