Gắn bó với CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (Bình Dương) ngót nghét 20 năm, giúp công an tóm gọn 3.600 tội phạm, thế nhưng hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải vẫn viết đơn xin rời CLB.
Quyết định của anh không phải để bỏ nghề làm "Lục Vân Tiên" mà để được thoải mái hành hiệp trượng nghĩa, không phải theo bất kỳ quy chế nào.
Điều gì khiến những "hiệp sĩ đường phố" như Nguyễn Thanh Hải đam mê công việc này đến vậy?
"Ghét tội phạm"
Vốn là người kinh doanh vật liệu xây dựng ở đường Đại lộ Bình Dương, vào năm 1997, anh Hải thấy một công nhân bị cướp ngay trước cửa hàng nên lấy xe đuổi theo, hô hoán người dân phụ bắt.
Một lần khác, chính chiếc xe của anh đang đậu bị kẻ gian lấy mất, anh mượn xe của người đến giao vật liệu để truy đuổi rồi may mắn cũng tìm lại được. Vài lần bắt được thủ phạm, người đàn ông này tự nhiên thấy đam mê.
"Ai là người từng bị trộm cướp mới biết đau khổ chừng nào. Tiền mồ hôi nước mắt mình làm lụng bỏ ra mua xe, bị trộm cướp lấy mất thì xót lắm. Tôi ghét tội phạm vì vậy", hiệp sĩ này nói.
Anh Hải cũng không giải thích được "đam mê" này dù anh mô tả làm hiệp sĩ là "tự mang họa vào thân". Nhưng anh chỉ biết bản thân mình tự nguyện chọn nó và công việc này đã ăn sâu vào máu rồi.
Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Reuters. |
24 tuổi, Nguyễn Hoàng Nam cũng đã có hơn 1 năm theo anh Hải làm hiệp sĩ. Cậu trai với vẻ ngoài đen nhẻm luôn miệng khẳng định công việc đang làm là đam mê.
Nam kể trước khi xin anh Hải vào đội, cậu đi làm công nhân ở công ty nhưng cũng có đôi lần lấy xe máy phụ người dân truy đuổi cướp. Sau đó, Nam lên mạng coi những clip của anh Hải cùng anh em hiệp sĩ bắt tội phạm, thấy thích nên ngỏ ý xin theo.
Thời gian đầu, mẹ cậu ra sức phản đối khi con trai chọn công việc nguy hiểm. Thế nhưng, sau đó thấy con thật sự yêu thích công việc, bà dần chấp nhận.
"Nhiều khi thấy bà con đi đường bị tụi cướp nó giật cho té xe, em thấy tội lắm. Em làm công việc này chỉ vì muốn giúp người dân để đừng có bị cướp mất tài sản nữa. Em thích giúp người", Nam nói và khẳng định sẽ làm hiệp sĩ cho đến khi nào "hết sức lực" thì thôi.
Anh Lê Chí Trung (42 tuổi) cũng là một hiệp sĩ ở Bình Dương. Anh kể lên mạng xem anh Nguyễn Thanh Hải giúp dân nhiều nên mến mộ, cộng với tình hình an ninh trộm cắp nhiều quá nên muốn góp chút sức, chung tay với anh Hải giúp đỡ bà con.
Mới đầu anh cũng bị vợ con ngăn cản, phản đối vì theo việc nguy hiểm, bỏ bê công chuyện nhà nhưng theo lời anh thì "mưa dầm thấm lâu", gia đình không còn cản nữa.
Nhóm có mười mấy người, những anh em không phải đi làm thì mỗi ngày đều tập trung từ sáng sớm, nhận báo án từ người dân, đến khoảng 9-10h sáng thì bắt đầu lên xe tuần tra, tìm kiếm manh mối. Có khi giữa đêm đang ngủ nhận được cuộc gọi báo mất tài sản gấp cũng dậy phóng xe đi.
Trước khi anh Hải viết đơn xin rời CLB thì mười mấy anh em theo anh, không có ai có tên trong CLB Phòng chống tội phạm, toàn bộ đều hoạt động tự do. Anh Trung thừa nhận việc không được ghi nhận một cách chính thức, không được cung cấp công cụ hỗ trợ nhưng "cứ giúp được dân cái gì thì mừng cái đó".
"Chọn công việc này thì xác định nguy hiểm rồi, giờ ngồi đây chớ lát lỡ mà truy đuổi cướp bị gì thì mình cũng tự chịu thôi, xe hư cũng tự sửa. Nhưng mà cũng chỉ biết ráng làm sao kiếm lại tài sản cho bà con", anh Trung bày tỏ.
"Không có tiền bạc gì hết"
Trong các cuộc gọi đến cho anh Hải được bật loa ngoài, có người đề nghị được hỗ trợ chi phí cho anh cùng anh em hiệp sĩ, câu trả lời của anh Hải là: "Hiệp sĩ giúp thôi chớ không có tiền bạc gì hết".
Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, Chủ nhiệm CLB Phòng chống tội phạm) cho biết mỗi tháng, CLB hỗ trợ xăng xe cho các anh em trong CLB để đi tuần tra. Mỗi khi các anh em hiệp sĩ hoàn thành tốt công việc, bắt được nhiều vụ thì nhận được khen thưởng.
Anh Hải kể thêm là được cho 60 lít xăng/tháng, nhưng riêng anh chạy xe một ngày đã tốn 5 lít, chưa kể còn mười mấy anh em khác.
"Làm cái này là tôi bỏ tiền túi ra", anh Hải nói.
Anh Hải cùng các anh em hiệp sĩ truy đuổi và tóm gọn tội phạm. |
Thấy phóng viên nhiều lần tỏ vẻ hoài nghi về việc các hiệp sĩ không nhận báo đáp từ các nạn nhân, cũng không nhận hay xin tài trợ từ tổ chức, cá nhân nào ngoại trừ nước suối để uống, anh Hải cười: "Không tin phải không? Tôi đâu có xin tiền ai. Vậy mà anh em cũng tự nguyện theo".
Theo lời anh, gia đình có cửa hàng vật liệu xây dựng, cộng thêm việc anh có mặt bằng để cho các cửa hàng lớn thuê nên mang lại thu nhập, đủ để trang trải hoạt động cùng anh em. Đơn cử như một người nghe, nhận điện thoại báo án cũng được anh trả công 6 triệu đồng/tháng.
"Anh Hải lo hết, từ xăng, dầu đến ăn uống cho mười mấy người", anh Trung nói như để khẳng định cho việc các anh em hiệp sĩ trong nhóm anh Hải đều tự thân vận động.
Cũng như anh Hải hay anh Trung, Nam cũng thừa nhận công việc này "không mang lại thu nhập cho em và mẹ".
"Nhiều khi cũng có người nói hiệp sĩ nhận tiền hay gì đó, nhưng quả thật tụi em làm không công. Mới đầu nghe điều tiếng thì cũng buồn, nhưng nghe riết cũng quen. Mình cứ bỏ ngoài tai để giúp xã hội chứ không có vì lời đó mà bỏ công việc đang làm được", cậu hiệp sĩ 24 tuổi trải lòng.
Hãng tin Reuters từng viết về "hiệp sĩ đường phố" ở TP.HCM và Bình Dương: "'Hiệp sĩ đường phố' không phải là những chiến binh thời trung cổ điển hình mà mọi người biết đến. Họ không cưỡi ngựa mà lái xe máy. Họ mang dép tông, không phải những đôi bốt cao cổ. 'Áo giáp' của họ chỉ là một chiếc áo gió".
Những người như anh Hải, Trung, Nam, có lẽ họ sẽ vẫn sẽ đi xe máy, mang dép tông và có khi còn không khoác áo gió để theo đuổi công việc mà như anh Hải mượn thơ của Nguyễn Du là "đã mang lấy nghiệp vào thân".