Việc những người giàu có trên thế giới nói lời tạm biệt với quê hương và tìm nơi cư trú khác nhằm bảo vệ sự giàu có của mình đang gia tăng. Những nước là điểm đến phổ biến như cộng hòa Síp, Tây Ban Nha và Úc có các chương trình cấp quốc tịch hoặc cấp phép cư trú vĩnh viễn cho những ai có khả năng chi trả.
Hiện nay, chương trình đầu tư nhập cư đang được áp dụng tại khoảng 20 nước trên thế giới, bao gồm Mỹ, châu Âu và các đảo quốc trong vùng biển Caribbean. Một số quốc gia vẫn còn đang khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính cũng đang chuẩn bị áp dụng chương trình này, nhằm tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế của họ.
Một chiếc hộ chiếu có thể đảm bảo tài sản và những quyền lợi liên quan cho nhiều người, dù sự thông thoáng chỉ diễn ra với tầng lớp siêu giàu của xã hội. |
Trong khi có những người có thể duy trì quốc tịch gốc, một số người đến từ những nước không cho phép mang hai quốc tịch thì phải thay đổi hộ chiếu của họ về quốc tịch mới. Những năm gần đây có nhiều quốc gia áp dụng chính sách đầu tư nhập cư nhắm vào đối tượng là những người giàu có, theo báo cáo của Arton Capital, công ty đã khuyên các chính phủ và cá nhân nên xem xét chương trình này.
“Cũng như việc đầu tư thuần túy, các chương trình như vậy rất hấp dẫn đối với những cá nhân siêu giàu. Đó là bởi vì chương trình khá hợp lý đối với những người siêu giàu. Giá trị của các khoản đầu tư được yêu cầu từ 500.000 USD đến vài triệu USD, và khoản tiền trên “thường chỉ là một phần rất nhỏ so với giá trị tài sản của họ”, ông Mykolas Rambus, Tổng giám đốc Wealth-X nói.
Ví dụ như Bulgaria yêu cầu nhà đầu tư phải mua trái phiếu chính phủ trị giá 700.000 USD và nắm giữ suốt 5 năm, trong khi đó St.Kitts & Nevis ở vùng biển Caribbean yêu cầu phải đầu tư 400.000 USD vào bất động sản hay ngành công nghiệp sản xuất đường quốc gia. Những quốc gia khác yêu cầu mua sắm những tài sản khổng lồ, hoặc gửi vài triệu USD vào ngân hàng trong nước, hoặc đầu tư và các dự án hỗ trợ tạo việc làm.
Một thập kỷ trước, chỉ có một số ít chương trình như vậy tồn tại. Ngày nay, khi các nước mới tham gia vào cuộc đua, khoảng hơn 20.000 người giàu có đang gấp rút xin nhập cư mỗi năm, thường là với hi vọng bảo vệ tài sản của họ. Thuế thu nhập thấp hơn cũng là một nguyên nhân, ngoài ra, một số người giàu đang tìm cách để tránh thuế thừa kế. Trong ba thập kỷ tới, con cháu của những người siêu giàu sẽ thừa hưởng hơn 16.000 tỷ USD.
Armand Arton, chủ tịch Arton Capital nhận định, việc tiếp cận với một nền giáo dục tốt hơn, mong muốn thoát khỏi sự bất ổn chính trị, đi lại miễn thị thực đến nhiều nước hơn hoặc muốn sống ở nơi có tiêu chuẩn sống cao hơn, cũng là những nguyên nhân phổ biến khiến những người giàu quyết định xin nhập cư ở quốc gia khác.
Thậm chí, có những người tỏ ra rất mánh khóe khi đăng ký nhiều quốc tịch hoặc cư trú vĩnh viễn ở nhiều quốc gia để tránh thuế. Họ có thể “ở một vài ngày nơi này, một vài ngày khác ở nơi khác - và nếu như họ có thể di chuyển vòng quanh như vậy, không bao giờ ở đâu đó đủ lâu, họ sẽ không bị áp thuế thu nhập bắt buộc”, David Kuenzi, người sáng lập công ty tư vấn đầu tư Thun Financial cho biết.
Hầu hết các nhà đầu tư nhập cư đến từ các quốc gia Trung Đông, tiếp đó là Ấn Độ và Trung Quốc. Châu Âu vẫn là điểm đến phổ biến nhất, theo đó là các quốc đảo ở vùng biển Caribean - nơi người dân không bị áp thuế thu nhập cá nhân, thuế đầu tư hay thuế thừa kế. Trong khi hai nơi trên khá phổ biến đối với các nhà đầu tư từ Trung Đông, người Trung Quốc dường như vẫn trung thành với giấc mơ Mỹ của mình, Arton nói.
Chương trình của Mỹ cũng khá hấp dẫn khi cấp cho nhà đầu tư nhập cư thẻ xanh, một lựa chọn thay thế tốt hơn cho người Trung Quốc khi họ bị cấm có hai quốc tịch. Thực tế, Trung Quốc chiếm đến 80% trong tổng số những nhà đầu tư nhập cư trong chương trình nhà đầu tư nhập cư ở Mỹ - theo báo cáo phân tích dữ liệu về nước Mỹ do CNNMoney phân tích.