Hồi tháng 5/2018, hàng nghìn người chen nhau theo dõi cựu tay đua nổi tiếng David Coulthard biểu diễn kỹ thuật cùng chiếc siêu xe của đội Red Bull ở khu đô thị thuộc quận 2 (TP.HCM).
Giải F1 nổi tiếng đã có bước đầu "chào sân" ở Việt Nam. Việc đăng cai chặng đua F1 được cho là có khả năng thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, quảng bá hình ảnh xinh đẹp của đất nước với bạn bè trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, việc tổ chức một chặng của F1 phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Người hâm mộ theo dõi chiếc siêu xe biểu diễn tại TP.HCM hồi tháng 5. Ảnh: Nguyên Trí. |
Nhiều quốc gia tháo chạy khỏi F1
"Không ai biết khi nào nước Đức mới tổ chức lại một chặng đua F1 nữa", nhà báo Andrew Benson, chuyên gia về đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) từng cảm thán trong bài viết trên BBC vào tháng 3/2015. Điều tương tự xảy ra với nước Pháp, nơi những chặng đua đầu tiên được diễn ra.
Nước Đức, quê hương của hai huyền thoại F1 Michael Schumacher, 7 lần vô địch thế giới, và Sebastian Vettel, 4 lần vô địch thế giới, từng hai lần hủy kế hoạch tổ chức các chặng đua vào mùa 2015 và 2017. Trước đó, chặng đua ở Đức từng biến mất trong lịch trình một năm thi đấu là vào năm 1955.
Tiếng nói lịch sử không còn trọng lượng nữa. Theo Benson, người Đức không còn mặn mà với F1 nữa. Mỗi năm, hai trường đua Nurburgring và Hockenheim luân phiên tổ chức các chặng đua. Khi Nurburgring không thể "gồng gánh" thêm, Hockenheim được tin rằng sẽ chiếm lĩnh thị trường.
Những hàng ghế trống trên khán đài tại chặng đua German Grand Prix. |
Sự thật là người Đức nhận được lại không như vậy. Ban tổ chức chặng đua Hockenheim gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả. Ở các chặng đua thử, nhiều hàng ghế trống xuất hiện. Năm 2014, trong ngày thi đấu chính thức, BBC thống kê chỉ có 50.000 khán giả tới trường đua.
Nước Đức có lịch sử đua xe F1 rất tự hào. Họ có Michael Schumacher lẫy lừng, sau này sở hữu thêm Sebastian Vettel và Nico Rosberg tài năng. Cuối cùng, điều đó vẫn không giúp quốc gia này duy trì liên tục chặng đua F1. Theo BBC, chi phí để tổ chức sự kiện này quá cao.
Năm 2017, Malaysia chính thức rút lui khỏi làng F1 sau khi đã đăng cai chặng đua từ năm 1999. Khi đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak giải thích tình trạng vé ế ẩm, lượng người xem thưa thớt đã dẫn đến quyết định "đóng cửa" trường đua Sepang International Circuit (SIC).
Theo Express, chi phí để tổ chức chặng đua Malaysia Grand Prix mỗi năm khoảng hơn 50 triệu USD. Trong khi, nguồn thu - không được tiết lộ - lại tỷ lệ nghịch với số tiền ban tổ chức bỏ ra.
Ngoài ra, môn F1 với khán giả châu Á đang dần rơi vào tình trạng bão hòa vì có nhiều chặng đua diễn ra.
Malaysia với chặng Malaysia Grand Prix đã rút lui khỏi F1 từ năm 2017. |
"Khi quyết định tổ chức chặng đua F1, ý tưởng rất tuyệt vời. Sau Nhật Bản, Malaysia trở thành quốc gia thứ hai của châu lục tổ chức sự kiện hấp dẫn này. Nhưng rồi theo thời gian, giải F1 liên tiếp chứng kiến nhiều chặng đua khác ra đời", cựu Thủ tướng Najib Razak nói.
Châu Á mỗi năm thường được chứng kiến từ 3 chặng đua trở lên, với Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản đăng cai bộ môn thể thao tốc độ. Theo Reuters, nguyên nhân khiến Malaysia rút lui khỏi F1 nằm ở vấn đề tài chính khi đơn vị hậu thuẫn cho chặng đua là tập đoàn dầu khí Petronas làm ăn thua lỗ.
Tốn bao nhiêu để tổ chức một chặng đua F1?
Tổng chi phí chắc chắn không hề rẻ. Để xây một trường đua, kinh phí theo Raconteur lên tới 270 triệu USD. Chưa kể đến phí đăng cai. Hàng năm, Malaysia được tin rằng chi 50 triệu USD trở lên để duy trì chặng đua. Đó là con số thực sự khổng lồ với những quốc gia Đông Nam Á.
Trang Formula Money có bản kê khai chi tiết hơn về kinh phí tổ chức chặng đua trên đường phố, theo đó cần đến 16 triệu USD để trả lương nhân sự và chi phí marketing, tổ chức. Một chặng đua cần 600 nhân viên để vận hành, chưa kể 120 lính cứu hỏa và 550 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ.
Xây một trường đua F1 sẽ tốn khoảng 270 triệu USD, chưa tính chi phí đăng cai mỗi năm. |
Số tiền tiếp theo là xây dựng khán đài đủ chỗ cho hàng chục nghìn người xem trực tiếp vào khoảng 14 triệu USD. Để đảm bảo đường đua dài 3,2 dặm (5,15 km) cần thiết lập hàng rào và rào chắn tốn kém 8 triệu USD, trong khi cần thêm 8 triệu USD để thuê các tòa nhà xung quanh để làm pit-stop (trạm sửa chữa).
Xe cộ, văn phòng và các tiện ích liên quan ngốn khoảng 6 triệu USD. Khoảng 4,5 triệu USD cho các chi phí liên quan khác, như cần cẩu và khoảng 350 bình chữa cháy đặt ở mỗi 15 m đường đua, và 1 triệu USD là số tiền để mua bảo hiểm.
Như vậy, chi phí vận hành của một chặng đua F1 trên đường phố công cộng rơi vào khoảng 57,5 triệu USD.
Hợp đồng đăng cai một chặng đua F1 thường có thời hạn từ 7-10 năm. Như vậy, con số ước tính để Việt Nam có thể chứng kiến những Sebastian Vettel, Lewis Hamilton, Daniel Ricciardo, Fernando Alonso, Valtteri Bottas..., tranh tài trên đường phố có thể lên tới hơn nửa tỷ USD.
Singapore Grand Prix là chặng đua thu hút được đông đảo người xem tại Đông Nam Á. |
Năm ngoái, nhiều nhà báo phân tích đưa chặng đua F1 tới Việt Nam như canh bạc mạo hiểm. Ông Chase Carey, giám đốc điều hành F1, không đồng ý để Việt Nam tổ chức một chặng đua F1 với lý do "thiếu kinh nghiệm tổ chức", kể cả khi có thể phải kham được 400 triệu USD chi phí tổ chức.
Còn theo Independent, một bản hợp đồng trị giá 530 triệu USD đã được Việt Nam đặt lên bàn đàm phán để thuyết phục "ông trùm" Ecclestone phê duyệt cho đăng cai một chặng đua F1 trong thời hạn 10 năm. Tuy nhiên, người đàn ông quyền lực một thời của giải đua xe danh giá nhất hành tinh vẫn từ chối.
"Việt Nam không có lịch sử tổ chức những chặng đua F1. Vì vậy, tôi không muốn tạo ra thêm những sự kiện ở cùng một nơi mà giải đấu đã tổ chức rất tốt trong quá khứ (đề cập đến Malaysia và Singapore)", ông Ecclestone nói.