Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao nhiều nước khó thực hiện 'sống chung với dịch'?

Giới chức nhiều nước đang chủ trương "sống chung với đại dịch Covid-19". Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng vẫn còn quá sớm để áp dụng cách tiếp cận này, theo New York Times.

song chung Covid-19 anh 1

Mười tám tháng sau khi dịch Covid-19 bùng phát, giới chức nhiều nước ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ đang khuyến khích người dân hướng tới nhịp sống “bình thường mới”. Khẩu hiệu “sống chung với đại dịch” ngày càng trở nên phổ biến.

Chính phủ Anh đã dỡ bỏ gần như toàn bộ quy định giãn cách xã hội. Giới chức Đức cho phép những người đã tiêm vaccine đi du lịch mà không cần kiểm tra dịch tễ. Việc đeo khẩu trang nơi công cộng không còn là quy định bắt buộc ở Italy. Các trung tâm mua sắm ở Singapore vẫn mở cửa.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để thiết kế các chiến lược nhằm thoát khỏi đại dịch, theo bài viết trên New York Times.

"Gờ giảm tốc" trên đường chống dịch

Sự xuất hiện của những biến chủng có khả năng lây nhiễm cao đồng nghĩa với việc ngay cả các quốc gia phát triển với lượng vaccine dồi dào vẫn có thể bị đe dọa.

Do đó, các nhà lãnh đạo bắt đầu chấp nhận rằng quy định giãn cách xã hội là một phần thiết yếu trong quá trình đẩy lùi đại dịch, theo New York Times.

“Người dân cần được thông báo rằng chúng ta sẽ ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới. Đó là một phần của kế hoạch, chúng ta phải chấp nhận điều đó”, giáo sư Dale Fisher thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), người đứng đầu Ủy ban Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia thuộc Bộ Y tế Singapore, nói.

Vào tháng 6, các nhà lập pháp Singapore đã công bố kế hoạch dỡ bỏ dần những quy định hạn chế và vạch ra lộ trình hướng tới trạng thái “bình thường mới”.

Theo đó, giới chức nước này chuyển sự tập trung từ xác định số ca nhiễm mới mỗi ngày sang kiểm soát “số bệnh nhân nguy kịch, số người phải điều trị đặc biệt, bao nhiêu người phải tiếp khí thở”.

song chung Covid-19 anh 2

Số ca mắc Covid-19 tại Singapore tăng trở lại vào giữa tháng 7. Ảnh: Bloomberg.

Giữa tháng 7, giới chức Singapore lại phải siết chặt một số quy định giãn cách xã hội sau khi nước này ghi nhận hai cụm dịch ở các phòng karaoke và cảng cá Lâm Thố.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Singapore Gan Kim Yong cho biết kế hoạch chống dịch của nước này vẫn đang đi đúng hướng. Ông so sánh quyết định thắt chặt các quy định hạn chế chỉ là “gờ giảm tốc” trên con đường hướng tới mục tiêu cuối cùng.

Theo New York Times, Singapore xem Israel là hình mẫu về chống dịch. Quốc gia Trung Đông chủ yếu tập trung vào các bệnh nhân Covid-19 chuyển biến nguy kịch. Chiến lược này được giới chức Israel gọi là “khống chế mềm mỏng”.

Dù khoảng 58% dân số Israel đã được tiêm chủng, nước này đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng về số ca dương tính với SARS-CoV-2.

Vào giữa tháng 7, mỗi ngày Israel ghi nhận hàng trăm ca mắc Covid-19 mới, buộc chính phủ nước này phải tái áp dụng quy định đeo khẩu trang trong văn phòng và cửa hàng.

Không thể xem Covid-19 như cúm mùa

Nhà dịch tễ học Michael Baker thuộc Đại học Otago ở New Zealand cho rằng việc gấp rút mở cửa trở lại của một số quốc gia đang đe dọa tính mạng của những người chưa tiêm vaccine.

Người dân New Zealand có vẻ đã chấp nhận thực tế rằng các quy định giãn cách xã hội sẽ được áp dụng trong thời gian dài. Trong một cuộc khảo sát trên 1.800 người ở New Zealand, 90% tham gia trả lời hiểu rằng họ sẽ không trở lại nhịp sống bình thường ngay sau khi tiêm vaccine.

Thủ tướng Jacinda Ardern hồi đầu tháng 7 thẳng thừng từ chối đề xuất sống chung với dịch và cho rằng mức độ tử vong dự kiến mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra là "không thể chấp nhận được".

Khi công bố việc mở cửa nước Anh, ông Johnson cho biết Anh có thể phải đối mặt với 50.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày trong vòng 2 tuần, và “chúng ta phải chấp nhận với số ca tử vong tăng lên”.

Các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu kỹ về hàng trăm nghìn trường hợp mắc “Covid-19 mạn tính”. Giới khoa học cho rằng Covid-19 không nên được điều trị như cảm cúm vì virus corona nguy hiểm hơn virus cúm mùa gấp nhiều lần.

Phần lớn các nước đang phát triển hiện phải đối mặt với những đợt bùng dịch mới, làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chủng mới và thúc đẩy sự lây lan của virus. Theo Our World in Data, hiện mới chỉ 1% dân số của các nước thu nhập thấp được tiêm một mũi vaccine ngừa Covid-19.

Bên cạnh đó, thời gian miễn dịch và mức độ hiệu quả của các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện vẫn là dấu hỏi cho ngành y tế thế giới, theo New York Times.

song chung Covid-19 anh 3

Vaccine không phải là "kim bài miễn tử" trước Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tại Mỹ, một trong những quốc gia có nguồn vaccine dồi dào, chính quyền các bang không nhất quán trong việc áp dụng quy định giãn cách xã hội.

Một số bang như California và New York có tỷ lệ tiêm chủng cao song vẫn yêu cầu những người chưa tiêm vaccine phải đeo khẩu trang. Trong khi đó, các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Alabama và Idaho không bắt buộc người dân đeo khẩu trang.

Tại Australia, một số nhà lập pháp cho rằng nước này đã đến “ngã ba đường” trên hành trình chống dịch. Giờ đây, họ cần chọn giữa duy trì các hạn chế chặt chẽ và trường kỳ hay học cách sống chung với dịch bệnh.

Giới chức Australia nói rằng nước này có thể phải tiếp bước phần lớn thế giới và từ bỏ lối tiếp cận “không lây nhiễm” mà họ đang áp dụng.

Thủ hiến New South Wales Gladys Berejiklian lập tức phản bác đề xuất “sống chung với Covid-19”. Bà nói: “Không có tiểu bang hay đất nước nào có thể sống chung với biến chủng Delta khi tỷ lệ tiêm vaccine ở mức quá thấp”.

Hiện chỉ khoảng 11% công dân Australia trên 16 tuổi được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19.

Cuộc sống đang trở lại ở nhiều nơi

Ở những nơi đã triển khai chương trình tiêm chủng một cách hiệu quả, đơn cử như châu Âu, các nhà lãnh đạo đánh cược vào lượng vaccine mà họ đã triển khai và xem đây là “tấm vé thông hành” đưa đất nước của họ ra khỏi đại dịch.

Công dân Đức đã tiêm chủng đầy đủ có thể dùng bữa trong nhà hàng mà không cần xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Họ thậm chí được phép đi du lịch mà không cần tham gia cách ly trong 14 ngày.

Tại Italy, người dân chỉ bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. “Các con của tôi cứ trêu chọc tôi”, bà Marina Castro, sống ở Rome, kể lại. “Chúng bảo tôi đã tiêm chủng rồi thì không cần đeo khẩu trang, nhưng tôi quen với việc này rồi”.

Ngày 19/7, chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson đã dỡ bỏ hầu hết quy định giãn cách xã hội bất chấp sự gia tăng của các trường hợp nhiễm biến chủng Delta, đặc biệt là ở người trẻ.

song chung Covid-19 anh 4

Người Anh ăn mừng đất nước dỡ bỏ giãn cách xã hội. Ảnh: VCG.

Ở Singapore, nơi số ca mắc Covid-19 mới lập đỉnh trong hai ngày liên tiếp 18-19/7, giới chức y tế cho biết lượng bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 có thể tiếp tục tăng trong phần còn lại của tháng 7.

Đợt bùng phát tại Singapore có vẻ đã được khống chế song chính quyền quốc đảo sư tử dường như chưa có kế hoạch tái mở cửa trong tương lai gần, tờ New York Times nhận định.

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung phát biểu: “Chúng tôi mang lại cho người dân rằng đất nước đang đạt được những tiến bộ trong công tác chống dịch, thay vì khiến mọi người trông chờ vào một ngày mở cửa chớp nhoáng và mọi thứ trở nên điên cuồng”.

Được tiêm xong vaccine, cụ ông Mỹ tự tay chăm con cháu mắc Covid-19

Vaccine chứng tỏ hiệu quả đáng kể trong giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19 đến nhóm người cao tuổi ở Mỹ, từ đó họ có thể tiếp tục hỗ trợ cộng đồng chống dịch.

WHO: Thế giới bước vào làn sóng Covid-19 mới

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của một làn sóng dịch mới.

Biến chủng Delta chiếm hơn 80% ca mắc Covid-19 ở Mỹ

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết biến chủng Delta hiện chiếm khoảng 83% các trường hợp mắc Covid-19 ở nước này.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm