Người dân cần cảnh giác với các số điện thoại lạ gọi đến. Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết. |
Lo sợ liên quan đến các vụ án
Mới đây, ông L.Đ.L. (62 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) nhận cuộc gọi, đầu dây tự xưng là Công an TP Thủ Đức thông báo ông có giấy triệu tập của TAND TP Đà Nẵng vì liên quan đến vụ án ma túy. Sau đó, người này nối máy cho ông L. với Công an TP Đà Nẵng để làm việc.
Qua cuộc gọi video, một người đàn ông mặc sắc phục yêu cầu ông L. tải ứng dụng trên Google Play để theo dõi danh sách truy nã, lệnh bắt tạm giam. Ông tải ứng dụng, đăng nhập thấy tên mình kèm số điện thoại, địa chỉ nhà, trong danh sách "tội phạm truy nã".
Rồi ông L. được kết nối Zalo và làm việc với rất nhiều người tự xưng là Công an TP Đà Nẵng, Bộ Công an để hướng dẫn giúp đỡ, giải oan.
Sau đó, ông L. đã thực hiện tất toán 5 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng theo hướng dẫn của nhóm "công an" để xác minh. Đây cũng là số tiền ông bị chiếm đoạt.
Gần đây nhất, một đại gia 71 tuổi ở TP.HCM liên tiếp nhận cuộc gọi của một số người tự xưng Thiếu tướng Công an. Khi làm theo hướng dẫn của những đối tượng giả danh này, vị đại gia mất gần 15 tỷ đồng.
Còn ở Hà Nội, có giáo sư 83 tuổi mất 750 triệu sau chuỗi ngày bị "khống chế" tâm lý qua điện thoại.
Vậy điều gì khiến các giáo sư, đại gia, người lớn tuổi ... sập "bẫy" lừa đảo qua mạng? Luật sư, chuyên gia tội phạm học Trương Ngọc Liêu – Công ty luật TAT Law Firm lý giải về vấn đề này.
Chuyên gia tội phạm học, luật sư Trương Ngọc Liêu lưu ý một số tình tiết để tránh bị lừa đảo. Ảnh: Ngô Thảo. |
Người dân cần vững tin
Luật sư Trương Ngọc Liêu cho biết “qua thông tin báo chí, tôi cho rằng phần lớn các nạn nhân bị sập bẫy bằng thủ đoạn đối tượng giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, viện kiểm sát...
Theo đó, đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện thoại cho nạn nhân bằng các đầu số đã chuyển đổi giống với số điện thoại của cơ quan chức năng. Sau đó, chúng thông tin rằng nạn nhân có hành vi vi phạm pháp luật như: Nhận hối lộ, trốn thuế, rửa tiền, buôn lậu... đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.
Không chỉ có vậy, chúng còn làm giả các lệnh bắt, quyết định khởi tố của cơ quan công an, viện kiểm sát… để đe dọa, đánh vào tâm lý lo sợ, đẩy nạn nhân vào trạng thái hoảng loạn.
Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân muốn chứng minh không phạm tội, phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng tạo lập mới, để phục vụ công tác điều tra, chứng minh trong sạch.
Tâm lý chung đều nghĩ tiền nạp vào tài khoản ngân hàng mới của chính mình, do đó các nạn nhân thường chuyển hết tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo hướng dẫn.
Nếu không đủ, nạn nhân sẽ vay mượn thêm của người thân, bạn bè. Sau đó, các đối tượng lừa đảo sẽ gửi cho nạn nhân đường link để tải app với giao diện có logo huy hiệu của công an, viện kiểm sát, cơ quan thuế... và yêu cầu họ cài đặt ứng dụng để hoàn tất quá trình xác minh, điều tra.
Khi làm theo, các nạn nhân sẽ bị mất quyền truy cập vào ứng dụng ngân hàng, toàn bộ tiền của họ bị chuyển đến số tài khoản khác.
Như vậy, qua các vụ việc nêu trên có thể thấy, nhiều nạn nhân dù là giáo sư, đại gia, người có tuổi vẫn bị chiếm đoạt tiền không phải vì thiếu hiểu biết pháp luật mà là do hoảng sợ.
Từ đó, luật sư Trương Ngọc Liêu khuyến cáo: “Để đối phó với những thủ đoạn lừa đảo này, ngoài việc luôn đề cao cảnh giác, thì việc giữ bình tĩnh, tránh sợ hãi là việc rất quan trọng".
Đặc biệt, phải luôn tuân thủ tuyệt đối pháp luật, tránh làm những điều sai phạm dẫn đến bị các đối tượng lừa đảo nắm thóp, hoặc lo sợ vì “có tật giật mình” bị tội phạm đánh trúng tâm lý.