Nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách đưa nhân sự lẫn trụ sở tại châu Á ra khỏi Trung Quốc và hướng tầm nhìn đến các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore.
Tháo chạy
Theo New York Times, hồi tháng 8/2014, General Motors đã chuyển bộ phận quốc tế của tập đoàn này sang Singapore. Theo sau General Motors, công ty nông nghiệp Archer Daniels Midland, Tập đoàn IBM... cũng tiến hành các bước tương tự nhằm đưa nhân sự và cơ sở hạ tầng ra khỏi Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia bắt đầu chú ý đến Đông Nam Á, khu vực cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng kinh tế châu Á.
Khách tham quan chụp hình các bộ phận của mẫu xe Buick trưng bày ở triển lãm xe hơi quốc tế Bắc Kinh vào tháng 4/2014. Doanh nghiệp nước ngoài rất sợ nạn ăn cắp bản quyền tại Trung Quốc. |
Cựu phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler, hiện đang là Giám đốc của Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, cũng cho biết ngày càng có nhiều công ty muốn đưa các trụ sở ra khỏi Trung Quốc đại lục và hướng đến Đông Nam Á.
Tập đoàn Archer Daniels Midland đã xây dựng một đội ngũ lớn ở Thượng Hải và mua lại các nhà máy nông nghiệp của Trung Quốc. Hiện tại ưu tiên hàng đầu của công ty này tại châu Á là phát triển mô hình tương tự tại các thị trường đang lên như Indonesia và Việt Nam. Theo New York Times, nhiều công ty Mỹ từng đổ xô mở trụ sở ở Thượng Hải cách đây một thập kỷ nay đang cảm thấy đó là một quyết định sai lầm.
Họ đối phó với Chính phủ Trung Quốc bằng cách chuyển trụ sở khu vực châu Á sang nước khác, mà điểm đến lý tưởng nhất là Singapore. Singapore chỉ cách Jakarta (thủ đô Indonesia) và TP.HCM của Việt Nam - hai nền kinh tế tiềm năng - hai giờ bay.
Hơn nữa luật thuế ở Singapore tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh quốc tế, cũng như việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong thương mại quốc tế. “Các công ty nước ngoài đưa trụ sở về Singapore là do họ thấy nhiều cơ hội ở các nước đang phát triển khác ngoài Trung Quốc” - Keat Chuan Yeoh, giám đốc Hội đồng phát triển kinh tế Singapore, cho biết.
Các công ty phương Tây cho biết, việc thuyết phục các nhà quản lý tài năng làm việc tại Singapore dễ hơn rất nhiều so với việc yêu cầu họ đến Thượng Hải - nơi thường hay bị ảnh hưởng bởi các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Hơn nữa, sự căng thẳng chính trị, thương mại với các nước mà Bắc Kinh tạo ra từ các tuyên bố chủ quyền vô lý trên biển Đông cũng là nguyên do khiến các công ty nước ngoài lo ngại đặt trụ sở khu vực châu Á tại Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, mặc dù việc dịch chuyển nhân sự và trụ sở ra khỏi Trung Quốc hiện tại chưa rầm rộ, nhưng đây vẫn là một tín hiệu cho thấy các công ty đa quốc gia đang hướng tầm nhìn về các nước Đông Nam Á. Nhiều công ty đa quốc gia cũng thấp thỏm khi chính quyền Bắc Kinh phát động cuộc chiến chống độc quyền nhằm vào ngành dược, công nghệ, sản xuất ôtô, sữa bột trẻ em...
Không chỉ đối mặt với các mức phạt từ hàng triệu USD đến vài chục triệu USD, các tập đoàn này còn vô cùng lo lắng khi đứng trước nguy cơ lộ bí mật kinh doanh. Cơ quan điều tra Trung Quốc gây bức xúc cho các tập đoàn nước ngoài khi sao chép một lượng lớn các ổ cứng của công ty và liên tục thẩm vấn các nhân viên của công ty.
Theo AFP, Mercedes-Benz cho biết các nhân viên điều tra chống độc quyền của Trung Quốc xông vào văn phòng Mercedes-Benz ở Thượng Hải, chất vấn nhân viên và kiểm tra máy tính của văn phòng này. Các dữ liệu kinh doanh của công ty này cũng bị khai thác triệt để.
Báo New York Times dẫn lời tổng giám đốc của một tập đoàn nước ngoài cho biết nhiều công ty nhận thấy nếu họ đặt trụ sở khu vực châu Á tại Trung Quốc, các bí mật công nghệ của họ có thể bị đánh cắp và các sáng chế của họ sẽ bị khai thác.
Đầu tư nước ngoài sụt giảm
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phủ nhận chiến dịch chống độc quyền là chủ ý nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Lý, các công ty nước ngoài chỉ chiếm 10% trong tổng số các doanh nghiệp vi phạm luật chống độc quyền tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các giải thích của thủ tướng Trung Quốc không thuyết phục được nhiều công ty nước ngoài.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 7/2014 giảm gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bảy tháng đầu năm 2014, đầu tư từ Nhật Bản giảm 45,4% xuống còn 2,83 tỷ USD, từ Liên minh châu Âu (EU) giảm 17,5% xuống còn 3,83 tỷ USD và Mỹ giảm 17,4% xuống còn 1,81 tỷ USD.
Dù vậy, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương phủ nhận các chiến dịch chống độc quyền là nguyên do khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp đổ vào Trung Quốc giảm mạnh.