Khoảnh khắc đoàn thể thao Nhật Bản bước ra sân vận động trong lễ khai mạc Olympic Tokyo hôm 23/7, vận động viên cao lớn hơn tất cả đồng đội còn lại là Rui Hachimura, ngôi sao bóng rổ sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, hiện thi đấu tại giải NBA ở Mỹ và cũng là người dẫn đầu đoàn thể thao nước chủ nhà.
Hachimura năm nay 23 tuổi. Vận động viên này có mẹ là người Nhật Bản, cha là người Benin.
Tại một đất nước nổi tiếng coi trọng tính thuần nhất về chủng tộc, cầu thủ đang chơi cho câu lạc bộ Washington Wizards là đại diện cho một thế hệ vận động viên mới đa dạng về sắc tộc.
Những vận động viên Nhật "khác biệt"
Ít nhất 35 thành viên trong tổng số 583 vận động viên đoàn thể thao Olympic Nhật Bản là người đa chủng tộc. Họ là những ứng cử viên giành huy chương ở những bộ môn như tennis, judo, boxing, đua thuyền.
Ngoài Hachimura, một vận động viên đa chủng tộc khác của Nhật Bản cũng có thành tích nổi bật là Naomi Osaka, nhà vô địch quần vợt thế giới có cha là người Mỹ gốc Haiti, mẹ là người Nhật Bản.
Osaka cũng là người thắp sáng ngọn đuốc Olympic trong lễ khai mạc.
Với việc sử dụng hai vận động viên đa chủng tộc trong những vai trò nổi bật tại lễ khai mạc, Nhật Bản cho thấy nước này sẵn sàng thể hiện một diện mạo mới, đa chủng tộc, trước bạn bè thế giới.
Ngôi sao bóng rổ Rui Hachimura cầm cờ dẫn đầu đoàn thể thao Nhật Bản tại lễ khai mạc Olympic. Ảnh: Reuters. |
Ở Nhật Bản, tiếng tăm của cả Osaka và Hachimura đều đã được khẳng định. Nhà sản xuất mỳ ăn liền Nissin danh tiếng sử dụng hình ảnh của hai vận động viên này trên sản phẩm của họ.
Nhưng dù đang tìm nhiều cách tôn vinh thành tựu của những vận động viên có một nửa dòng máu là người Nhật, nước này vẫn đang phải đối mặt với tâm lý bài ngoại, trong một xã hội mà tư tưởng dân tộc vẫn gắn chặt với yếu tố sắc tộc.
"Mọi người xung quanh khi nhìn tôi đều sẽ phải tự đặt câu hỏi thế nào là một người Nhật Bản", Sewon Okazawa, võ sĩ quyền anh có mẹ là người Nhật, cha là người Ghana, cho biết.
Số vận động viên đa chủng tộc lớn hơn xuất hiện trong đoàn Olympic năm nay cho thấy cách Nhật Bản đang phải dần mở cửa với làn sóng người nhập cư bất chấp truyền thống biệt lập, trong bối cảnh dân số nước này già đi nhanh chóng.
Hiện nay, khoảng 1/50 trẻ em mới sinh có bố hoặc mẹ là người nước ngoài, theo thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản.
"Họ là một nhóm người Nhật Bản mới. Chúng tôi giờ đã có người Nhật da đen, da nâu, tóc vàng", Edward Sumoto, một người Nhật lai Venezuela, cho biết.
Vẫn còn định kiến nặng nề
Trong suốt hàng trăm năm, khái niệm có một người Nhật trong hình dáng của người nước ngoài là điều khó có thể tưởng tượng.
Nhật Bản từng duy trì chế độ bế quan tỏa cảng nghiêm ngặt nhất thế giới suốt thời gian thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Gần như mọi người Nhật bị cấm xuất cảnh, trong khi người nước ngoài bị cấm đặt chân vào đất nước.
Tại Nhật Bản, có một hệ thống phân cấp bất thành văn, người có làn da sáng màu có vị thế cao hơn làn da tối màu. Người Nhật có làn da ngăm đen, hoặc có cha mẹ từ các nước Đông Á khác, sẽ chịu sự bất công, bắt nạt.
Võ sĩ quyền anh Okazawa sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản cùng bà ngoại. Okazawa chưa từng đặt chân tới quê hương Ghana của cha, và không nói được tiếng Anh. Võ sĩ này cho biết từng được tuyển vào đội quyền anh của trường trung học bởi có ngoại hình giống với các võ sĩ nước ngoài.
Võ sĩ quyền anh Okazawa. Ảnh: New York Times. |
"Đôi lúc tôi quên mất mình là người da đen. Nhưng mỗi khi nhìn bản thân trong gương, tôi nhận thấy mình trông không giống người Nhật", Okazawa nói.
Ngành thể thao Nhật Bản tôn vinh thành tích của các vận động viên đa chủng tộc. Nhưng chiến thắng của những vận động viên này lại thường bị gắn với những ưu thế về thể hình như phản ứng nhanh nhạy, sức mạnh thể chất.
"Nếu là một người lai, mọi người sẽ thường so sánh những thành tích thể thao với ưu thế về di truyền", ông Sumoto cho biết.
Trong văn hóa đại chúng Nhật Bản, người Nhật da đen thường bị gắn với những ngành nghề như vận động viên, rapper hay người mẫu.
Hồi tháng 5, cầu thủ bóng rổ Hachimura tiết lộ trên Twitter bản thân từng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc "gần như mỗi ngày".
Hachimura chỉ bắt đầu học tiếng Anh khi theo học tại Đại học Gonzaga, bang Washington của Mỹ năm 2016. Cũng giống như khi còn ở Nhật Bản, không nhiều người Mỹ coi Hachimura là một người Nhật, dù cầu thủ này giờ đã rất nổi tiếng.
Khoảng cách thông điệp và thực tại
Olympic Tokyo là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước Nhật Bản đa dạng, cởi mở, quốc tế.
Năm 2013, khi cạnh tranh giành quyền đăng cai sự kiện, Nhật Bản sử dụng Christel Takigawa, nữ phát thanh viên lai Pháp, làm đại diện trước Ủy ban Olympic Quốc tế.
Takigawa miêu tả Tokyo là mảnh đất hiếu khách, thân thiện. Nữ phát thanh viên cho biết cô hy vọng Olympic sẽ giúp thành phố trở nên "quốc tế hơn".
Một trong những thông điệp của Olympic Tokyo là "đoàn kết dựa trên sự đa dạng", được thắp sáng bởi hàng trăm thiết bị bay không người lái trong lễ khai mạc.
Nhưng nếu so với các quốc gia phương Tây khác, Tokyo vẫn khá "bảo thủ". Chỉ khoảng 4% cư dân Tokyo sinh ra bên ngoài Nhật Bản. Trên cả nước, con số này chỉ là 2%. Trong khi đó, hơn 35% dân số ở London và New York sinh ra ở nước ngoài.
Marie Nakagawa, một cựu người mẫu Nhật Bản lai Senegal, cho biết cô từng cảm thấy như "người ngoài hành tinh" suốt những năm tuổi trưởng thành. Ngay cả hiện nay, Nakagawa vẫn đôi khi đối mặt những tình huống bị xúc phạm vì chủng tộc.
Tay vợt Naomi Osaka thắp sáng ngọn đuốc Olympic. Ảnh: Reuters. |
"Tôi nghe nhiều chuyên gia nói suốt ngày rằng tình hình đã cải thiện từ khi có Naomi Osaka, nhưng những kẻ bắt nạt thì vẫn như vậy. Họ đâu có được cải tạo lại", Nakagawa nói.
Năm 2019, tay vợt Osaka chiến thắng giải Grand Slam thứ hai tại Australia Open. Hãng mỳ Nissin đưa hình ảnh của nữ vận động viên trên sản phẩm quảng cáo, nhưng lại sử dụng một khuôn mặt với làn da nhợt nhạt và mái tóc đen. Nissin sau đó đối mặt cáo buộc "tẩy trắng" nữ vận động viên da màu.
"Rõ ràng tôi có làn da rám nắng", Osaka phản ứng lại sản phẩm của Nissin. Hãng mỳ sau đó phải xin lỗi và rút lại hình ảnh quảng cáo.
Takishi Fujiwara, vận động viên điền kinh nội dung 400 m, lớn lên ở El Salvador. Mẹ của Fujiwara là người El Salvador, bố là người Nhật. Năm 2013, vận động viên này trở về Nhật Bản và thi đấu dưới màu cờ quê hương của cha mình. Nhưng Fujiwara cũng phải trải qua thời gian đầu đầy sóng gió.
"Khi tới Nhật Bản, tôi nghĩ mình trở về nhà. Nhưng họ lại hỏi, ông bạn từ đâu đến đây vậy? Giờ thì mọi thứ đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất lâu những người Nhật đa chủng tộc mới được coi là bình thường", Fujiwara nói.