Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao nhà tập thể cũ ở Hà Nội chưa bao giờ mất giá?

Cũ kỹ, nguy cơ mất an toàn chỗ để xe…là khuyết điểm rõ nhất của nhà tập thể cũ. Bù lại, giá rẻ, có thể mua được diện tích nhỏ, giá trị phát sinh lợi nhuận cao, hạ tầng xã hội tốt.

Có rất nhiều quan điểm phân tích, thậm chí "mổ xẻ" về nhà tập thể chung cư cũ, hay cảnh "sống mòn" của cư dân tại những block, khối nhà cằn cỗi bậc nhất Thủ đô. Về góc độ thị trường hay an sinh, nhà tập thể cũ thực sự chưa bao giờ mất giá, bất chấp không ít lời kêu than phát đi từ chính các chủ nhân căn hộ.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Đây là tâm thế chung của những chủ nhân căn hộ tập thể cũ trước sự vận động như vũ bão của thị trường nhà ở. Theo vợ chồng anh Nam, hiện đang sinh sống cùng bố mẹ chồng trong căn tập thể tại khu vực Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), do nhu cầu tiện sinh hoạt, nên anh cố gắng thuyết phục đấng sinh thành rao bán căn hộ tập thể diện tích sử dụng gần 80m2 (trên sổ đỏ là 35m2) rồi lấy tiền mua nhà chung cư mới xây. Tuy nhiên, là cán bộ Nhà nước từ hồi bao cấp, "các cụ" không đồng ý, với quan điểm: căn hộ là minh chứng cho cống hiến cả đời cho đất nước nên…không được bán.

Giá rẻ, có thể mua được diện tích nhỏ (dưới 15-30m2), giá trị phát sinh lợi nhuận đáng kỳ vọng, hạ tầng xã hội tốt tạo nên sức hút cốt lõi cho tập thể cũ.
Giá rẻ, có thể mua được diện tích nhỏ (dưới 15-30m2), giá trị phát sinh lợi nhuận đáng kỳ vọng, hạ tầng xã hội tốt tạo nên sức hút cốt lõi cho tập thể cũ.

Cũng như vậy, chị Hoa, ngụ tại căn tập thể sau Học viện Thủy Lợi chia sẻ, bố mẹ và hai vợ chồng chị sinh hoạt trong căn hộ tầng 1 này đã gần 2 năm. Do được cơi nới thêm, diện tích sử dụng lên tới 75m2, nên 4 nhân khẩu sống thoải mái.

Nhưng do chuẩn bị sinh con nhỏ, cần thêm không gian riêng tư, gia đình chị họp bàn chuyện bán nhà để mua căn hộ chung cư tại một dự án trên trục đường Trường Chinh. Bất chấp thực tế nhà cửa xập xệ, tường và cầu thang nứt, chật chội nóng bức vào mùa hè, hai bậc cao niên trong gia đình "phủ quyết" đề xuất của con cái.

Lý do, căn cùng tầng, cùng diện tích như nhà chị bán thời điểm năm… 2012 với giá hơn 3 tỷ đồng. Vì vậy, nếu không được giá (chí ít cũng phải ngang - 3 tỷ đồng), thì không có chuyện bán nhà (!). Còn về chuyện sinh hoạt, vợ chồng trẻ có thể chủ động thuê chung cư… Thêm nữa, ý kiến "quyết không bán" của các gia chủ (thường là người đã về hưu hoặc cao niên) còn dựa trên niềm hy vọng vào chủ trương cải tạo, xây dựng lại các chung cư tập thể cũ trên địa bàn của TP.Hà Nội.

Trong một số trường hợp như đã nêu, các "đại gia đình" đang dần nghiêng về phương án "vẹn cả đôi đường". Cụ thể, với các căn tiện kinh doanh (tầng 1), cho thuê lại với giá khoảng 11-14 triệu đồng/tháng. Đồng thời, cả nhà đi thuê căn chung cư 2-3 phòng ngủ để sinh sống.

"Cái khó ló cái khôn"

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời, vì không gian sinh hoạt riêng tư vẫn bị lệ thuộc. Thêm nữa, với những cặp vợ chồng trẻ có "tố chất" kinh doanh, khả năng bị "âm" tài chính hoàn toàn có thể xảy ra, thay vì tích cóp được chút tiền từ cho thuê nhà tập thể cũ làm cơ sở kinh doanh.

Trong chuyện an cư, người cần nhà chẳng bao giờ quên cân đối tài chính. Mua, sở hữu và có chốn sinh hoạt hợp pháp, hợp túi tiền đòi hỏi phấn đấu làm việc, tích góp trong thời gian dài. Chung cư thương mại giá bình dân vẫn thiếu (cả chất lẫn lượng), và yếu (pháp lý nhiều dự án còn bất cập). Nhà thổ cư thì… "đắt xắt ra miếng". Còn lại món hàng nhà tập thể cũ, chính là "đáp số" của hàng nghìn lao động ngụ cư tại Thủ đô.

Ngay cả với những người làm việc ngoài Nhà nước và có nhiều nguồn phụ thu (không ổn định), hành trình tìm và mua bán trọn vẹn một căn tập thể cũ cũng chẳng dễ dàng. Muốn gần trung tâm, điện, đường, trường, trạm đầy đủ, tiện đi làm, học tập, giá rẻ (với tầm tiền nửa tỷ đồng), nhiều cặp vợ chồng trẻ đã rất năng động khi săn tìm những căn hộ tập thể cũ đã tách diện tích. Nổi lên trong "rổ hàng hóa", là các khu Thành Công, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Minh Khai - Quỳnh Lôi, Mai Dịch…

Ở nhà tập thể cũ, đồng nghĩa với nhiều điều "không": Không phí dịch vụ, không lo động đất, hỏa hoạn (thấp tầng, dễ thoát hiểm khi xảy sự cố!); đương nhiên, không thể "mất cảnh giác" vì chất lượng công trình đã hết "đát" từ lâu. Bù lại, với người trẻ có "máu kinh doanh": không sợ nhà mất giá trị kinh tế với hy vọng đoán chắc về chủ trương cải tạo, xây lại tập thể cũ của thành phố. Ngoài ra, hoàn toàn có thể tận dụng làm cơ sở kinh doanh hàng mỹ phẩm qua mạng tại nhà, cải thiện nguồn thu nhập.

Thực tế, rất nhiều chủ nhân căn hộ tập thể cũ liên tục rao bán 1/2 diện tích căn hộ đang sở hữu (20 - dưới 30m2) do nhu cầu chuyển chỗ ở mới hoặc cần tiền vì mục đích cá nhân.

Về góc độ thị trường, với số tiền 500-600 triệu đồng, nhiều người (đã có nhà ở) cho rằng khoản tài chính đó có thể mua căn hộ chung cư thương mại giá "mềm" ở một số địa bàn như Xa La, hay thậm chí là NƠXH ở Đặng Xá, Phạm Văn Đồng…

Nhưng tiền chênh mua suất căn hộ, thủ tục xác nhận và đăng ký mua NƠXH tưởng dễ mà không dễ, cộng thêm việc phải trả nợ ngân hàng "đến hẹn lại lên", xa trung tâm, ít tiện ích… đang đẩy người thu nhập thấp chưa có nhà về "cuối chân tường".

http://thoibaokinhdoanh.vn/ho-so/chuyen-nha-tap-the-cu-khoang-troi-rieng-cua-dia-oc.html

Theo Đông Hưng/ Thời báo Kinh doanh

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm