Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao người Trung Quốc khó chịu với siêu anh hùng Shang-Chi?

Giống như Lý Tiểu Long, cảm hứng sáng tác của nhân vật, Shang-Chi là một biểu tượng mang cả nét phương Đông và phương Tây.

Cuối tháng tám, Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings dần trở thành tâm điểm của làng phim thế giới. Tác phẩm do Destin Daniel Cretton đạo diễn sẽ công chiếu vào đầu tháng 9, nhưng chiếu ra mắt từ ngày 16/8 ở Los Angeles (Mỹ). Những đánh giá đầu tiên về phim đa phần là tích cực, với lời khen dành cho cốt truyện, cảnh hành động và diễn xuất của Simu Liu (Lưu Tư Mộ).

Trong suốt quá trình sản xuất phim, Disney, hay chủ tịch Marvel Studios - Kevin Feige, nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của dự án. Shang-Chi được xem là mảnh ghép quan trọng trong giai đoạn 4 của Marvel, đồng thời tạo sức hút với khán giả châu Á. Ở trung tâm của tác phẩm là một người hùng đặc biệt trong lịch sử truyện tranh Marvel, ra đời từ năm 1973 trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, khán giả không mặn mà với siêu anh hùng Shang-Chi.

Niềm cảm hứng từ Lý Tiểu Long

Vào cuối năm 1972, Marvel Comics muốn chuyển thể truyện tranh loạt phim Kung Fu. Kế hoạch không thành do series thuộc quyền sở hữu của hãng Warner Communications, chủ của DC Comics. Marvel chuyển hướng, sáng tạo một nhân vật mới có ngoại hình gợi nhớ siêu sao võ thuật Lý Tiểu Long. Như một định mệnh, tập truyện đầu tiên về Shang-Chi ra mắt vào tháng 12/1973, năm tháng sau khi huyền thoại họ Lý qua đời.

Shang-Chi anh 1

Simu Liu (trái) và đạo diễn Destin Daniel Cretton ở buổi ra mắt phim. Ảnh: Marvel.

Ở phiên bản gốc, Shang-Chi được mô tả là một người thường có năng lực võ thuật tuyệt luân. Anh dành cả đời để nghiên cứu kung fu, trở thành một trong những phàm nhân mạnh nhất. Shang-Chi từng đánh bại nhiều kẻ có siêu năng lực, khiến Ares phải ca ngợi rằng anh là một trong số ít người phàm có thể cầm chân được thần linh. Cách mô tả nhân vật này cho thấy sự kính trọng của các tác giả Marvel dành cho võ thuật châu Á.

Theo Roy Thomas, người kế nhiệm Stan Lee ở Marvel, Shang-Chi không chỉ giống ngoại hình, mà còn phải tạo cảm giác liên tưởng đến Lý Tiểu Long. Ngôi sao võ thuật lúc đó đang ở đỉnh cao danh vọng với một loạt phim vào thập niên 1960 và 1970. Những vai diễn của anh đã khơi gợi cho người Âu Mỹ niềm đam mê lớn với võ thuật phương Đông.

Paul Gulacy, họa sĩ từng vẽ một số tập về Shang-Chi, giải thích: “Điều tôi làm vào lúc đó là mang Bruce Lee (Lý Tiểu Long) trở lại theo cách nào đó. Khi Bruce chết, tôi cảm thấy bộ truyện Master of Kung Fu là cách duy nhất thích hợp để mô tả một người kiểu như ông ấy - đó là cách tôi nhìn nhận Shang-Chi”. Ông sử dụng nhân vật như cách tôn vinh di sản của Lý Tiểu Long, người được xem bộ mặt của võ thuật khi đó.

Shang-Chi cũng là người hùng yêu thích của Stan Lee. Vào thập niên 1980, người đứng đầu Marvel Comics lên kế hoạch một loạt phim về nhân vật này, với Brandon Lee (con trai Lý Tiểu Long) đóng chính. Stan thậm chí đã liên hệ với gia đình siêu sao võ thuật để bàn bạc, nhưng cuối cùng không thể thực hiện dự án.

Sự pha trộn phật lòng khán giả Trung Quốc

Shang-Chi anh 2

Chân dung Shang-Chi trong truyện tranh gợi nhớ Lý Tiểu Long. Ảnh: Marvel.

Cũng như Lý Tiểu Long, Shang-Chi là cầu nối của văn hóa Đông Tây. Ngôi sao họ Lý sinh ra ở Hong Kong, nhưng trải qua thời gian dài sống ở Mỹ. Ông học triết học ở Đại học Washington, dạy võ cho nhiều người Mỹ trước khi đóng phim. Có thể nói, Lý Tiểu Long hiểu biết về cả tinh túy của văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Sự am hiểu của Lý về Hollywood đã khiến ông nhanh chóng thành công và trở thành một ngôi sao điện ảnh.

Shang-Chi là một nhân vật châu Á nhưng được các tác giả phương Tây nhào nặn. Với đặc thù của truyện tranh Marvel, anh “sống” qua nhiều thập niên, được viết bởi nhiều tác giả. Shang-Chi cũng tham gia vào nhiều sự kiện lớn trong truyện tranh, trở thành một phần của thế giới siêu anh hùng của truyện tranh Mỹ.

Ý tưởng về sự kết nối văn hóa được Marvel Studios thể hiện xuyên suốt dự án điện ảnh. Chủ tịch Kevin Feige yêu cầu diễn viên đóng chính phải có gốc Hoa để đúng xuất thân nhân vật. Simu Liu được chọn sau vòng tuyển diễn viên khắt khe, với hình dung về một thanh niên Á Đông khỏe mạnh, có khí chất võ thuật. Ngoài ra, những gương mặt khác như Lương Triều Vỹ, Awkwafina hay Dương Tử Quỳnh đảm bảo độ “châu Á” trong tác phẩm.

Shang-Chi anh 3

Lương Triều Vỹ trong vai cha của Shang-Chi.

Tuy nhiên, Shang-Chi vẫn là một phim của Disney, nằm trong cùng Vũ trụ Điện ảnh Marvel của các nhân vật như Captain America hay Spider-Man. Trong trailer, các nhân vật vẫn nói tiếng Anh. Phong cách của tác phẩm có lẽ sẽ gần với các phim trước đó của Marvel hơn là một bộ phim võ thuật Trung Hoa. Chắc chắn khi sản xuất dự án này, Marvel có ý muốn tái lập thành công như Black Panther, bộ phim đã thu hơn một tỷ USD với nhân vật chính từ châu Phi.

Nhưng sự pha trộn này không phải công thức tuyệt đối để đảm bảo thành công. Một ví dụ là dự án kinh phí lớn Mulan cũng của Disney. Bộ phim này ra mắt trên nền tảng trực tuyến Disney+ nên khó tính thành bại phòng vé theo cách thông thường. Song, phản ứng của người Trung Quốc với Mulan khá tệ, qua điểm số chỉ 4,9 (trên 10) trên trang Douban. Crazy Rich Asians (2018), bộ phim hiện tượng phòng vé Mỹ kể về giới siêu giàu châu Á, từng ế ẩm đến bất ngờ ở Trung Quốc.

Điểm chung của hai tác phẩm này là những người châu Á thật sự sống ở châu Á không thấy mình trong chúng. Thị trường khổng lồ của Trung Quốc vài năm qua ngày càng hướng về những tác phẩm nội địa, được viết và đạo diễn bởi chính người nước này.

Thành công khổng lồ của bộ phim Hi, Mom (Xin chào, Lý Hoán Anh), với 822 triệu USD đầu năm nay, là minh chứng cho điều này. Người Trung Quốc đang dè chừng và không mấy mặn mà với những bộ phim về chính họ nhưng được làm qua lăng kính người Âu Mỹ. Họ càng không tin vào hình tượng siêu anh hùng Trung Quốc do Marvel xây dựng.

Shang-Chi hiện vẫn chưa có lịch phát hành ở Trung Quốc. Theo báo giới Âu Mỹ, bộ phim làm phật lòng khán giả nước này vì kẻ phản diện Phúc Mãn Châu (trong nguyên tác truyện tranh) mang tính kỳ thị chủng tộc. Dù Kevin Feige đã khẳng định phim sẽ thay đổi một số yếu tố từ nguyên tác để phù hợp hơn với quan điểm ngày nay, thành công của Shang-Chi vẫn còn bỏ ngỏ. Ngoài chất lượng hành động, diễn xuất, cách thể hiện người châu Á trên màn ảnh chắc chắn sẽ rất được quan tâm khi phim ra mắt.

Sung Kang: 'Tôi trở lại vì khán giả yêu cầu sự công bằng cho Han' Nam diễn viên Sung Kang, thủ vai Han Lue trong loạt "Fast & Furious", chia sẻ cảm xúc khi trở lại với thương hiệu tốc độ sau nhiều năm.

'The Green Knight' và cái giá của sự ngay thẳng

“The Green Knight” cải biên bài thơ cổ thành hai tiếng điện ảnh đẹp mắt với ngụ ngôn giản đơn về danh dự con người.


Phượng Hoàng

Bạn có thể quan tâm