Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi vừa gửi báo cáo giải trình về vụ tai nạn giao thông khiến nạn nhân nguy kịch, người dân gọi 115 không nghe máy.
Theo đơn giải trình, thời điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông tối 17/4, tại khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi có sáu điều dưỡng và hai bác sĩ trực. Họ dồn sức cấp cứu 5 bệnh nhân vừa nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch. Trong số này có một cụ già ở xã Tịnh Châu (TP Quảng Ngãi) bị tai nạn lòi ruột, mất nhiều máu cần cấp cứu khẩn cấp.
Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: T.P. |
"Ca trực ở khoa cấp cứu luôn áp lực, căng thẳng. Nếu cùng lúc bệnh nhân cấp cứu nhiều và nặng, phải chạy đua với thời gian, không còn thời gian để làm việc gì khác, kể cả nghe điện thoại cấp cứu", một bác sĩ phân trần.
Bác sĩ Huỳnh Giới, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, cho biết thêm lâu nay đầu số 115 được đặt tại phòng cấp cứu của bệnh viện tỉnh. Các điều dưỡng tại khoa cấp cứu thay nhau trực số điện thoại 115.
Khi có yêu cầu hỗ trợ, bác sĩ và y tá lên đường. Có khi cùng lúc nhận hai cuộc điện thoại cấp cứu, nếu 2 bác sĩ cùng 2 điều dưỡng ra hiện trường, khoa hết bác sĩ trực. Khi có bệnh nhân nhập viện, thân nhân gia đình thấy khoa cấp cứu không có bác sĩ lại phàn nàn, kêu ca.
"Một kíp trực vừa phải xử lý cấp cứu nội viện lẫn ngoại viện như hiện tại gây ra nhiều áp lực đối với các y, bác sĩ, dẫn đến tình trạng giải quyết công việc không xuể. Thực tế Trung tâm cấp cứu độc lập ở Quảng Ngãi chưa thành lập nên khi người dân gặp tai nạn khắp nơi, các cuộc gọi 115 đều đổ dồn về Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi nên quá tải, không thể kham nổi", ông Giới nói.
Sau khi gọi tổng đài 115 bất thành, gia đình chuyển nạn nhân qua xe cấp cứu của bệnh viện tư nhân. Ảnh: T.T. |
Hiện một kíp trực cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi kéo dài 12 tiếng, gồm 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng. Trung bình mỗi ngày đêm, phòng cấp cứu phải tiếp nhận và cấp cứu cho khoảng 120 bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân này trong tình trạng nguy hiểm và cần được chăm sóc y tế nhanh chóng, kịp thời.
Trước tình hình này, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi kiến nghị Sở Y tế khẩn cấp thành lập Trung tâm cấp cứu 115 kết nối với mạng lưới cấp cứu ở các bệnh viện tuyến huyện, thành phố nhằm kịp thời cứu người gặp nạn theo từng địa bàn.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cũng nêu rõ quan điểm không thể để y, bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện nhận trách nhiệm cấp cứu ngoại viện. Tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập đội cấp cứu chuyên biệt túc trực như các tỉnh thành khác, đảm bảo việc cấp cứu cho bệnh nhân nội viện lẫn ngoại viện thông suốt.
Trước đó, khoảng 19h ngày 17/4, tài xế ôtô 16 chỗ tông anh Nguyễn Thanh Vũ (18 tuổi, ngụ Nghệ An) chạy ngược chiều nguy kịch trên đường Hoàng Sa (TP Quảng Ngãi). Chứng kiến vụ tai nạn, người dân nhiều lần gọi vào đầu số cấp cứu 115, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, đề nghị hỗ trợ nhưng không ai nghe máy. Người đi đường phải sử dụng xe cá nhân đưa bệnh nhân đi cấp cứu nhưng anh Vũ đã tử vong sau khi đến bệnh viện.
Chiều 20/4, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) gửi văn bản yêu cầu Sở Y tế Quảng Ngãi khẩn trương xác minh vụ thanh niên gặp tai nạn nguy kịch nhưng người dân gọi 115 không ai nghe máy và báo cáo về cơ quan này trước ngày 22/4.
Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh và xử lý sai phạm (nếu có) của các tập thể, cá nhân có liên quan.