Vì sao Ngân hàng Nhà nước đặt mức giá sàn của vàng cao?
Mức giá sàn rất cao trong phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên diễn ra hôm qua khiến cho nhiều người bất ngờ. Vì sao Ngân hàng Nhà nước lại đưa mức giá này?
Hôm qua, phiên đấu thầu vàng miếng công khai của Ngân hàng Nhà nước kết thúc mà chỉ có 2/21 đơn vị trúng thầu với số lượng 20 lô (2.000 lượng). Mức giá sàn Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 43,81 triệu đồng/lượng cao hơn nhiều so với giá doanh nghiệp bán ra, trong vòng gần 1 tuần trở lại đây. Còn nếu so với giá bán doanh nghiệp niêm yết trong ngày diễn ra phiên đấu thầu, mức này cao hơn cả nửa triệu đồng. Phiên thầu kết thúc, như được "cởi lòng", các doanh nghiệp lập tức niêm yết giá bán lên tới 43,85 triệu đồng/lượng, duy trì đến tận trưa nay, sau đó mới điều chỉnh về 43,78 triệu đồng.
Vậy tại sao, Ngân hàng Nhà nước không ấn định trực tiếp giá trần (mức tối đa) mà lại dùng giá sàn (mức giá tối thiểu)? Không trả lời cụ thể tại sao ấn định giá sàn thay cho giá trần, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối cho biết, việc xác định mức giá sàn căn cứ vào nhiều yếu tố nhằm đảm bảo nhiều yêu cầu, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối. “Mức giá sàn bán vàng miếng Ngân hàng Nhà nước công bố trong phiên đấu thầu là phù hợp và sát với giá giao dịch thực tế trong thời gian gần đây”, đại diện vụ Quản lý ngoại hối bày tỏ.
Ngày đầu Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng công khai, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu 2.000 lượng với giá sàn 43,81 triệu đồng/lượng. Số còn lại (24.000 lượng) vẫn bị "ế". |
Về khả năng mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế bị ảnh hưởng khi giá sàn quá cao, tỷ lệ trúng thầu thấp, ông Huy cho rằng, vì vẫn có đơn vị đặt thầu và trúng thầu, nên sẽ không ảnh hưởng. “Phải khẳng định không thể qua một phiên để giải quyết bài toán mất cân đối cung cầu vàng miếng trên thị trường, với tư cách là người mua bán cuối cùng trên thị trường”, ông Huy nói thêm và cho biết, mục tiêu cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước là tăng cung vàng miếng cho thị trường. Số lượng trúng thầu thấp, theo ông Huy, là do các đơn vị tham gia đều thận trọng khi bỏ thầu trước diễn biến phức tạp của giá vàng trong nước những ngày vừa qua.
Tại một số nước khác, việc Ngân hàng Nhà nước tham gia quá sâu vào quản lý thị trường vàng gần như không xảy ra. Khi giá vàng biến động, cách đây 10 năm, Trung Quốc cũng đã từng áp dụng mô hình Ngân hàng Trung ương đấu thầu vàng, quản lý giá, nhưng vì không hiệu quả nên sau đó đã ngừng lại. |
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Phó viện trưởng viện Nghiên cứu khoa học giá cả - đặt vấn đề: Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại để giá sàn thay vì giá trần, mà giá sàn lại quá cao so với giá thị trường? Điều này vô hình trung khiến cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đi xa hơn giai đoạn trước khi phiên đấu thầu diễn ra, ảnh hưởng đến mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là thu hẹp chênh lệch này.
Chuyên gia về giá cả cũng nói thêm, cần xét đến việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường vàng đã đúng chức năng, nhiệm vụ hay chưa. “Ngân hàng Nhà nước chỉ nên quản lý vĩ mô thay vì tham gia trực tiếp kinh doanh vàng như một doanh nghiệp. Điều này không khác gì ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’”, nguyên Viện phó viện Nghiên cứu khoa học giá cả cho biết.
Bình luận về mức giá sàn của vàng miếng rất cao mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng nói: "Vào hôm trước, giá vàng trên thế giới tăng mạnh nên mức giá mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra phải bám sát quốc tế. Mức sàn mà cơ quan quản lý đưa ra cũng để tránh bị 'hớ' trong phiên đấu thầu đầu tiên. Tuy nhiên, giá quốc tế xoay chiều quá nhanh và vào ngày đấu thầu lại giảm nên mức sàn không còn phù hợp. Đó chính là lý do chứ không phải Ngân hàng Nhà nước đưa ra giá sàn cao để kích giá vàng trong nước tăng ngược chiều quốc tế".
Chuyên gia này cũng bổ sung, về mặt nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước có vai trò như "nhà cái" trong các phiên đấu thầu. Việc giá sàn không đúng là do thiếu kinh nghiệm, mới làm lần đầu tiên. Tuy nhiên, ông này cho rằng, phương án tốt nhất vẫn là để cho thị trường quyết định, rồi tiến tới lập một sàn vàng quốc gia chứ không nên để vàng vật chất chi phối như hiện nay.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, việc đặt giá sàn thay cho giá trần của Ngân hàng Nhà nước trong phiên đấu thầu hôm qua có thể được nhìn nhận như động thái thăm dò, thử nghiệm của cơ quan quản lý. Việc chào mời giá đấu thầu cao hơn thị trường nên được xem là một bước dè dặt để thử nghiệm thị trường, thiết lập cơ chế bước đầu. Do đó, theo chuyên gia nói trên, để thực hiện mục tiêu "người kiến tạo giá cuối cùng", Ngân hàng Nhà nước cần thiết phải thăm dò, dè dặt thay vì "một phát" ấn định giá thấp hơn thị trường.
Lan Anh - Hoàng Ly
Theo Infonet