Hôm 15/3, Bộ Ngoại giao Nga thông báo trừng phạt 13 công dân Mỹ như biện pháp trả đũa các lệnh cấm vận của Washington áp đặt lên Moscow sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hôm 24/2.
Các lệnh trừng phạt lẫn nhau của các quốc gia thường nhắm đến các quan chức, nghị sĩ, tướng lĩnh đương nhiệm, giới lãnh đạo doanh nghiệp thân cận với chính quyền, cũng như người thân của các nhân vật trên.
Dù vậy, từ sau khi rời bỏ cương vị ngoại trưởng năm 2013, bà Hillary Clinton không đảm nhiệm bất cứ chức vụ chính thức nào trong chính quyền Mỹ, kể cả khi đảng Dân chủ trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử năm 2020.
Cùng với ông Hunter Biden, bà Clinton là hai cá nhân không phải là quan chức đương nhiệm nhưng vẫn có tên trong danh sách trừng phạt của Nga.
Vì sao bà Clinton bị trừng phạt?
Giới chức Nga chưa đưa ra lời giải thích nào cho vấn đề này. Tuy vậy, trong thông báo được đăng trên tài khoản Telegram của Bộ Ngoại giao Nga, các lệnh trừng phạt là hậu quả của “chính sách thù địch cực đoan với Nga” đang được chính quyền Mỹ theo đuổi.
Dư luận Mỹ nhận định có khả năng các lệnh trừng phạt này tới từ việc bà Clinton không phải nhân vật được Moscow ưa thích. Trong quá khứ, bà Clinton từng có nhiều tuyên bố và hành động khiến Moscow không hài lòng.
Ngoài ra, một số người Mỹ còn chỉ ra danh sách không bao gồm bất cứ đảng viên đảng Cộng hòa Mỹ nào. Trong khi đó, bà Clinton và ông Hunter Biden là những nhân vật từng bị một bộ phận phe cánh hữu Mỹ tấn công. Do đó, đây cũng có thể là động thái nhằm khoét sâu mâu thuẫn trong nền chính trị Mỹ của Moscow.
Vì sao Moscow không thích bà Clinton?
Moscow có nhiều lý do để không coi bà Clinton là “nhân vật ưa thích”, dù bà không còn nắm chức vụ chính thức nào tại Washington.
Năm 2011, khi còn là ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton chỉ trích cuộc bầu cử nghị viện Nga “có gian lận”. Ông Putin gọi đây là hành vi “can thiệp vào công việc nội bộ” của Nga và được cho đã đích thân phàn nàn với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề này, theo Politico.
Moscow cũng coi bà Clinton như nhân vật ủng hộ các cuộc “cách mạng màu”, khi bà là nhân vật sớm ủng hộ can thiệp quân sự vào Libya năm 2011. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, bà Clinton cũng chỉ trích và kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt lên Moscow, dù không còn là ngoại trưởng.
Bà Clinton được cho là nhân vật thuộc phái “cứng rắn” với Nga trong chính quyền của ông Obama. Bản thân cựu ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận mối quan hệ với ông Putin không quá tốt đẹp.
“Đây là điều thú vị. Chúng tôi đã có những lúc đối phó khó khăn với nhau”, bà Clinton trả lời khi được hỏi về vấn đề này trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Lệnh trừng phạt của Nga nhằm vào những ai?
Các cá nhân bị trừng phạt bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns.
Bên cạnh đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Daleep Singh, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power, Thứ trưởng Bộ Tài chính Adewale Adeyemo, Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ Reta Jo Lewis cũng có tên trong danh sách trừng phạt.
Ngoài ra, danh sách còn bao gồm ông Hunter Biden, con trai của Tổng thống Biden, cũng như bà Hillary Clinton.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố danh sách này sẽ tiếp tục được mở rộng và sẽ có thêm tên của các quan chức cấp cao, lãnh đạo giới quân sự, nghị sĩ, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia và người nổi tiếng tại Mỹ.
Người Mỹ phản ứng thế nào trước các lệnh trừng phạt?
Sau khi thông báo của Bộ Ngoại giao Nga được đăng tải, bà Clinton viết trên Twitter: “Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Viện Hàn lâm Nga về Giải thưởng Thành tựu Trọn đời này”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói đùa rằng Nga đáng ra nên trừng phạt cả cha của Tổng thống Biden.
“Không ai trong số chúng tôi đang lên kế hoạch du lịch Nga hay có tài khoản ngân hàng mà không thể tiếp cận. Do đó, chúng tôi sẽ cứ tiếp tục thôi”, bà Psaki trả lời báo giới trong buổi họp báo hôm 15/3.
Nga từng trừng phạt các quan chức Mỹ chưa?
Năm 2014, để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Moscow đã áp đặt lệnh trừng phạt lên một số quan chức Mỹ như Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Thượng nghị sĩ John McCain hay các cố vấn của Tổng thống Obama.
Khi đó, ông Boehner và ông McCain cùng tuyên bố bản thân “tự hào” vì có tên trong danh sách trừng phạt.
“Tôi nghĩ điều này có nghĩa kỳ nghỉ xuân của tôi tại Siberia sẽ bị hủy, cổ phiếu tại Gazprom bị mất, còn tài khoản ngân hàng bí mật của tôi tại Moscow sẽ bị đóng băng”, ông McCain nói đùa.