Năm 1950, sidewinder - tên một loài rắn đuôi chuông - đã được chọn làm tên gọi của AIM-9. Nó đã có gần 70 năm trong quân đội Mỹ và trở thành một phần quan trọng trong kho vũ khí nước này.
Kể từ khi được ra mắt, các phiên bản nâng cấp của AIM-9 Sidewinder càng được phổ biến và được trang bị cho các chiến đấu cơ của hải quân, không quân Mỹ, cũng như được bán cho các đồng minh của Washington.
Gần đây, thông tin về khí cầu Trung Quốc hay các vật thể bay không xác định (UFO) vẫn còn chưa đầy đủ, song một điều chắc chắn là cả 4 vật thể bay đều bị bắn hạ bởi AIM-9X Sidewinder, có giá thành khoảng 440.000 USD một quả.
Đơn vị chế tạo
Tập đoàn công nghệ Raytheon sản xuất những tên lửa AIM-9 Sidewinder, đã nằm trong biên chế quân đội Mỹ từ năm 1956.
Raytheon cho biết ngoài Mỹ, 31 quốc gia đồng minh của Washington là đối tác mua tên lửa AIM-9.
Được thiết kế với mục đích chính là không đối không, phiên bản mới nhất AIM-9X (được triển khai từ năm 2003) cũng có thể phóng từ mặt đất, hay tấn công các mục tiêu trên bộ, mà không cần có thêm điều chỉnh nào, website của Raytheon cho biết.
Việc được trang bị trên chiếc tiêm kích F-22 cũng giúp AIM-9 góp phần đánh dấu lần đầu tiên "chim ăn thịt" F-22 bắn hạ mục tiêu trên không kể từ khi được sử dụng trong chiến đấu từ năm 2015, khi đã bắn rơi khí cầu Trung Quốc ngày 4/2.
Mỹ không công bố chính xác về kho tên lửa, nhưng không quân nước này được cho là sở hữu khoảng 10.000 tên lửa AIM-9 Sidewinder.
Vì sao AIM-9 được dùng để bắn UFO?
Việc dùng tên lửa có thể giảm rủi ro cho phi công khi có thể giữ khoảng cách an toàn với mục tiêu.
Iain Boyd, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến An ninh Quốc gia tại Đại học Colorado, nói rằng nếu muốn sử dụng pháo, phi công cần áp sát mục tiêu, và đã có những trường hợp bộ cảm biến trên chiến đấu cơ bị can thiệp.
Dù không được thiết kế để bắn những vật thể như khinh khí cầu, AIM-9 Sidewinder có giá thành rẻ, và ít có nguy cơ phá hủy khối hàng được gắn vào khí cầu, điều mà các quan chức Mỹ muốn thu được để đánh giá liệu có thiết bị do thám hay không.
Ngoài ra, năng lực dẫn đường bằng nhiệt cũng hiệu quả trong những trường hợp bắn hạ các UFO hay khí cầu, hơn là loại AIM-120 dẫn đường bằng radar, có sức công phá lớn hơn.
“Vào ban ngày, Mặt Trời sẽ làm nóng khí cầu, và bắn vào hướng phản chiếu ánh Mặt Trời sẽ giúp tên lửa dò đúng mục tiêu”, Michael Pietrucha, cựu đại tá Không quân Mỹ, cho biết.
Tuy vậy, tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Bắc Mỹ, ngày 6/2 nói rằng bản thân ông cũng không chắc AIM-9 có thể bắn hạ khí cầu ở độ cao 18 km như vậy.
Ông VanHerck cũng đồng tình rằng AIM-9 là lựa chọn hiệu quả và an toàn hơn so với AIM-120.
Từng có trường hợp bắn 1.000 viên đạn nhưng không phá hủy được khí cầu
Vào năm 1998, một khí cầu nghiên cứu tầng ozone đã bay qua Canada, nhưng hệ thống tách các thiết bị gắn vào khinh khí cầu không hoạt động.
Khi đó, không quân Canada đã điều 2 tiêm kích CF-18 bắn hơn 1.000 viên đạn vào khí cầu, nhưng nó không nổ, và chỉ xì khí heli.
Quả khí cầu khi đó có kích thước ngang tòa nhà 25 tầng đã tiếp tục bay qua Đại Tây Dương, không phận Anh, Iceland, trước khi bay về phía bắc.
Thiếu tá Canada Roland Lavoie khi đó nói rằng quân đội quyết định không dùng tên lửa để bắn hạ khí cầu vì “người dân sẽ không thích việc một tên lửa phát nổ trên đầu”. Ngoài ra, Canada cho rằng bỏ hàng trăm nghìn USD để bắn hạ một khí cầu là quá mức cần thiết”.
Chi phí cho tên lửa AIM-9
Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch mua 255 tên lửa AIM-9 với giá 111.9 triệu USD vào năm 2023, tương đương 440.000 USD cho mỗi lần phóng.
Tuy nhiên, các quốc gia khác muốn mua phải trả thêm tiền cho các thiết bị, linh kiện liên quan, và chi phí đào tạo. Hồi năm 2011, Malaysia đã mua 20 tên lửa AIM-9X-2 với trị giá ước tính là 52 triệu USD.
Năng lực của tên lửa “rắn đuôi chuông”
AIM-9X Sidewinder là tên lửa tầm nhiệt siêu thanh, có tầm hoạt động ngắn. Các bộ phận chính bao gồm hệ thống dẫn đường hồng ngoại, máy dò mục tiêu bằng quang học, đầu đạn nổ mạnh và động cơ tên lửa.
Một quả tên lửa nặng khoảng 84 kg và có chiều dài 3 m. Biến thể Block II của AIM-9X có nhiều tính năng nâng cấp, bao gồm việc có thể khóa mục tiêu sau khi đã phóng.
Khi phi công nhắm bắn, họ sẽ thấy vòng tròn mục tiêu hiển thị trên kính chắn gió, và có "tiếng gầm" trong tai nghe. Ông Pietrucha cho biết nếu nghe rõ tiếng gầm tức là đã khóa mục tiêu. Phi công khai hỏa tên lửa cũng sẽ nhận được các thông số đánh giá chất lượng phát bắn.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.
Mỹ công bố thiết bị trục vớt được trên khí cầu của Trung Quốc
Quân đội Mỹ đã điều động một tàu cẩu đến vùng biển ngoài khơi South Carolina và đã trục vớt được phần lớn mảnh vỡ của khinh khí cầu Trung Quốc, một quan chức Mỹ cho biết hôm 13/2.
Mỹ lo ngại gián điệp Trung Quốc
Mỹ và Trung Quốc vốn có lịch sử lâu dài do thám lẫn nhau. Tuy nhiên, vụ khinh khí cầu Trung Quốc bay ngang qua Mỹ và bị bắn hạ mở ra một mối lo ngại mới.
Công bố mới về thảm kịch Jeju Air
Cơ quan điều tra vụ tai nạn máy bay Jeju Air đã đệ trình báo cáo sơ bộ lên cơ quan hàng không của Liên Hợp Quốc cùng Mỹ, Pháp và Thái Lan vào ngày 27/1.