Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao miền Tây liên tiếp có những trận ngập lịch sử?

Chuyên gia cho rằng Cần Thơ và các tỉnh miền Tây bị ngập nghiêm trọng trong thời gian qua do một phần địa hình nơi đây bị sụt lún 2-4 cm qua mỗi năm.

Trong các ngày 29/9-1/10, triều cường tại Cần Thơ dâng cao gây ngập sâu ở nhiều tuyến đường trong thành phố. Nhà chức trách cho biết đỉnh triều cao nhất đo được trên sông Hậu là 2,25 m, cao hơn đỉnh triều cường lịch sử năm 2018 là 2,23 m. Cùng lúc, khu vực nội ô TP Vĩnh Long cũng bị ngập nặng với mực nước đo được là 2,18 m, cao nhất trong lịch sử. 

Lý giải về tình trạng này, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra ngập lụt nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Trong đó, một số yếu tố khiến đất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày một sụt lún. 

"Tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra và ngày càng nghiêm trọng", TS Lê Anh Tuấn cho biết. 

'Các tỉnh miền Tây mỗi năm sụt lún 2-4 cm nền đất'

Trao đổi với Zing.vn, ông Tuấn cho biết mực nước mà ông và các đồng nghiệp quan sát được trên khu vực sông Mekong vẫn thấp hơn so với những năm trước. Tình hình lũ trên khu vực này cũng không có biến động quá lớn nên nếu nói ngập lụt do lượng nước từ thượng nguồn đổ về không hoàn toàn đúng. 

Theo ông, nhiều ngày trước, khu vực Nam Lào, Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long có những trận mưa rất lớn. Lượng nước từ những trận mưa này dồn xuống và đi vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngay thời điểm Cần Thơ xảy ra triều cường cũng có những trận mưa lớn khiến nước đổ về ngày càng nhiều. 

Ngoài ra, một số khu vực được làm đê bao khiến nước không đi vào vùng trũng, ngập, chỉ ở lại với khu vực đồng bằng.

"Mặt đất của đồng bằng sông Cửu Long thì ngày một lún thêm, tốc độ lún hiện nay trung bình khoảng 2-4 cm/năm. Bên cạnh đó, một phần yếu tố nước biển dâng lên, mặc dù không cao nhưng khiến tình hình thêm trầm trọng", ông Tuấn cho biết. 

ngap o mien Tay anh 1
Triều cường liên tiếp trong nhiều ngày qua khiến thành phố Cần Thơ ngập sâu, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Ảnh: Phạm Ngôn. 

Lý giải nguyên nhân gây ra sụt lún, vị chuyên gia này cho rằng không thể đổ lỗi cho biến đổi khí hậu, mà cần thẳng thắn nhìn vào những tác động trực tiếp từ con người. Nguyên nhân lớn nhất gây ra sụt lún là do các đập thủy điện được xây trên lưu vực sông Mekong đã giữ lại hầu hết phù sa trên thượng nguồn, không cho lũ mang phù sa về bồi đắp cho khu vực đồng bằng. 

Trong khi đó, khi nền đất yếu đi thì lũ hàng năm sẽ đem theo lượng phù sa về để bồi đắp cho phần đã bị lún. Nhưng việc xây các đập thủy điện khiến lượng phù sa đổ về khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm đi một nửa so với trước đây. 

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nước tăng lên nhanh khiến tốc độ khai thác nước ngầm quá lớn. Khi nước ngầm rút xuống khiến lũ gia tăng, tràn về khu vực các tỉnh đồng bằng, kèm theo nhiều yếu tố gây ngập lụt nghiêm trọng trong khu vực thành phố. 

"Biến đổi khí hậu chỉ là một trong những nguyên nhân rất nhỏ gây ra sụt lún và ngập lụt nghiêm trọng ở khu vực miền Tây", TS. Lê Anh Tuấn nhận định. 

Diễn biến ngày càng nghiêm trọng

Nhận định về tình hình thời tiết miền Tây trong những năm gần đây, chuyên gia này cũng cho rằng lượng mưa ở khu vực này ngày càng trở nên thất thường. Trong năm nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong chỉ đạt 60-70% so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên đến cuối mùa mưa, lượng mưa lại đột ngột tăng mạnh. 

Sự phân bố mưa không đồng đều, cộng thêm những yếu tố như đất sụt lún, nước biển dâng khiến tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng. Tình hình này được chuyên gia nhận định sẽ còn những diễn biến nặng nề hơn nếu không tìm ra giải pháp phù hợp. 

"Các vấn đề này khó có thể khắc phục được, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giảm nhẹ nó", ông Tuấn nêu quan điểm. 

Theo ông, việc đầu tiên chính quyền phải làm là không cấp phép khai thác nước ngầm quá nhiều, khôi phục lại những vùng trữ nước. Từ xưa, người dân các địa phương vẫn duy trì việc làm đê bao và canh tác 3 vụ lúa/năm thì bây giờ cần giảm thiểu việc đó. 

ngap o mien Tay anh 2
Nước ngập sâu, tràn vào nhà khiến nhiều hộ dân ở Cần Thơ phải di chuyển đồ đạc đi nơi khác. Ảnh: Phạm Ngôn. 

Người dân cũng cần cân nhắc để thay đổi cây trồng canh tác cho phù hợp. Do lúa là cây trồng cần nhiều nước nên việc phải sử dụng quá nhiều nước trong sản xuất nông nghiệp cũng gây ra một số hệ lụy cho khu vực này. 

Bởi lẽ, người dân đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Điều này khiến cho việc canh tác của bà con nông dân phụ thuộc chủ yếu vào 3 yếu tố gồm thời tiết, đất và nước. Những yếu tố này biến động sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân. Do đó, người dân cần tìm ra những giải pháp thích nghi với môi trường và hướng đến việc sản xuất bền vững. 

Các địa phương cũng cần hạn chế khai thác cát trên khu vực sông để giảm thiểu hiện tượng sụt lún. Lượng cát ở sông hoàn toàn có thể bồi đắp cho những phần đất bị lún xuống ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

"Điều quan trọng nhất mà chính quyền cũng như người dân khu vực cần làm ngay, đó là đấu tranh để những đập thủy điện không được xây thêm ở trên thượng nguồn sông Mekong. Nếu các đập này tiếp tục được xây dựng, tình hình sẽ ngày một tồi tệ hơn", TS. Lê Anh Tuấn nói. 

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, mực nước đỉnh triều trên các sông rạch tại thành phố Cần Thơ tiếp tục lên, đạt đỉnh trong các ngày 30/9 và 1/10.

Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu đo được đạt mức 2,25 m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,25 đến 0,30 m. Đây là đỉnh triều lịch sử mới tại Cần Thơ, vượt qua đỉnh triều cao nhất từng được ghi nhận vào năm 2018 là 2,23 m. Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hàng ngày vào lúc sáng sớm từ 6-8h và chiều tối từ 17 đến 19h.  

Vĩnh Long cũng ghi nhận trận ngập lịch sử trong những ngày qua khi mực nước ngập đo được là 2,18 m, cao hơn đợt ngập năm 2018 là 31 cm.

Triều cường lên cao, người Cần Thơ bỏ nhà đi ở tạm

Trong 2 ngày 28-29/9, hơn 10 hộ dân sinh sống tại khu vực 3 Sông Hậu, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) bị ngập hết nhà cửa. Nhiều người dân phải di dời tới nơi ở tạm.



Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm