Ngày 13/6, nhiều nơi tại miền núi phía Bắc đã có mưa vừa đến mưa rất to, có nơi trên 100 mm. Tại khu vực biên giới lượng mưa trung bình 16-50 mm. Tại sông Gâm và điểm đầu sông Thao (khu vực Lào Cai) mưa to 51-100 mm. Tại Hà Giang, lượng mưa ở Vụ Quang đo được trên 100 mm.
Tuy nhiên, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá lượng nước về hồ các ngày qua vẫn chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về.
Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện liên tục gặp sự cố kèm theo nguy cơ thiếu tới 1 triệu tấn than trong 2 tháng tới khiến việc cung ứng điện vẫn chưa thể thoát khó. Cơ quan điện lực cho biết công suất tiết giảm điện tối đa ở miền Bắc ngày 12/6 vào khoảng 3.225 MW, con số này tăng lên so với ngày 11/6 là 2.744 MW và ngày 10/6 là 1.300 MW.
Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước
Theo báo cáo, ngày 14/6, lưu lượng về các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tăng nhẹ. Lưu lượng ở một số lưu vực sông, suối nhỏ khu vực Bắc Bộ các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang tăng nhanh.
Tuy nhiên, cơ quan thống kê cho biết mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ tăng nhẹ, vẫn ở mực nước thấp. Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về.
Các nhà máy khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành, khó có thể đáp ứng được việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.
Lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc các ngày qua (Số liệu: Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp) | ||||||
Ngày | Hồ Lai Châu | Hồ Sơn La | Hồ Hòa Bình | Hồ Thác Bà | Hồ Tuyên Quang | Hồ Bản Chát |
9/6 | 52 m3/s | 205 m3/s | 356 m3/s | 97 m3/s | 110 m3/s | 97 m3/s |
10/6 | 299 m3/s | 513 m3/s | 225 m3/s | 1.625 m3/s | 110 m3/s | 60 m3/s |
11/6 | 230 m3/s | 310 m3/s | 40 m3/s | 1.105 m3/s | 110 m3/s | 66,9 m3/s |
13/6 | 401 m3/s | 278 m3/s | 40 m3/s | 1.896 m3/s | 530 m3/s | 41,7 m3/s |
14/6 | 401 m3/s | 278 m3/s | 404 m3/s | 96 m3/s | 425 m3/s | 266 m3/s |
Một số hồ xấp xỉ mực nước chết: Sơn La, Thác Bà, Bản Chát, Bản Vẽ, Hủa Na, Thác Mơ. Có 9 nhà máy thủy điện phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ.
Do khó khăn về nguồn nước, các hồ lớn trên mực nước chết không nhiều nên tiếp tục tích nước, tổng công suất không huy động được từ các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ... đạt khoảng 5.000 MW.
Tại hồ thủy điện Hòa Bình, gần đây dù ở nhiều tỉnh thành miền Bắc có mưa nhưng lưu lượng nước về hồ cũng rất thấp - chỉ đạt khoảng 200 m3/s. Mực nước tại hồ sáng 13/6 ở mức trên 102 m, cao hơn mực nước chết 22 m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 15 m.
"Trong tình hình lưu lượng nước đang về hồ như hiện nay, nếu phát điện liên tục hết công suất, sau 13 ngày hồ thủy điện Hòa Bình sẽ về mực nước chết", ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết.
Dù ở nhiều tỉnh thành miền Bắc có mưa nhưng lưu lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 200 m3/s. Ảnh: EVN. |
Nhiệt điện than vẫn gặp khó
Dù tình hình thủy văn có thuận lợi hơn so với các ngày trước đó, song tình hình nắng nóng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng điện cao, do đó các nhà máy thủy điện cần vận hành linh hoạt; tăng cường tích nước các hồ thủy điện.
Trong cơ cấu nguồn cung cấp điện cho miền Bắc, thủy điện chiếm tỷ trọng lớn khoảng hơn 43%. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà máy thủy điện miền Bắc phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp và đang thiếu hụt khoảng 5.000 MW thì nhiệt điện than là nguồn cung cấp điện quan trọng nhất cho miền Bắc thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố. Trong đó, tổng sự cố dài ngày là 2.100 MW, tổng sự cố ngắn ngày 910 MW.
Trong ngày 12/6, Nhiệt điện Mông Dương, Nghi Sơn khắc phục xong sự cố và hòa lưới. Tuy nhiên nhiệt điện Thăng Long lại giảm công suất và ngừng sự cố S1 để xử lý xì bộ trao đổi nhiệt (dự kiến 11h ngày 14/6 trả dự phòng); nhiệt điện Mông Dương 1 suy giảm công suất S2 và ngừng sự cố lò L2B do sự cố máy cấp than (hiện tại S2 đang vận hành với lò L2A).
Sản lượng điện huy động từ thủy điện và nhiệt điện ở miền Bắc trong 5 ngày qua | ||
Ngày | Thủy điện | Nhiệt điện than |
9/6 | 48,2 triệu kWh | 261,4 triệu kWh |
10/6 | 59 triệu kWh | 262,9 triệu kWh |
11/6 | 49,5 triệu kWh | 273,9 triệu kWh |
12/6 | 52,8 triệu kWh | 288 triệu kWh |
13/6 | 61,3 triệu kWh | 271 triệu kWh |
Theo báo cáo mới nhất, dự kiến các nhà máy sẽ khắc phục xong sự cố và đưa vào dự phòng, phát điện gồm: Tổ máy S1 của Nhà máy nhiệt điện Thăng Long 1 dự kiến 7h ngày 14/6; tổ máy S2 của nhiệt điện Thái Bình 1 đến ngày 15/6; tổ máy số 1 của nhiệt điện Nghi Sơn 1 vào lúc rạng sáng ngày 14/6 ngừng do có tiếng kêu bất thường trong ống quá nhiệt, chưa xác định được tiến độ khắc phục sự cố.
Hơn nữa, hiện nay do sản lượng huy động của các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc duy trì ở mức rất cao nhu cầu lên tới 6,03 triệu tấn phục vụ cho sản xuất điện nên các nhà máy nhiệt điện của EVN dự kiến thiếu khoảng 1 triệu tấn than trong 2 tháng tới.
Sản lượng của các dự án điện tái tạo chiếm 0,43% toàn hệ thống
Cập nhật đến ngày 13/6, có 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất hơn 536 MW đã chính thức được phát điện thương mại lên lưới.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 12/6, đạt 29.270 MWh. Trong đó, ngày 11/6, sản lượng điện phát của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã vận hành thương mại là hơn 3,2 triệu kWh, trong khi sản lượng điện tiệu thụ trong ngày là 751 triệu kWh.
Như vậy, sản lượng điện phát các dự án chuyển tiếp đã vận hành thương mại chỉ chiếm 0,43% sản lượng điện toàn hệ thống.
Hiện đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.791 MW gửi hồ sơ để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 59 dự án (tổng công suất 3.211 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá.
Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt giá tạm cho 43 dự án. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 17 dự án với tổng công suất 942,7 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...