MC Minh Trang là gương mặt quen thuộc với những khán giả yêu thích chương trình Tuổi đời mênh mông, Tạp chí MTV. Sau thời gian đi du học, cô trở về nước và tiếp tục khẳng định mình như một BTV tiếng Anh năng động, đa tài tại kênh truyền hình đối ngoại VTV4.
Sau khi lập gia đình, MC Minh Trang càng được yêu mến hơn khi thường xuyên chia sẻ những bí quyết nuôi dạy, chăm sóc con cái trên trang cá nhân của mình. Mỗi giai đoạn đồng hành cùng con, cô lại đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn và tiếp nhận những thông tin bổ ích, lý thú. Từ đây, nữ MC Tuổi đời mênh mông đã đưa ra một quyết định táo bạo. Cô từ bỏ công việc fulltime tại VTV để tập trung chăm sóc gia đình và từng bước xây dựng một dự án cá nhân về chăm sóc, giáo dục con cái cho các bậc phụ huynh.
Mắc chứng trầm cảm sau sinh
- Cuộc sống trong gia đình chị thay đổi như thế nào sau khi sinh con gái thứ 2?
- Tôi bận rộn hơn nhưng lại nhiều niềm vui hơn khi chứng kiến sự ra đời và lớn lên của một thành viên nữa. Đặc biệt là khi gia đình có hai con thì sẽ có sự tương tác giữa hai bạn ấy với nhau.
Chỉ cần nhìn các bạn ấy chơi với nhau hoặc dành tình cảm cho nhau, thậm chí những lúc các con “chí chóe” với nhau, tôi cũng cảm thấy rất đặc biệt.
Gia đình MC Minh Trang. |
- Khi sinh bé thứ hai, chị làm thế nào để không khiến con gái đầu lòng phải tủi thân trước sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình?
- Thực ra đó hoàn toàn là do cách mình giới thiệu với con thôi. Khi tôi mới bắt đầu có bầu thì tôi đã nói với con rằng trong gia đình sắp có thêm thành viên mới, việc bạn ấy có em thực sự rất tuyệt vời, vừa có thể vui chơi, vừa có thể nói chuyện và đặc biệt hơn là bạn ấy sẽ được cùng mẹ chứng kiến sự trưởng thành của em bé theo từng ngày.
Khi đi khám thai, tôi cũng cho con đi cùng và cùng con chuẩn bị đồ cho em bé. Tôi cũng đọc những câu chuyện về việc có em, hay các gia đình có hai con nhỏ cho bạn ấy nghe.
Chính vì vậy nên bạn ấy rất chờ đón và có tâm trạng tương đồng với bố mẹ khi chào đón thành viên mới trong gia đình.
- Vậy, còn những cách thức khiến các anh, chị lớn gắn kết với em bé thì sao? Chị có lời khuyên gì cho những bà mẹ trẻ?
- Nguyên tắc đầu tiên là phải công bằng và tôn trọng từng bạn. Chúng ta không thể nào dạy con về sự công bằng nhưng lại không đối xử công bằng với các bạn ấy. Nguyên tắc của tôi là khi làm cái gì cũng đều cố gắng lôi cả hai bạn vào cùng làm.
Ví dụ khi em đang khóc, đòi bú chẳng hạn thì mẹ có thể nhờ bạn ấy lấy cái này, cái kia. Tôi mua cho bạn ấy một con búp bê trông hệt như trẻ sơ sinh và mua cho con cả những bình sữa bằng nhựa bé xíu để bạn ấy cũng có một em bé và hiểu cách chăm sóc một em bé như thế nào.
Bên cạnh đó, tôi cũng dành thời gian với các con. Khi mình đọc sách cho bạn lớn thì cũng thường xuyên để bạn bé ngồi cạnh, cùng mẹ và chị đọc sách. Tóm lại, tôi để cho các bạn ấy cùng hiện diện bên nhau trong tất cả các sự kiện như thế trong gia đình.
- Chị từng chia sẻ trên trang cá nhân rằng “Có những phút giây khi mang bầu Daisy, mình từng nghĩ sẽ không đủ nghị lực và quyết tâm để đón bạn ấy chào đời. Những ngày tháng làm mẹ đầu tiên đầy bỡ ngỡ, là những đêm hai mẹ con ôm nhau khóc vì không biết phải làm sao, rồi những biến cố xảy ra. Có những lúc, mình đã nghĩ tiêu cực đến mức muốn ôm con nhảy lầu vì quá trầm cảm và bế tắc”. Có thể thấy, những ngày đầu làm mẹ đối với chị thực sự không dễ dàng?
- Thực sự rất khó khăn! Tôi sinh con ở Mỹ, gần như không có bất kỳ sự giúp đỡ nào từ gia đình. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ, nếu có sai lầm thì cũng không biết bắt đầu sửa từ đâu. Nhất là giai đoạn sau sinh, mọi thứ sinh hoạt, lịch trình thay đổi, tôi phải dành gần như 100% thời gian cho con.
Thêm vào đó, việc ăn, ngủ cũng thất thường, theo lịch trình của con, những việc đó đã tác động rất lớn đến tâm lý của tôi, khiến tôi khó tránh khỏi những suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực.
Tôi nhận thấy sự thay đổi tâm lý, suy nghĩ tiêu cực hay còn gọi là trầm cảm sau sinh là điều rất dễ nhận thấy ở những người đang nuôi con sơ sinh, đặc biệt là khi mới sinh con đầu lòng.
Nhưng tôi tự nhủ mình phải mạnh mẽ để vượt qua. Tôi cố gắng ép mình suy nghĩ tích cực, xem phim hài, đọc những mẩu chuyện cười và thật cố gắng làm cho mình bận rộn.
Ví dụ, bất cứ khi nào tôi cảm thấy mình đang chuẩn bị nghĩ tiêu cực, tôi sẽ ngay lập tức dành thời gian đó vào những thói quen, sở thích của mình như cắm hoa, đi chợ, nấu nướng. Tôi không để đầu óc mình rảnh rỗi để nghĩ về những chuyện ấy vì hậu quả có thể rất nặng nề, không thể lường trước.
Không nuối tiếc hợp đồng chính thức tại VTV
- Không chỉ mắc chứng trầm cảm sau sinh, nhiều người phụ nữ trong quá trình nuôi con còn chịu sức ép về mặt tâm lý khi họ không thể san sẻ công việc chăm sóc con cái, gia đình với người chồng của mình. Chị nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Thật ra có con là quyết định của cả hai người nên trách nhiệm và nghĩa vụ sẽ là của cả hai người. Rõ ràng về mặt sinh học, người phụ nữ mang đứa con trong người và sinh nó ra nhưng điều đó không có nghĩa là việc chăm sóc con cái là trách nhiệm của riêng mình họ. Hai người cùng phải chia sẻ với nhau, nhưng nếu không thống nhất được việc đó thì tốt nhất là chưa nên có con vội.
Gia đình tôi cũng quán triệt việc đó. Mỗi thứ mình làm cùng con, chúng tôi đều nghĩ đó là quyền lợi của mình. Vì trẻ con thường lớn rất nhanh, đến một lúc nào đó, chúng sẽ không thích nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ mình nữa, cũng không thích ngồi cạnh nghe mình trò chuyện nữa nên tranh thủ được bao nhiêu thời gian với con thì chúng tôi đều cố gắng.
Nữ MC vẫn hoạt động ở VTV như cộng tác viên. |
- Vậy cụ thể trong gia đình chị, việc dạy dỗ và chăm sóc con cái được chị và ông xã phân công như thế nào?
- Chúng tôi không có khái niệm phân chia thời gian chăm sóc con cái, không có chuyện vạch rõ ai làm gì ngày chẵn, ngày lẻ như thế nào. Thay vào đó, chúng tôi hỗ trợ nhau, tốt nhất là cả hai cùng làm, còn nếu không, ai có thể làm được việc gì thì sẽ tự giác thực hiện.
Ví dụ như việc đọc chuyện cho con, cả hai chúng tôi cùng làm. Nếu tôi là người đọc, thì anh ấy sẽ ngồi bên cạnh. Nếu tôi chơi với bạn lớn, thì ông xã sẽ tắm cho bạn bé. Chúng tôi luôn cố gắng hiện diện trong mỗi hoạt động của con, dù là nhỏ nhất.
Nếu một trong hai người bận thì đương nhiên người kia sẽ phải làm rồi, vì gia đình là một chứ không phải là phân công nhiệm vụ cho nhau, hai con mỗi người một con.
- Được biết, chị đã bỏ công việc fulltime tại VTV để tập trung chăm sóc cho gia đình. Chị có phân vân nhiều trước khi đưa ra quyết định này không?
- Thực tế, tôi chỉ nghỉ hợp đồng thôi, còn vẫn hoạt động như một cộng tác viên chứ không hoàn toàn từ bỏ công việc truyền hình. Hiện tại, tôi lựa chọn dẫn những chương trình phù hợp với niềm đam mê về chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Bên cạnh việc chăm sóc con cái, tôi tập trung phần lớn thời gian của mình vào việc phát triển một dự án cá nhân, với mục tiêu truyền cảm hứng, cung cấp thông tin chăm sóc, nuôi dạy con cái cho những bậc phụ huynh có con từ 0-6 tuổi.
Tôi nghĩ rằng luôn có sự khác biệt rất lớn giữa một công việc mình làm tốt và một công việc mình đam mê. Tôi muốn dành trọn thời gian của mình cho công việc mà mình yêu thích, khi đó, tôi sẽ có thể cống hiến một cách toàn tâm toàn ý và hiệu quả chắc chắn sẽ tốt hơn.
Với dự án của mình, tôi vừa làm bằng đam mê, vừa có thể đem lại những giá trị sống đích thực cho cộng đồng, nên tôi muốn tập trung vào đó. Còn đối với truyền hình, đó là nghề nghiệp, kỹ năng nên tôi vẫn sẽ duy trì bởi đó là cái nghiệp của mình rồi.
- Chị đã bao giờ cảm thấy tiếc nuối?
- Hợp đồng của tôi với VTV là hợp đồng có thời hạn, chính vì vậy, việc tôi nghỉ hợp đồng cũng không có gì quá to tát như mọi người vẫn tưởng đâu. Hơn nữa, đối với tôi, việc được toàn tâm toàn ý theo đuổi những thứ mình đam mê sẽ quý giá hơn nhiều so với sự ổn định.
Và mặc dù nghỉ vị trí toàn thời gian, tôi vẫn duy trì việc công tác và dẫn các chương trình phù hợp với VTV. Chính vì vậy, tôi hoàn toàn hài lòng với sự lựa chọn của mình.
- Chân thành cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!