Theo CNN, Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - đang gặp rắc rối lớn. Nhà băng 167 tuổi cho biết sẽ vay tới 50 tỷ franc Thụy Sĩ (53,7 tỷ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.
Credit Suisse được ném phao cứu sinh sau khi giá cổ phiếu lao dốc 30% hôm 15/3. Ngân hàng cho biết cũng sẽ mua lại một số khoản nợ.
Rắc rối của Credit Suisse khiến các thị trường châu Âu và toàn cầu run rẩy. Nhà băng này là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới.
Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ. Ảnh: Bloomberg. |
Quan trọng về mặt hệ thống
Theo Ủy ban Ổn định Tài chính - một cơ quan giám sát hệ thống tài chính quốc tế - phân loại Credit Suisse là "ngân hàng quan trọng với hệ thống toàn cầu", cùng với 30 nhà băng khác bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America và Bank of China.
"Credit Suisse quan trọng với nền kinh tế toàn cầu hơn nhiều các ngân hàng khu vực Mỹ gặp vấn đề trong tuần trước", CNN dẫn lời ông Andrew Kenningham tại Capital Economics nhận định.
"Credit Suisse làm ăn với nhiều đối tác trên toàn cầu. Đó không phải là vấn đề của riêng Thụy Sĩ, mà là cả thế giới", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Vấn đề của Credit Suisse tới từ đâu?
Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới tăng lãi suất điều hành để kìm hãm lạm phát và hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế. Nhưng quá trình đó đẩy một số nhà băng vào rắc rối.
Những lo ngại này đã trở thành hiện thực, sau khi Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ - bị đóng cửa. Đây là vụ sụp đổ lớn nhất của ngành ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
"Các vấn đề của Credit Suisse rất khác những gì đè bẹp SVB cách đây vài ngày. Nhưng vụ việc (của SVB) là một lời nhắc nhở: khi lãi suất tăng lên, hệ thống tài chính sẽ dễ tổn thương hơn", nhóm chuyên gia tại Capital Economics cảnh báo.
Credit Suisse quan trọng với nền kinh tế toàn cầu hơn nhiều các ngân hàng khu vực Mỹ gặp vấn đề trong tuần trước
Ông Andrew Kenningham tại Capital Economics
Trên thực tế, cổ phiếu của Credit Suisse rớt thảm trong phiên 15/3 sau khi Ngân hàng Trung ương Saudi (SNB) - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse - từ chối cung cấp thêm vốn cho nhà băng Thụy Sĩ này vì không muốn vi phạm quy định hạn chế tỷ lệ cổ phiếu đang sở hữu.
SNB hiện sở hữu 9,9% cổ phần của Credit Suisse trên mức trần 10%.
Credit Suisse chìm vào khủng hoảng
Trên thực tế, Credit Suisse đã gặp rắc rối trong nhiều năm.
Ông Kenningham mô tả nhà băng này là mảnh ghép yếu nhất trong hệ thống ngân hàng châu Âu.
Doanh nghiệp Thụy Sĩ này chịu ảnh hưởng từ một loạt quyết định sai lầm trong những năm qua. Credit Suisse đã phải trả giá bằng hàng tỷ USD và thay máu đội ngũ lãnh đạo cấp cao.
Trong một thập kỷ qua, ngân hàng cũng bị xử phạt vì trốn thuế và các vấn đề khác.
Vào năm 2014, Credit Suisse đã nhận tội cho phép một số khách hàng tại Mỹ trốn thuế. Ngân hàng trả 2,6 tỷ USD cho chính phủ liên bang và các cơ quan quản lý tài chính New York để dàn xếp.
Danh tiếng của ngân hàng cũng bị tổn hại nghiêm trọng sau bê bối kế toán của Luckin Coffee. Credit Suisse đóng vai trò bên bảo lãnh phát hành khi công ty Trung Quốc này lên sàn Nasdaq vào năm 2019.
Luckin Coffee - từng được mệnh danh là "Starbucks Trung Quốc - phải rời sàn Mỹ sau bê bối khai khống doanh thu.
Danh tiếng của Credit Suisse bị hủy hoại trong vòng vài năm qua. Ảnh: Bloomberg. |
Đến năm 2020, cựu Giám đốc điều hành Tidjane Thiam từ chức sau bê bối theo dõi các cựu nhân viên. Danh tiếng của ngân hàng một lần nữa bị tổn hại.
Một năm sau, sự sụp đổ của quỹ đầu tư Archegos Capital khiến Credit Suisse gánh lỗ 5,5 tỷ USD và hủy hoại hoàn toàn danh tiếng của nhà băng này. Một cuộc điều tra sau đó đã phát hiện ra Credit Suisse cho phép Archegos Capitol chấp nhận những "rủi ro lớn, có thể trở thành thảm họa".
Đến năm ngoái, ngân hàng này bị đồn đoán đang trượt tới bờ vực sụp đổ. Các khách hàng - chủ yếu là các cá nhân giàu có hoặc doanh nghiệp - vội vã rút hàng trăm tỷ USD khỏi Credit Suisse.
Thời điểm đó, phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của nhà băng tăng lên mức cao nhất chưa từng có.
CDS là một công cụ phái sinh, trong đó bên mua trả phí bảo vệ rủi ro để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố xảy ra. Việc phí CDS của Credit Suisse tăng bất thường làm dấy lên lo ngại về khả năng phá sản của ngân hàng Thụy Sĩ.
Tháng trước, cổ phiếu của Credit Suisse rớt mạnh sau khi ngân hàng công bố khoản lỗ năm lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Truyền thông đưa tin các cơ quan quản lý đang xem xét những bình luận của chủ tịch nhà băng về sức khỏe tài chính của ngân hàng.
Phao cứu sinh từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ có thể cho Credit Suisse thêm thời gian khôi phục niềm tin của khách hàng và thúc đẩy các kế hoạch tái cấu trúc. Nhưng ngân hàng này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng.
Theo các nhà phân tích ngân hàng của JPMorgan, khoản vay từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ là không đủ do "những vấn đề về niềm tin" đối với các kế hoạch của ngân hàng đầu tư này.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.