Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao IPO tại châu Âu ít được chú ý hơn so với Mỹ, Trung Quốc?

Trong khi thị trường Mỹ và Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng IPO của các kỳ lân công nghệ, thì châu Âu lại khá im ắng khi không có nhiều thương vụ giá trị.

Trong khi Palantir và Ant Group đang là hai cái tên nổi bật nhất trong làn sóng IPO công nghệ ở Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây thì ngược lại, thị trường châu Âu lại khá ảm đạm khi không có mấy thương vụ đáng chú ý, khác hẳn so với không khí sôi động vài năm trước khi nền tảng nghe nhạc trực tuyến Spotify và công cụ xử lý thanh toán Adyen lên sàn.

Theo công ty nghiên cứu thị trường vốn PitchBook, thị trường châu Âu chỉ đón khoảng 26 đợt IPO trong năm nay, ít hơn gần 1/3 so với 70 thương vụ IPO ở Mỹ và chỉ bằng gần 1/4 so với con số 92 tại Trung Quốc.

Trong khi đó, tổng giá trị trong các đợt IPO của các doanh nghiệp châu Âu đạt 6,7 tỷ USD - một con số khiêm tốn khi so với 72,8 tỷ USD ở Trung Quốc và 118,19 tỷ USD ở Mỹ.

IPO tai chau Au anh 1

Số các thương vụ IPO có giá trị tại châu Âu khá khiêm tốn so với Mỹ và Trung Quốc.

Lý giải về vấn đề này, Viện nghiên cứu McKinsey cho biết châu Âu là cái nôi của khoảng 1/3 số công ty khởi nghiệp trên khắp thế giới trong suốt một thập kỷ qua. Tuy nhiên, số này chỉ chiếm khoảng 14% kỳ lân công nghệ có giá trị trên 1 tỷ USD.

Trong khi đó, nhiều công ty khởi nghiệp châu Âu vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong giai đoạn phát triển đầu tiên, nhất là khó khăn trong hoạt động kêu gọi vốn và thu hút nhân tài.

Theo McKinsey, các công ty khởi nghiệp tại châu Âu huy động được khoảng 8% và 13% vốn trong các giai đoạn cuối tương ứng "Series D" và "Series E" mà các đối tác bên Mỹ của họ có được.

Ngoài ra, nhiều nhà sáng lập công ty khởi nghiệp ở châu Âu nói rằng quy định chia cổ phiếu cho nhân viên tại đây cũng mang tới nhiều bất lợi lớn. Tại châu Âu, nhân viên được phép sở hữu cổ phần trong doanh nghiệp, điều đó khiến tài sản của tổ chức bị phân tán và mang lại lợi nhuận kém hơn so với Mỹ, chưa tính tới nguy cơ bị thâu tóm khi công ty có vị thế lớn hơn.

Trong khi đó, các thương vụ IPO được xem là sự kiện quan trọng đối với nhân viên và các nhà đầu tư thiên thần bởi họ có thể kiếm tiền từ số cổ phần đang có.

Suranga Chandratillake, đối tác của quỹ Balderton Capital, cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi làn sóng IPO công nghệ ở Mỹ và Trung Quốc đang vượt xa châu Âu. Vài năm gần đây, nhiều công ty công nghệ châu Âu đã lựa chọn niêm yết ở Mỹ, thay vì tại quê nhà. Số doanh nghiệp châu Âu chuyển trụ sở sang New York còn nhiều hơn chuyển tới London, Frankfurt hay Amsterdam.

"Chúng ta đang xây dựng những công ty hàng tỷ USD tại châu Âu. Chúng ta cần chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho họ, không chỉ ở các vòng gọi vốn ban đầu mà cả các vòng gọi vốn sau cũng như khi lên sàn", Suranga Chandratillake nhận định.

Hương Giang

Theo CNBC

Bạn có thể quan tâm