Khi Apple giới thiệu iPhone 6, chúng ta phải ngỡ ngàng trước vô số lỗi trong iOS 8. Gần như mọi sản phẩm được gửi đi để đánh giá (từ bất kỳ công ty nào) đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng và lựa chọn cẩn thận như đại diện hoàn hảo. Bạn không muốn người đánh giá nào lại phải cầm trên tay sản phẩm khiếm khuyết cả. Vì vậy, dùng một chiếc iPhone tự khởi động và bàn phím khó chịu thực sự bất ngờ.
Đây không phải hiện tượng đơn lẻ. Nhiều tờ báo công nghệ uy tín như Wired, The Verge hay ngay cả John Gruber, blogger nổi tiếng chuyên theo dõi Apple, cũng phải viết “dường như đội phần mềm của Apple không theo kịp tốc độ của nhóm phần cứng”. Theo thống kê của hãng phân tích hiệu suất ứng dụng Crittercism, tỉ lệ crash của iOS 8 cao hơn 60% so với iOS 7 trong những tháng đầu tiên xuất hiện.
Daniel Jalkut, cựu nhân viên QA của Apple tỏ ra ngạc nhiên trước lỗi quá rõ ràng trong iOS 8. Theo anh, một số lỗi như HealthKit cho thấy Apple đã không thể xác định được chúng hoặc lẽ ra nên tìm khách khắc phục trước khi tung ra. Ngoài ra, một vài lỗi không quá nghiêm trọng có thể bị Apple bỏ qua để kịp hạn chót và chờ đến phiên bản kế tiếp để vá.
Đây là điều thường xảy ra mỗi khi phát hành hệ điều hành lớn, dù vậy, iOS 8 vẫn khiếm khuyết hơn bất kỳ phiên bản iOS nào trước đó.
Tóm lại, iOS 8 có bao nhiêu lỗi?
Rất khó để xác định mỗi phiên bản iOS chứa bao nhiêu lỗi. Nhiều năm nay, lần lượt nhiều chủ đề, bài đăng phàn nàn về những vấn đề mà người dùng Apple gặp phải. Vài lỗi ảnh hưởng đến cả hàng ngàn người dùng, song nhiều lỗi chỉ tác động tới vài người.
“Chúng ta kỳ vọng sự hoàn hảo, và khi không đạt được, chúng ta loan cho cả thế giới biết”, Matt Johnston, Giám đốc Chiến lược của hãng phân tích ứng dụng Applause cho biết. Theo ông, những công ty phần mềm tốt nhất đôi khi cũng gặp rắc rối và khi đó, người dùng bày tỏ sự bất mãn đi khắp nơi.
Để biết được chính xác số lỗi của iOS 8, trang hỗ trợ chính thức của Apple là địa chỉ đáng tin cậy. Theo đó, số lỗi trong phiên bản này tương tự với iOS 6: 8 lỗi được vá trong bản cập nhật 8.0.1 (tung ra ngay sau iOS 8), 1 lỗi trong bản 8.0.2. Với iOS 7, nền tảng này cũng được vá tới 8 hay 9 lỗi trong bản cập nhật 7.0.3 cuối tháng 10/2013. Trong quá trình tồn tại, iOS 6 có xấp xỉ 21 bản vá còn iOS 7 là 27.
Theo thời gian, các bản cập nhất xuất hiện ngày càng nhanh hơn. Nếu nhìn vào khung thời gian của Apple, có thể thấy xu hướng tung ra bản vá nhanh hơn hẳn so với ban đầu. Chẳng hạn, bản cập nhật đầu tiên của iOS 5 ra mắt sau khoảng 1 tháng; iOS 6 là 1,5 tháng; iOS 7 có 4 bản cập nhật từ 18/9 đến giữa tháng 11/2013.
Với iOS 8, sau khoảng 1,5 tháng, Apple cũng ra 4 bản cập nhật (8.0.1, 8.0.2, 8.1 và 8.1.1) với 23 lỗi được vá. Song với iOS 8.1.1 vừa phát hành hôm 17/11, Apple vẫn chưa khắc phục lỗi cụ thể mà chỉ nhằm “tăng hiệu suất và sự ổn định cho iPad 2, iPhone 4s”. Điều này khiến iOS 8 giật danh hiệu “phiên bản iOS lỗi nhất lịch sử”.
Rõ ràng, những con số không thể vẽ ra bức tranh toàn diện về những gì đang diễn ra. Cùng thời điểm số lỗi tăng lên, iOS 8 bước vào giai đoạn phức tạp nhất, trong khi Apple cung cấp thêm nhiều lựa chọn phần cứng. Thay vì chỉ 1 mẫu iPhone, Apple bán tới 4 mẫu iPhone và hỗ trợ 6 đời máy; bán 5 mẫu iPad và hỗ trợ 8 đời máy bên cạnh iPod touch thế hệ 5. Trên hết, iPhone và iPad dùng dịch vụ của hàng trăm nhà mạng khắp thế giới. Bản thân thực tế đó đã là lí do vì sao Apple phải xử lí nhiều lỗi hơn trong quá khứ.
Một số yếu tố khác phải kể đến việc Apple chuyển ngày ra mắt iPad vào sau iPhone kể từ iPad Retina và iPad mini. Như vậy, ngay trước khi bước vào vòng đời iOS mới, công ty càng phải tung bản vá nhanh hơn.
Với hệ điều hành và phần cứng phức tạp như vậy, tung ra cả hai cùng lúc trong năm khiến Apple không thể vá kịp các lỗi.
Cái giá của tốc độ
Cách tiếp cận tung ra phần cứng và phần mềm cùng lúc của Apple tốt cho người dùng và doanh số song lại cộng thêm nhiều rắc rối cho lập trình viên và người thử nghiệm (tester). Nếu giảm tốc độ sản xuất, tách giới thiệu sản phẩm và hệ điều hành mới, Apple có thể ngăn chặn các lỗi trong phiên bản cuối cùng đến tay công chúng tốt hơn. Song điều này lại tác động đến tính cạnh tranh của Apple trong thị trường di động phát triển mau lẹ hiện nay.
“Tôi hiểu thách thức của Apple khi họ phải cân bằng giữa chất lượng đỉnh cao với thực tế các đối thủ đang cho ra điện thoại, hệ điều hành mới có thể đe dọa đến vị trí tương đối vững chắc của Apple”, Jalkut chia sẻ. Không chỉ có vậy, giảm nhịp độ còn ảnh hưởng đến hình ảnh người tiên phong của Apple đã gây dựng.
Và vì những lí do kể trên, Apple chứng kiến mình mắc kẹt trong vòng đời sản phẩm với đầy lỗi vào buổi đầu để rồi giải quyết chúng nhanh nhất có thể. Ít nhất vào lúc này, iOS 8 chứa nhiều lỗi hơn chúng ta từng trải qua trước đây. Khi sự phức tạp của iOS đang gia tăng theo cấp số nhân và Apple chuẩn bị cho thiết bị hoàn toàn mới (Apple Watch), nó sẽ trở thành xu thế khó thay đổi. Có lẽ trong iOS 9 năm sau, Apple còn quay cuồng với nhiều lỗi hơn iOS 8.