Khi là ứng cử viên tổng thống vào năm 2016, ông Trump đã úp mở về khả năng công bố các hồ sơ thuế. Khi đó, ông cho biết bản thân có kế hoạch công bố các hồ sơ thuế khi cuộc kiểm toán của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) hoàn tất, theo CNN.
Bên cạnh đó, ông Trump cho rằng quy mô và sự phức tạp của khối tài sản là lý do khiến ông cho đến nay đã đi ngược lại truyền thống khi không công bố thông tin tài chính. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên trong bốn thập kỷ qua không công bố tờ khai thuế cá nhân khi tranh cử vào Nhà Trắng.
"Đây không phải là một tờ khai thuế bình thường”, ông Trump nói hồi năm 2016.
Bước lùi cho ông Trump
Việc ông Trump công bố hồ sơ thuế chưa bao giờ thành hiện thực. Trong bảy năm tiếp theo, ông từng đổ lỗi cho cuộc kiểm toán của IRS về việc ông từ chối công khai hồ sơ thuế.
Sau đó, trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Trump đã tiến hành một cuộc chiến pháp lý kéo dài chống lại các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện, những người muốn ông công khai tài liệu đó.
Dữ liệu khai thuế mà New York Times thu thập được cho thấy rằng ông Trump đã nộp thuế thu nhập ít ỏi trong nhiều năm. Bên cạnh đó, toàn bộ lịch sử nộp thuế của ông vẫn được giữ bí mật.
Điều đó có thể đã thay đổi trong tuần này. Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ ngày 20/12 đã bỏ phiếu công khai hồ sơ thuế được biên tập lại của ông Trump - đánh dấu thêm một bước lùi cho cựu tổng thống.
Động thái đó được đưa ra sau khi Tòa án Tối cao vào tháng trước đã bác bỏ việc ngăn chặn Bộ Tài chính, cơ ban giám sát IRS, công bố các hồ sơ thuế của ông Trump cho Quốc hội. Quyết định này đã mở đường cho việc IRS chuyển các hồ sơ thuế của ông cho Ủy ban Tài chính và Thuế vụ.
Đại diện của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Mỹ phát biểu trước báo giới hôm 20/12. Ảnh: Reuters. |
Giờ đây, trong những ngày trước khi trao quyền kiểm soát Hạ viện cho đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ đã phải quyết định nên làm gì với các tài liệu này.
Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, hiện do đảng Dân chủ kiểm soát, từ năm 2019 đã tìm cách thu thập tờ khai thuế của ông Trump. Ủy ban từng nói họ cần thu thập tờ khai thuế để xét xem liệu IRS có đang kiểm toán các tờ khai thuế của ông Trump đúng cách và liệu có cần ban hành luật mới hay không.
Bên cạnh thể hiện sự minh bạch, việc chính thức công bố hồ sơ thuế của ông Trump sẽ phản ánh điều mà một số người lo ngại - sự kết thúc của kỷ nguyên về quyền riêng tư của người đóng thuế.
Điều đó cũng đặt ra câu hỏi liệu trong trường hợp này, các đảng viên Dân chủ trong ủy ban Hạ viện có tạo cớ để sử dụng quyền lực của họ như một vũ khí chính trị chống lại đối thủ hay không.
John Koskinen, người từng là ủy viên IRS trong chính quyền ông Obama và ông Trump, nhận định: "Đó là một tiền lệ nguy hiểm”.
Luật pháp không bắt buộc các tổng thống phải công bố hồ sơ thuế. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, họ đã tự nguyện làm vậy để chứng minh cho công chúng Mỹ thấy rằng họ không có gì phải che giấu.
Trong nhiều năm, các đảng viên Dân chủ đã cố gắng tiếp cận các bản khai thuế của ông Trump, sử dụng nhiều lý do khác nhau để giải thích việc các nhà lập pháp nên được phép xem dữ liệu tài chính cá nhân.
Khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào năm 2019, họ đã ưu tiên tiếp cận các tờ khai của ông Trump. Họ dựa vào một điều khoản đã tồn tại hàng thế kỷ trong bộ luật cho phép các ủy ban về thuế của Quốc hội có quyền xem xét hồ sơ thuế cá nhân.
Dấu chấm hết cho quyền riêng tư về thuế?
Để chứng minh rằng họ có một “mục đích chính đáng” đối với yêu cầu này, các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã cố gắng coi hồ sơ thuế như một phần của cuộc điều tra về tính hiệu quả của một quy tắc yêu cầu IRS kiểm tra tất cả tờ khai thuế của tổng thống.
Trong khi đó, Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính dưới thời ông Trump, từng cảnh báo rằng yêu cầu từ các đảng viên Dân chủ có thể quay trở lại ám ảnh họ nếu một ngày nào đó đảng Cộng hòa quyết định vũ khí hóa IRS.
“Ủy ban Tài chính và Thuế vụ do đảng Dân chủ kiểm soát đang tung ra một vũ khí chính trị mới nguy hiểm, khi không chỉ tác động tới ông Trump mà còn gây nguy hiểm cho quyền riêng tư của mọi người Mỹ”, Hạ nghị sĩ Kevin Brady của Texas cho biết.
Ông Donald Trump tuyên bố tranh cử tổng thống hồi năm 2015. Ảnh: Reuters. |
“Trong tương lai, các đảng phái trong Quốc hội có quyền lực gần như vô hạn để nhắm vào các đối thủ chính trị bằng cách thu thập và công khai các hồ sơ thuế cá nhân nhằm gây hại cho họ”, ông nói thêm.
Theo ông, động thái này không chỉ giới hạn ở các quan chức nhà nước, mà có thể nhắm vào các công dân, lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như thẩm phán của Tòa án Tối cao.
Trong khi đó, các đảng viên Dân chủ khẳng định rằng việc họ muốn có được hồ sơ thuế của ông Trump không phải là một nỗ lực nhằm bôi nhọ vị cựu tổng thống.
Họ cho rằng việc gấp rút công khai chúng trước khi đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Hạ viện vào năm tới là kết quả của việc ông Trump đã trì hoãn làm điều đó trong nhiều năm.
Việc Quốc hội sử dụng quyền lực của mình để tiết lộ thông tin về người nộp thuế không phải là chưa có tiền lệ. Chẳng hạn, một ủy ban thuế đã công bố một báo cáo lưỡng đảng mô tả và phân tích các tờ khai thuế của cựu Tổng thống Richard M. Nixon vào năm 1974.
George K. Yin, giáo sư danh dự về luật thuế tại Đại học Virginia, lo ngại rằng nếu việc công bố các tài liệu được nhiều người coi là mang tính chính trị, thì một kịch bản ăn miếng trả miếng có thể sẽ xảy ra.
“Đó là dấu chấm hết cho quyền riêng tư về thuế đối với tôi. Về cơ bản, không có thông tin thuế của ai thực sự được bảo vệ”, ông cho biết.
Cuốn sách về ông Donald Trump
Mục Thế giới giới thiệu sách tham khảo về cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, với tựa “Bão lửa và Cuồng nộ (Fire and Fury)”. Cuốn sách nói về một năm đầu tiên làm Tổng thống của Trump, và được giới thiệu là "phơi bày nội tình bất thường của Nhà Trắng dưới thời ông Trump".