Các loại hạt giống bắp cải tí hon, bầu hồ lô, bí ngô mini.... có giá đắt gấp 5-10 lần so với loại thông thường. Phần lớn những người bán chưa trồng thử nghiệm nên cũng không dám đảm bảo năng suất. Tuy nhiên, do mẫu mã đẹp, sản phẩm được cho là có hàm lượng dinh dưỡng cao, nên anh Nguyễn Tùng (Đống Đa, Hà Nội) vẫn bỏ hơn 1 triệu đồng mua các loại hạt giống trên về trồng.
Khách hàng này cho rằng, hình dáng những quả bí mini, dưa hấu tí hon... rất ngộ nghĩnh. Anh không quan tâm đến năng suất mà trồng với mục đích làm cảnh. "Hơn nữa, hầu hết các sản phẩm đều được nghiên cứu có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khoẻ, nên nếu cho thu hoạch thì vẫn lãi", anh cho hay.
Cho rằng quả có hình dáng ngộ nghĩnh, giàu hàm lượng dinh dưỡng nên nhiều người không tiếc tiền mua hạt giống tí hon về trồng. Ảnh: Subeeskitchen. |
Chung sở thích như anh Tùng, từ đầu năm đến giờ, chị Hà Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chi gần 3 triệu đồng để mua những hạt giống lạ về trồng. Chị cho biết, ban đầu vì tò mò nên mua về trồng thử. Nhưng từ khi trồng thành công bầu hồ lô và bí đỏ tí hon, gần như chị bị “nghiện” những giống cây lạ mắt này.
Chị Trinh thường lên mạng theo dõi một số nhà vườn. Cứ khi có giống mới là đặt mua ngay. Trong số hơn 10 loại hạt giống lạ từng trồng, chị Trinh cho rằng, dưa hấu tí hon, cà chua bi và bí đỏ mini cho năng suất cao nhất. Trong khi bắp cải tí hon (Brussels) và việt quất đã trồng đến lần thứ 2 vẫn thất bại.
"Hạt nảy mầm chừng 2-3 cm rồi chết. Những cây lên được 15-20 cm còi cọc, có biểu hiện cỗi, chỉ ra lá và không cho quả. Tuy nhiên, đã có người trồng thành công 2 loại trên nên mình còn hy vọng. Sắp tới, mình gieo và chuẩn bị trồng thử nghiệm lần thứ 3", chị Trinh chia sẻ.
Chị Trinh còn cho biết, việc trồng cây tí hon tỉ mẩn nhưng không vất vả, cũng không mất thời gian. Chị thường tranh thủ lúc sáng sớm và sau khi đi làm về để chăm sóc. Và nếu cây còi cọc, chậm lớn hay bị bệnh thì chị rất buồn và lo lắng.
Dù được cảnh báo tỷ lệ nảy mầm và năng suất không cao nhưng nhiều người vẫn không tiếc tiền chi tiền triệu mua hạt giống lạ về trồng. Ảnh: NVCC. |
Mặc dù đã thất bại khi trồng các loại hạt giống cho quả mini, nhưng chị Phương Anh (Văn Quán, Hà Nội) tiếp tục thử nghiệm trồng cây con. Chị mua 2 cây nho thân gỗ (2 năm tuổi) và 1 chậu mâm xôi với giá gần 2,1 triệu đồng.
Thông tin về cách chăm sóc, năng suất còn mông lung, nhưng hầu hết các giống chị Phương Anh chọn trồng đều được cho có hàm lượng dinh dưỡng cao. Một số tốt cho làm đẹp, thậm chí phòng và điều trị ung thư. Mong muốn của chị là cây ra nhiều quả, đủ sử dụng như thực phẩm và thuốc bổ trong bữa ăn gia đình.
Anh Trung, kỹ sư nông nghiệp, làm việc tại một nhà vườn ở Sơn Tây, Hà Nội cho biết, các giống cây lạ như nho gỗ, cây tí hon, ... có hình thù ngộ nghĩnh, phù hợp trồng làm cảnh. Tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu khác nhau, cây sẽ phát triển và ra quả không giống nhau. Vì thế, việc trồng các giống cây lạ, đặc biệt giống được nhập từ nước ngoài tại Việt Nam, sẽ khó cho kết quả như mong muốn.
"Việc hạt không nảy mầm, cây không ra quả, hoặc không có hình dáng, mùi vị như quảng cáo là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, năng suất và chất lượng các loại giống này chưa được kiểm chứng. Nên người trồng không nên quá hy vọng hay lạm dụng những loại quả này", anh nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Vũ, Chủ nhiệm khoa Công nghệ sinh học và Môi trường, Đại học Phương Đông Hà Nội, việc tự ý nhập hạt giống các loài thực vật tí hon về Việt Nam có thể phạm luật.
Theo quy định, giống cây mới nhập vào Việt Nam, trong đó có các loại rau củ tí hon, phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá. Bộ tiêu chí đánh giá bao gồm đặc tính cây trồng có phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng... tại Việt Nam hay không. Ngoài ra, đơn vị nhập khẩu cũng cần đặt câu hỏi, liệu giống cây đó có mang sâu bệnh lạ hay ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Việt Nam.
"Sau một thời gian đánh giá, thử nghiệm… các giống cây đạt yêu cầu mới được cấp phép trồng đại trà, hoặc trong một khu vực nhất định”, PGS.TS Nguyễn Kim Vũ nói.