Trao đổi với PV ngày 29/3, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nói: "Hành vi chống đối cảnh sát giao thông là vi phạm pháp luật. Nếu nhẹ có thể chỉ nộp phạt, nặng thì sẽ bị xử lý hình sự.
Những hành động đó rất đáng lên án, xâm phạm đến thân thể của những người làm nhiệm vụ. Đặc biệt nó cho thấy văn hóa ứng xử của bộ phận người tham gia giao thông".
Ông Thái cho biết thêm: "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chống đối lực lượng CSGT trước hết là do các đối tượng vi phạm, ý thức và cách xử sự của họ chưa thật sự tốt, thiếu bình tĩnh khi tham gia giao thông.
(Ảnh minh họa). |
Thứ 2 là CSGT được Bộ công an giao cho xử lý trực tiếp những đối tượng vi phạm, khi xử phạt thì sẽ xảy ra một số mâu thuẫn. Mặc dù vi phạm, nhưng xin không xử phạt, nhưng nếu cảnh sát cương quyết xử lý thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người vi phạm, gây nên mâu thuẫn.
Thứ 3 cũng phải nói đến một số trường hợp do cách xử lý chưa đúng quy trình của cảnh sát, cách ứng xử, giao tiếp chưa có văn hóa và tôn trọng người vi phạm. Một số thái độ cứng rắn quá sẽ dẫn đến những hành vi... buồn".
Chia sẻ thêm về tình trạng này, ông Thái bày tỏ: "Hiện nay, Bộ Công an thường xuyên tập huấn cho các chiến sĩ về cách ứng xử, tác phong. Bộ cũng rất chú trọng đến vấn đề này để nâng cao nhận thức. Đồng thời trong quá trình tập huấn, cũng đưa ra những tấm gương tốt để giáo dục CSGT, giúp CSGT ứng xử hợp lý để đối tượng chấp hành nghiêm chỉnh".
"Nếu không cương quyết sẽ không ngăn ngừa được những trường hợp vi phạm trong an toàn giao thông. Nhưng nếu cương quyết quá sẽ dễ gây phản ứng. Vì vậy cách ứng xử của CSGT cần phải mềm mỏng và hài hòa. Năm 2013, Bộ VH-TT-DL cũng đề cập đến văn hóa ứng xử CSGT để thực hiện đúng quy trình công tác, ứng xử văn minh, xử phạt đúng đối với trường hợp vi phạm", ông Thái cho biết thêm.
CSGT được Tổ chức minh bạch xếp vào hàng tham những, liệu đây có phải là nguyên nhân khiến dân bức xúc, và xảy ra những hành vi buồn trên? Ông Thái giải thích: "Qua truyền thông và báo cáo của cơ quan chức năng, trong hàng ngũ lực lượng CSGT cũng có một số chiến sĩ vi phạm trong việc xử lý. Bộ Công an đã cố gắng tăng cường giáo dục tư tưởng, đặc biệt giám sát các hành vi vi phạm để phát hiện và xử lý nghiêm ngặt, và kịp thời".
Ông Thái nói tiếp: "Để khắc phục tình trạng chống đối CSGT của người vi phạm, đảm bảo an toan trước hết phải quan tâm đến hình thức bên ngoài của các chiến sĩ như trang phục, trang thiết bị... Tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cùng cách ứng xử nghiệp vụ để hạn chế thấp nhất các phản ứng, bức xúc từ phía người vi phạm".
CSGT bị tấn công phụ thuộc vào tác phong của chính mình
Nói về nguyên nhân khiến CSGT bị tấn công, chiến sĩ H.T.T., làm việc tại chốt giao thông đường Láng - Lê Văn Lương (Hà Nội), cho rằng việc bị tấn công phụ thuộc vào thái độ tác phong của chính những CSGT. "Thái độ của mình đối với người ta để người ta không phản kháng thế", anh T. cho biết.
Anh T. nhấn mạnh đến thái độ của chiến sĩ CSGT: “Thái độ đối với người vi phạm là cách chào hỏi, cư xử với họ để họ hiểu vấn đề. Cũng phải tùy thuộc vào người vi phạm, nhưng quan trọng là thái độ của mình với người vi phạm.
Mình đối xử với người ta thế nào thì người ta đối xử lại như thế. Ban đầu người vi phạm tỏ thái độ, nhưng CS phải giải thích, thái độ tôn trọng thì người ta sẽ chấp hành hợp tác. Vấn đề quan trọng là phải nắm bắt tâm lý đối với người vi phạm để có cách xử lý thỏa đáng".