5 ngày qua, cả nước liên tiếp xuất hiện 23 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca được ghi nhận lên 39. Điểm bùng phát bắt đầu từ ca thứ 17, khi bệnh nhân này khai báo không trung thực để tránh bị kiểm dịch ở sân bay.
Vì sao việc lọt qua hệ thống kiểm dịch xảy ra khi cảng hàng không được xác định là cửa ngõ chiến lược, tập trung lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế và an ninh cửa khẩu của Bộ Công an?
Soi từng trang hộ chiếu
Không phải đến khi về nước hành khách mới được sàng lọc y tế. Theo Vietnam Airlines, hãng này đã yêu cầu khách khai báo sức khỏe, kiểm tra visa, hộ chiếu ngay tại quầy check-in ở các nước châu Âu để biết khách có thuộc diện cần kiểm dịch hay không.
Trước khi lên máy bay về Việt Nam, nhân viên Vietnam Airlines hỏi thăm sức khỏe hành khách, nếu có vấn đề sẽ thông tin cho bộ phận y tế sân bay và thông báo cho khách nếu thuộc diện phải cách ly.
Hành khách đến từ Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn. Ảnh: Việt Linh. |
Theo quy trình, hành khách khi xuống máy bay sẽ được lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế tiếp nhận, đo thân nhiệt, yêu cầu điền tờ khai y tế và dựa trên kết quả tờ khai để sàng lọc, quyết định biện pháp cách ly.
Hành khách không thuộc diện phải cách ly sẽ đi tiếp đến khu vực công an cửa khẩu để làm thủ tục nhập cảnh. Tại đây, các cán bộ làm thủ tục nhập cảnh kiểm tra từng trang hộ chiếu thêm lần nữa xem khách có từng đến vùng dịch hay không, dựa theo dấu xuất nhập cảnh.
Trao đổi với Zing.vn, đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, cho biết đơn vị đang siết chặt công tác nhập cảnh người về từ vùng dịch theo yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia.
"Trước đây thủ tục nhập cảnh chỉ mất 30 giây mỗi khách thì bây giờ mất tới 3 phút, vì phải soi từng trang hộ chiếu. Lượng người nhập cảnh ở các sân bay tuy giảm hơn trước nhưng lực lượng công an cửa khẩu vẫn phải dàn đều quân số và làm việc liên tục", lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh chia sẻ.
Ông Thống cho biết công an cửa khẩu thông qua soi hộ chiếu đã phát hiện nhiều hành khách từng đến quốc gia có dịch nhưng lại không khai báo trong tờ khai y tế. Những người này lập tức bị bàn giao lại cho lực lượng y tế tại sân bay để cách ly theo quy định.
Gian dối để trốn cách ly
Theo lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, biện pháp kiểm tra hộ chiếu đã hạn chế được nhiều vụ khai báo không trung thực, nhưng cũng không ngăn được triệt để những trường hợp gian dối, như ca nhiễm thứ 17.
Ông Thống khẳng định trong hộ chiếu của nữ hành khách N.H.N. không hề có con dấu nhập cảnh của Italy. Theo lãnh đạo công an cửa khẩu sân bay Nội Bài, hành khách đã sử dụng một hộ chiếu khác để di chuyển giữa các nước châu Âu.
Không ít người khai báo gian dối nơi đã đi qua để tránh bị cách ly theo quy định phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Việt Linh. |
"Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là hầu hết nước châu Âu hiện nay không có con dấu nhập cảnh khi di chuyển giữa các quốc gia, do đó việc xác định hành trình của hành khách là rất khó. Các cửa khẩu của Hàn Quốc hay một số cửa khẩu của Trung Quốc hiện cũng không đóng dấu nhập cảnh lên hộ chiếu mà cho hành khách đi thẳng qua cửa autogate - nhập cảnh bằng hộ chiếu điện tử", ông Thống chia sẻ.
Việc hành khách nhiễm Covid-19 lọt được qua hệ thống kiểm dịch sân bay đã khiến công tác dập dịch phức tạp hơn rất nhiều. Tính đến ngày 11/3, N.H.N. và 14 hành khách đi cùng chuyến bay VN54 đã được kết luận dương tính với Covid-19, kéo theo hàng trăm người phải cách ly do từng tiếp xúc với bệnh nhân.
N. không phải trường hợp duy nhất trở về từ vùng dịch nhưng không bị lực lượng kiểm dịch y tế tại sân bay phát hiện.
Ngày 10/3, chính quyền quận Tân Phú (TP.HCM) sau khi nhận tin báo từ người dân đã tiến hành cách ly hai vợ chồng đi du lịch từ Italy về. Trước đó, họ nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất nhưng không bị cách ly tập trung.
Với những trường hợp như trên, lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết việc rà soát rất khó khăn bởi giữa Italy và Việt Nam không có đường bay thẳng. Nhiều trường hợp đã đi đường vòng và khai báo y tế không đầy đủ để qua mặt lực lượng kiểm dịch.
Công an tham mưu biện pháp sàng lọc
Thực tế nêu trên cho thấy việc kiểm tra hộ chiếu là biện pháp cần, nhưng không thể đủ để kiểm chứng lời khai y tế của người nhập cảnh.
Sau thời gian áp dụng, mẫu tờ khai y tế đối với người nhập cảnh bị đánh giá là còn sơ sài, chưa tập trung truy vấn lịch sử di chuyển của hành khách.
Mẫu tờ khai y tế đang được áp dụng tại các sân bay. |
Cụ thể, mẫu khai báo chỉ có 2 mục ghi địa điểm khởi hành và địa điểm nơi đến (tỉnh/quốc gia) trong khi các hành khách đến châu Âu thường di chuyển qua rất nhiều điểm trong 14 ngày.
Có một mục duy nhất yêu cầu hành khách ghi rõ những quốc gia từng ghé đến; tuy nhiên, chỗ trống cho hành khách điền câu trả lời lại ngắn ngủn.
Tờ khai cũng chưa nêu rõ cho hành khách biết hình thức răn đe, xử phạt và trách nhiệm pháp lý với hành vi khai báo gian dối. Cuối tờ khai chỉ có một dòng: "Tôi cam kết những thông tin trên là đúng sự thật, tôi hiểu rằng nếu cung cấp sai thông tin có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng".
Tại hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra ngày 11/3, Bộ trưởng Tô Lâm đã yêu cầu ngành công an phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế xử lý nghiêm các trường hợp khai báo gian dối, không chấp hành yêu cầu cách ly.
Đặc biệt, công an sẽ tham mưu các biện pháp sàng lọc, quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu để phát hiện kịp thời các hành khách khai báo gian dối.
Trong bối cảnh việc phòng chống dịch bệnh vẫn phụ thuộc lớn vào sự trung thực của người dân; các biện pháp răn đe, xử lý hành vi gian dối là giải pháp quan trọng để ngăn dịch tiếp tục lây lan.