Chiều 26/12, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía bắc.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến ngày 25/12 còn gần 6.000 xe ách tắc ở cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, gây thiệt hại đáng kể cho người dân và doanh nghiệp.
Biết ùn tắc, doanh nghiệp vẫn đưa hàng lên cửa khẩu
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết mỗi ngày chỉ thông quan được 88 xe hàng hóa qua cả 2 cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma, trong khi cửa khẩu Tân Thanh chưa mở trở lại. Do đó, áp lực về việc bố trí chỗ đỗ phương tiện, sinh hoạt cho hàng vạn người trong một tháng qua là rất lớn.
“Một tháng qua có 50 cuộc hội đàm các cấp từ huyện, ngành. Tôi cũng đã viết thư trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây để đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh trong thông quan hàng hóa”, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nói.
Theo ông Thiệu, Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid” nên siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Phía Trung Quốc vẫn triển khai thông quan trong giờ hành chính nhưng do phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch nên tốn nhiều thời gian, gây ùn ứ.
Hàng nghìn xe container hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Thạch Thảo. |
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết địa phương đã thông tin trên trang điện tử về thời gian, lượng xe thông quan, đồng thời nhắn tin qua Zalo cho các doanh nghiệp, chủ hàng thường xuyên xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn. Nhưng mỗi ngày vẫn có thêm 60-70 xe về Lạng Sơn.
Lý giải nguyên nhân khách quan dẫn đến ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết thủ tục giao nhận đang được thực hiện chặt chẽ hơn và lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc. Thời gian gần đây, quy trình kiểm dịch cũng phức tạp hơn.
Nhưng về chủ quan, theo ông Khánh, sản xuất nông nghiệp không theo nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc… Các bộ, địa phương biên giới liên tục khuyến cáo về việc ùn tắc nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng các doanh nghiệp chưa chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Ảnh: VGP. |
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhìn nhận các doanh nghiệp chưa chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Biết tình trạng hàng hóa ùn ứ nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đưa hàng lên biên giới.
Ông Diên cho biết bộ đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tăng cường năng lực tiêu thụ ở thị trường nội địa qua các kênh truyền thông như chợ, siêu thị và bằng cả thương mại điện tử. Bộ trưởng Công Thương lưu ý “sản xuất cái gì phải tính bán cho ai, ở đâu, tuân thủ tín hiệu thị trường”.
Đẩy mạnh phân phối, tiêu thụ ở thị trường trong nước
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết trước tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã kịp thời có nhiều chỉ đạo, song tình hình vẫn chưa được cải thiện.
“Nếu tiếp tục đưa hàng hóa lên cửa khẩu thì càng thiệt hại. Vì vậy, cần có giải pháp cả trước mắt và dài hơi”, Phó thủ tướng nói.
Trước mắt, ông Thành yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, các cơ quan và địa phương biên giới làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hóa.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo giải phóng sớm lượng xe ùn ứ ở các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn. Ảnh: VGP. |
Lãnh đạo các địa phương có hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu được yêu cầu thông báo rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân biết về tình hình thông quan, xác định rõ số lượng phương tiện có thể được vận tải hàng hóa lên cửa khẩu mỗi ngày và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không ùn tắc tại cửa khẩu.
“Phấn đấu để giải phóng sớm nhất lượng xe ùn ứ ở các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn. Trong thời gian này, các đồng chí được quyền thông báo gửi các địa phương, doanh nghiệp không đưa hàng hóa đến”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Về lâu dài, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan được giao bàn bạc để hình thành các “vùng xanh”, “luồng xanh” an toàn tại khu vực biên giới, nhằm đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thị trường, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hoá.
Phó thủ tướng quán triệt cần đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ trong nước, khai thác triệt để các dư địa của thị trường nội địa rộng lớn với gần 100 triệu dân; tập trung mở rộng thị trường, hạn chế và tiến tới chấm dứt hoạt động thương mại đường mòn, lối mở.