Khi ê-kíp thực hiện The Golden Hairpin của tvN và Until the Morning Comes trên jTBC thông báo phát sóng phim cuối năm, công chúng Hàn Quốc tỏ thái độ lo ngại, khó chịu nhiều hơn hào hứng. The Korea Times giải thích thái độ này xuất phát từ việc có hai phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của Trung Quốc. Trong đó, The Golden Hairpin cũng đang được quay ở Trung Quốc với tên gọi Thanh Trâm Hành.
Khán giả Hàn Quốc tẩy chay hàng loạt phim có yếu tố Trung Quốc
Gần đây, bộ phim giả tưởng lịch sử kinh phí lớn của đài SBS, Joseon Exorcist bị dừng phát sóng hoàn toàn vì “xuyên tạc lịch sử và sử dụng đạo cụ Trung Quốc một cách không cần thiết".
Trước khi SBS hủy bỏ dự án, hơn 184.000 người đã ký vào bản kiến nghị dừng chiếu Joseon Exorcist vĩnh viễn gửi Nhà Xanh. Con số này đủ thể hiện sự tức giận của công chúng Hàn Quốc với bộ phim.
Cũng với lý do xuyên tạc lịch sử, từ 26/3, các đoạn clip trích đoạn phim Mr. Queen trên nhiều nền tảng mạng bị khóa quyền truy cập hoặc xóa vĩnh viễn. Các clip trên Naver và YouTube cũng dần bị gỡ bỏ. Mr. Queen là tác phẩm làm lại từ bộ phim chiếu mạng Thái tử phi thăng chức ký của Trung Quốc. Từ khi phim phát sóng, hàng loạt khán giả đã lên tiếng yêu cầu xóa bỏ dự án này. Ngay cả biên kịch Park Gye Ok và nữ chính của phim là Shin Hye Sun cũng không tránh khỏi làn sóng tẩy chay.
Joseon Exorcist bị thiệt hại nghiêm trọng vì dừng chiếu sau hai tập phim. |
Cùng thời điểm, Vincenzo hay True Beauty của tvN cũng đứng trong tâm điểm tranh cãi về việc quảng cáo các mặt hàng Trung Quốc quá mức. Straits Times đưa tin ngày 17/3, Vincenzo phải đối mặt với phản ứng dữ dội ở Hàn Quốc sau cảnh quay hai nhân vật chính là Song Joong Ki và Jeon Yeo Ki dùng bibimbap (cơm trộn) ăn liền của một thương hiệu Trung Quốc. Đáng nói, việc máy quay phóng to tên thương hiệu của nhà tài trợ bị chỉ trích lố, phản cảm.
"Bibimbap vốn của Hàn Quốc. Nhưng việc một thương hiệu bibimbap do Trung Quốc sản xuất xuất hiện trong phim Hàn Quốc khiến khán giả quốc tế hiểu nhầm. Bây giờ người Trung Quốc có thể tranh luận bibimbap là món ăn của họ", một tài khoản viết.
Trước phản ứng dữ dội của khán giả Hàn Quốc, ê-kíp sản xuất Vincenzo quyết định xóa bỏ cảnh quay có sự xuất hiện của thương hiệu Trung Quốc nói trên.
Lý do đằng sau làn sóng tẩy chay
Việc làm lại từ kịch bản nước ngoài hay chuyển từ tiểu thuyết tương đối phổ biến với các công ty sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc. Nhưng ngày càng có nhiều khán giả tỏ ra bất bình trước những tác phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo The Korea Times, sự tức giận của khán giả xuất phát từ cuộc xung đột văn hóa đang diễn ra giữa Seoul và Bắc Kinh về "nguồn gốc" các tài sản truyền thống của Hàn Quốc như kim chi, hanbok…
Cụ thể, cuối tháng 12/2020, khi Trung Quốc nhận chứng nhận từ Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cho Pao Cai (dưa chua), Global Times gọi thành tựu này là “tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu”. Sau đó, truyền thông và dư luận Hàn Quốc phản ứng gay gắt. Họ cho rằng nước láng giềng đang cố biến kim chi trở thành món ăn Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc và Hàn Quốc nhiều lần xảy ra xung đột vì nguồn gốc của nhiều loại hình văn hóa khác nhau như trang phục, châm cứu, những ngày lễ truyền thống...
Trở lại trường hợp của Joseon Exorcist, khi phim vấp phải làn sóng chỉ trích, giáo sư Seo Kyung Duk của Đại học nữ Sungshin cho rằng hành động của ê-kíp sản xuất thể hiện sự vô trách nhiệm với truyền thống dân tộc.
Phim mới của Song Joong Ki bị chỉ trích vì quảng cáo lộ liễu sản phẩm Trung Quốc. |
“Phim truyền hình Hàn Quốc trở thành hiện tượng toàn cầu và mọi người trên khắp thế giới đang theo dõi. Trong tình huống này, chúng ta thậm chí không thể giới thiệu tất cả văn hóa và lịch sử tuyệt vời của Hàn Quốc. Chúng ta không nên cho khán giả nước ngoài xem một bộ phim cổ trang mà lịch sử bị bóp méo”, Seo Kyung Duk nói.
Seo Kyung Duk nhấn mạnh Joseon Exorcist đã làm gia tăng sự phẫn nộ và tức giận của người Hàn Quốc trước những tuyên bố gần đây của Trung Quốc rằng kim chi có nguồn gốc từ nước này.
Vì sao nhà sản xuất Hàn Quốc chuộng nội dung Trung Quốc?
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do đằng sau việc các nhà sản xuất Hàn Quốc thường chọn làm phim từ tiểu thuyết hoặc phim truyền hình Trung Quốc. "Trung Quốc có thị trường tiểu thuyết trực tuyến khổng lồ. Hơn hai triệu tiểu thuyết được tạo ra trong một năm và số lượng độc giả vượt quá 300 triệu vào năm 2016. Với thị trường khổng lồ này, một tác phẩm thành công của Trung Quốc thường được cho là có chất lượng đảm bảo”, Choi Min Sung, giáo sư Văn hóa Trung-Hàn tại Đại học Hanshin, nói với The Korea Times.
Hàng loạt clip của Mr. Queen bị gỡ bỏ. |
"Các công ty sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc nghĩ việc làm lại những tác phẩm này có thể giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất và giúp họ thu được đánh giá tích cực hơn từ công chúng", ông tiếp tục.
Tuy nhiên, nhà phê bình phim truyền hình Yun Suk Sin, cũng là giáo sư Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Chungnam, tin rằng chính tiền của Trung Quốc - chứ không phải chất lượng của các câu chuyện - đã thu hút các nhà sản xuất.
"Nhìn chung, chất lượng nội dung Trung Quốc vẫn chưa cao bằng Hàn Quốc. Do đó, lý do có thể là các khoản đầu tư của Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường phim truyền hình Hàn Quốc trong thời gian dài. So với trước đây, các nhà đầu tư Trung Quốc ngày nay dường như yêu cầu nhiều thứ hơn từ các nhà sản xuất Hàn Quốc", nhà phê bình Yun Suk Sin giải thích.
Park Hyung Sik được cho là nam chính của The Golden Hairpin bản Hàn. Tuy nhiên, khán giả không hào hứng với dự án. |
Yun Suk Sin cũng cho rằng các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc không thể làm ngơ trước khán giả Trung Quốc.
Ông nói: “Để nhắm tới thị trường Trung Quốc, nhà sản xuất Hàn Quốc tìm kiếm các tác phẩm nổi tiếng của nước họ. Sử dụng những nguồn này giúp nhà sản xuất dễ dàng thu hút người xem ở quốc gia láng giềng và quảng bá sự sáng tạo của họ ở đó".
Liên quan đến những tranh chấp gần đây, các chuyên gia chỉ ra rằng nhà làm phim truyền hình nên nhạy cảm hơn và tránh có những hành động thiển cận. "Nếu các nhà sản xuất phim truyền hình chỉ vì lợi nhuận, họ sẽ phải đối mặt với nhiều xung đột và tranh cãi hơn", Yun Suk Sin nói.
"Họ phải nhớ rằng phim truyền hình Hàn Quốc có bản sắc riêng", Choi Min Sung nhấn mạnh các nhà làm phim truyền hình nên ý thức hơn về sự độc đáo của văn hóa Hàn Quốc và cố gắng thêm các giá trị phổ quát của Đông Á vào tác phẩm.
"Các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc ngày nay dường như không nhúng tay vào nghiên cứu và phát triển. Họ không mấy quan tâm đến việc săn tìm tài năng cũng như phát triển kịch bản mới. Phần lớn trong số họ đang bận rộn tìm kiếm thành phẩm có thể sử dụng ngay để sản xuất", Yun Suk Sin nhận định.